DN nước ngoài kinh doanh dịch vụ mạng phải lưu trữ dữ liệu người dùng tại VN

Thứ Năm, 05/04/2018, 09:05
Ngày 4-4, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 sắp tới.


Về Luật An ninh mạng, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP-AN) khẳng định cần thiết phải ban hành và nhấn mạnh, không gian mạng là môi trường đặc thù (phi truyền thống) có những yêu cầu, nội dung riêng về công tác quản lý nhà nước. Lần chỉnh lý này cũng đã cụ thể hóa những nội dung có liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân và thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

Về hoạt động thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát an ninh mạng là vấn đề nhiều ý kiến còn tranh luận, Uỷ ban QP-AN cho rằng việc thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về ANQG là rất cần thiết, nhất là các biện pháp thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát an ninh mạng và đây chính là các biện pháp quan trọng, hữu hiệu trong bảo vệ an ninh mạng. Việc áp dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng tất yếu phát sinh thủ tục hành chính, bắt buộc các chủ thể có liên quan phải thực hiện một số hoạt động cụ thể.

Về yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, Ủy ban QP-AN đề nghị giữ lại nội dung này trong dự thảo Luật, nhưng có giới hạn về chủ thể (doanh nghiệp) và dữ liệu lưu trữ tại Việt Nam như điểm b khoản 4 Điều 28 dự thảo Luật đã chỉnh lý. Ủy ban QP-AN cho rằng, việc quy định như vậy sẽ có những thuận lợi. 

Cụ thể, sẽ đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm ANQG, TTATXH; gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc phối hợp cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm liên quan đến người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; bảo đảm tính khả thi khi phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật của Việt Nam; ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của các đối tượng phản động, gián điệp trong và ngoài nước sử dụng không gian mạng. 

Phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khi kinh doanh vào Việt Nam; đảm bảo chủ quyền thanh toán, chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp này; đồng thời, xóa bỏ sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Góp ý về dự án Luật An ninh mạng, các đại biểu đều nhất trí quan điểm cần thiết phải ban hành Luật.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng, cần nghiên cứu để khi ban hành Luật An ninh mạng phải đảm bảo  giữ vững ANQG, không vi phạm luật pháp, cam kết quốc tế; hài hoà giữa lợi ích quốc gia, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng việc ban hành Luật là cần thiết nhưng việc đưa tổ chức bộ máy vào cần phải thẩm tra kỹ lưỡng.

Tranh luận với một số đại biểu về các điều luật, từ ngữ cần sửa đổi, chỉnh lí, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, qua thảo luận và lấy ý kiến hiện nay đều thống nhất ban hành Luật An ninh mạng. “Việc này chúng ta đã bàn rồi,  không có chuyện nhập hai Luật với nhau, chúng ta không nên bàn cần thiết hay không cần thiết. Nếu trùng lắp đã bỏ rồi.

Quan điểm của Ủy ban QP-AN là không sửa Luật khác khi ban hành Luật An ninh mạng”, đại biểu Lê Thanh Hồng cho biết.

Về lo lắng của một số đại biểu đối với nội dung thẩm định đánh giá phương án đảm bảo an ninh, khắc phục sự cố..., đại biểu Lê Thanh Hồng cho rằng, việc thẩm định, đánh giá chỉ tập trung một số hệ thống thông tin quan trọng như hệ thống thông tin của Quốc hội, Bộ Tài chính, các trung tâm điều khiển, phân phối năng lượng... đây là những mục tiêu quan trọng về ANQG chứ không phải tất cả các hệ thống.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhất trí ban hành Luật nhưng cần phân định rõ phạm vi, không trùng giẫm, xác định rõ trách nhiệm. Điều quan trọng nhất trong Luật An ninh mạng là tập trung vào phòng chống tội phạm mạng. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng không đồng tình gộp 2 Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng nhưng cần xác định rõ phạm vi, đối tượng để không còn ý kiến gì lăn tăn.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh Luật An ninh mạng là đạo luật vô cùng quan trọng để góp phần bảo vệ ANQG, đảm bảo TTATXH, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Ban soạn thảo có trách nhiệm tiếp thu, nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban QP-AN và các cơ quan hữu quan để hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, bám sát yêu cầu, mục tiêu đặt ra.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, về cơ bản, các quy định trong Luật An ninh mạng đã phân định rõ mục đích, yêu cầu, tạo điều kiện cho công tác quản lí, đảm bảo khách quan và có sự giám sát giữa các lực lượng, tránh bị lợi dụng, nhất là các hành vi sử dụng mạng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây nguy hại cho xã hội.

Sáng 4-4, các đại biểu đã thảo luận về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Dự thảo Luật này sau khi được chỉnh lý gồm 6 chương, 88 điều. Tên gọi của dự thảo Luật được bổ sung cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh là “Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc”. 

Các đại biểu đánh giá, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung về quy hoạch, các cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương ở tỉnh… nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới, có tính đột phá cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. 

Các quy định trong dự thảo Luật về cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy... chính quyền đặc khu cũng đã được tiếp thu trên nguyên tắc bảo đảm tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế, có thể khác với các luật hiện hành nhưng trong khuôn khổ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân. 

Cho ý kiến về dự luật này, các đại biểu quan tâm đến cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh; về ngân sách, ưu đãi đầu tư; về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan khác của Nhà nước tại đặc khu... (P.A.)                 

Phương Thủy
.
.
.