Đằng sau “cơn sốt” dự án điện mặt trời ở Tây Nguyên: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Trên thực tế các cơ quan chức năng đang thiếu sự phối hợp trong việc quản lý các hoạt động phát triển điện năng lượng mặt trời. Do đó, tình trạng xây dựng các công trình điện năng lượng mặt trời trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã diễn ra tràn lan mà hầu như không có sự điều chỉnh nào.
Khẳng định hàng loạt dự án điện mặt trời mái nhà đều do người từ nơi khác đến mua đất, làm dự án, một lãnh đạo UBND xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cho biết, các chủ đầu tư đã âm thầm mua đất, khi xây dựng cũng không báo cáo địa phương.
“Khi địa phương kiểm tra thì các chủ đầu tư không có mặt, không cung cấp hồ sơ, pháp lý; sau đó lại âm thầm cho xây dựng, vận hành. Các chủ đầu tư trong quá trình làm dự án điện mặt trời mái nhà hầu như không trình diện địa phương, chỉ khi bị vướng mắc, tranh chấp về đất đai, dự án… thì mới tìm đến địa phương để nhờ giải quyết”, lãnh đạo này nói.
Nhiều dự án chia nhỏ để được hưởng ưu đãi về bán giá điện, tạo ra cạnh tranh không công bằng trong kinh doanh. |
Tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, hiện có 28 công trình điện mặt trời đang xây dựng hoặc đã thực hiện xong. “Hầu hết các dự án điện mặt trời mái nhà do người dân, doanh nghiệp xây dựng trên đất nông nghiệp chưa thực hiện chuyển đổi mục đích theo quy định. Khi chính quyền địa phương lập đoàn kiểm tra thì các chủ đầu tư mới lo chuyển đổi mục đất sử dụng đất. Một số dự án sử dụng đất xây dựng trang trại kết hợp để đầu tư điện mặt trời mái nhà khi chưa đảm bảo các tiêu chí để lắp điện mặt trời mái nhà nhưng chủ đầu tư đã thực hiện lắp pin mặt trời và thực hiện đấu nối lưới điện”, một lãnh đạo huyện Krông Nô thừa nhận.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, tình trạng các nhà đầu tư lợi dụng chính sách để hưởng lợi từ cơ chế điện mặt trời mái nhà cần được chấn chỉnh gấp, nhằm tránh tình trạng tại một địa điểm, có nhiều chủ đầu tư cùng lắp đặt dự án dưới 1 MW. Từ đó, hình thành tổng công suất lớn hơn 1 MW với 1 điểm đấu nối. Ngoài ra, việc khống chế công suất dự án dưới 1 MW và có tấm pin lắp đặt trên mái nhà được coi là điện mặt trời mái nhà. Đặc biệt, cũng cần bổ sung quy định kiểm soát hộ gia đình đăng ký theo hộ khẩu tại địa phương, diện tích lắp đặt cụ thể…
“Điện mặt trời áp mái là điện của từng hộ gia đình có mái nhà, có hộ khẩu, có sổ đỏ nhà đất được Nhà nước cấp phép. Mục đích của điện mặt trời áp mái là người sản xuất sử dụng thừa trong gia đình rồi mới bán điện cho Nhà nước. Còn ngụy tạo, tự tạo, tự diễn mà không được cấp phép thì đó là trái luật. Những trường hợp nào làm trái như vậy thì đương nhiên không được chấp nhận. Đối với những trường hợp này Bộ Công Thương không cho phép Tập đoàn Điện lực mua bán điện. Khi mà Tập đoàn Điện lực không mua thì những trường hợp này sẽ không bán cho ai được cả”, ông Trần Viết Ngãi khẳng định.
Một giả thiết khác, trong thời gian tới, đối với hàng trăm dự án điện mặt trời tự phát trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên được các cơ quan chức năng xác định là điện mặt đất nối lưới. Như vậy, các dự án điện mặt trời nối lưới được xây dựng trước đây đều chưa được Bộ Công Thương quy hoạch điện lực, đánh giá tác động môi trường… Xét một cách toàn diện, việc phát triển ồ ạt các dự án điện mặt trời sẽ tạo ra không ít lo toan về vấn đề đối với môi trường.
Theo cơ quan chức năng, một tấm pin mặt trời có thời gian sử dụng khoảng 20 - 30 năm tùy vào điều kiện môi trường. Nhiệt độ cao có thể khiến thời gian sử dụng ngắn hơn và yếu tố tiêu cực như tuyết, bụi sẽ gây tổn hại vật liệu bề mặt và mạch điện bên trong, làm giảm dần năng suất. Pin mặt trời chứa các kim loại như chì, đồng, nhôm với các tế bào năng lượng mặt trời làm từ tinh thể silicon và được bọc trong lớp nhựa dày để bảo vệ. Việc phân loại và xử lý rác tốn chi phí lớn, chưa kể các hóa chất sinh ra trong quá trình tái chế gây hại cho môi trường.
Hiện có hai loại chất thải gây hại từ tấm pin năng lựng mặt trời. Chất thải từ sản xuất và chất thải từ pin năng lượng mặt trời sau khi đã qua vòng đời sử dụng. Điều đáng nói, cho đến nay hầu như vẫn chưa có phương pháp nào để giảm những vấn đề về chất thải độc của pin mặt trời. Trong quy trình sản xuất các tấm pin mặt trời đều sử dụng các chất liệu nguy hiểm như acid sulfuric và khí phosphine độc hại. Để tái sử dụng được các chất liệu này là cực kỳ khó khăn và các tấm năng lượng thường có vòng đời sử dụng rất ngắn.
Chia sẻ về vấn đề môi trường, Phó GS.TS Võ Viết Cường, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho biết, so với các loại năng lượng mà chúng ta đang sử dụng hiện nay thì năng lượng từ điện mặt trời là loại năng lượng sạch nhất. Tuy nhiên, các ngành chức năng cũng cần có sự tính toán đến việc quy hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, ngay từ bây giờ, Bộ TN&MT cần có những quy định ràng buộc trách nhiệm đối với nhà sản xuất, nhà cung ứng tấm pin để họ có trách nhiệm thu hồi hoặc tái chế nhằm đảm bảo vấn đề môi trường sau này.
Về vấn đề một số dự án điện mặt trời không tuân thủ quy định, ông Nguyễn Văn Trình, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Nông cho rằng, ngành Điện chỉ căn cứ vào 2 tiêu chí là mái của công trình xây dựng và còn khả năng tải thì thực hiện thỏa thuận đấu nối cho khách hàng để họ lắp đặt, mua pin.
“Còn việc công trình như thế nào, có phù hợp với đất đai hay không, có thực hiện đúng quy trình xây dựng, an toàn phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường… thì chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm, các cấp chính quyền địa phương liên quan, sở ngành sẽ quản lý chuyện đó. Ngành Điện là một doanh nghiệp cho nên không có chức năng quản lý những việc đấy”, ông Trình phân tích.