Cổ phần hóa chưa thu hút nhà đầu tư nước ngoài vì cổ phần chi phối
- Công bố danh tính hơn 700 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa niêm yết
- Thủ tướng đồng ý cho TP.HCM tự chủ số tiền thu được từ cổ phần hóa
- Quốc hội sẽ giám sát cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước năm 2018
Đây là một trong những nội dung nổi bật được đưa ra tại hội thảo "Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài do" Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 8-9.
Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, quá trình cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có một nghịch lý là dù 96,5% số doanh nghiệp đã được CPH, nhưng có 8% số vốn Nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân. Như vậy, về số lượng, kế hoạch CPH DNNN cơ bản hoàn thành, thậm chí có thể coi là hoàn thành xuất sắc nếu đặt nó trong bối cảnh tình hình nhiều khó khăn và bất trắc khó lường, nhưng nhìn từ mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, phân bổ lại nguồn lực thì kết quả CPH là rất hạn chế.
“Nguồn lực hầu như vẫn nguyên sở hữu nhà nước và các chủ DN tư nhân vẫn phải đứng ngoài cơ cấu quản lý DN CPH. Nhiệm vụ CPH hoàn thành, thành tích rất cao, nhưng mục đích thật sự của CPH lại không đạt được”. Nguyên nhân của tồn tại này, theo ông Thiên, là do tỷ lệ vốn Nhà nước được phép bán rất hạn chế, cao lắm cũng chỉ là 49%. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư tư nhân, gồm cả các DN nước ngoài, ít mặn mà với việc mua DNNN.
Habeco gặp khó khăn trong việc đàm phán với nhà đầu tư chiến lược Carlsberg. Ảnh:TNCK |
Cũng có góc nhìn tương tự, ông Phạm Đức Trung – Trưởng Ban cải cách và phát triển doanh nghiệp (Viện Quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, ở góc độ chất lượng thì kết quả CPH còn hạn chế, nhất là trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư chiến lược.
“Nghị quyết của Quốc hội quy định phải giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống mức sàn, nhưng thực tế lại không như vậy. Đơn cử, có DN kế hoạch Nhà nước chỉ giữ 65%, nhưng sau khi IPO vẫn giữ 81%; hay kế hoạch bán cho đầu tư chiến lược 17% nhưng thực tế chỉ bán được 10%... Nguyên nhân có thể do giá, thị trường khó khăn, song trên hết là trách nhiệm của cơ quan đại diện vốn sở hữu trong kế hoạch CPH, do đặt kế hoạch cao nhưng tới khi đạt được thấp” – ông Trung cho biết. Theo CIEM, số vốn thoái được mới chỉ ở mức 30% so với thực tế cần thoái hơn 100.000 tỷ đồng.
Ông Tony Foster – Giám đốc điều hành Công ty luật Freshfields (Anh) cho rằng, để thu hút được các nhà đầu tư nghiêm túc và dài hạn, cần phải tạo điều kiện cho họ được mua cổ phần chi phối trong các DN CPH hay thoái vốn Nhà nước. Điều này sẽ mang đến những chào giá tốt hơn từ nhà đầu tư và tạo thêm doanh thu cho Chính phủ, vì Nhà nước sẽ bán được giá cao hơn nếu cho phép bán cổ phần chi phối.
“Chính phủ cần xem xét sửa đổi các quy định pháp luật để cho phép nhà đầu tư ngoại nắm giữ trên 49% cổ phần trong các doanh nghiệp CPH hay thoái vốn Nhà nước”, ông Tony kiến nghị. Theo ông này, giá bán, tỷ lệ chào bán nhỏ, quy trình chào bán chưa rõ ràng, minh bạch... là những thách thức cản đường cổ phần hoá DNNN.
Đơn cử trường hợp thoái vốn của Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco), theo Phó Tổng Giám đốc Vương Toàn, hiện Habeco đang gặp vướng mắc trong đàm phán với đối tác ngoại - bia Carlsberg (Đan Mạch).
"Dù đã qua 9 phiên đàm phán nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất được. Hợp đồng thỏa thuận mua bán cổ phần với cổ đông chiến lược và hợp tác chiến lược giữa Habeco và Carlsberg so với các quy định hiện tại có vướng mắc. Chính phủ muốn thoái vốn sâu tại Habeco nên Carlsberg muốn nắm 51% cổ phần. Nhưng chúng tôi còn kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác như rượu, lương thực... mà các lĩnh vực này thì quy định cho nhà đầu tư ngoại chỉ ở mức 49% là tối đa nên việc đàm phán chưa đạt được kết quả” – ông Toàn cho biết.
Đại diện Ban chỉ đạo đổi mới DNNN (Bộ Công Thương) cũng than phiền về những vướng mắc này khi xây dựng kế hoạch thoái vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco cũng như một số tổng công ty lớn khác do Bộ quản lý.
Theo ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC): Để CPH, thoái vốn Nhà nước thành công cần tôn trọng nguyên tắc “phải bán cái gì thị trường cần, thay vì bán những gì mình có”. Ngoài ra, thay vì thoái vốn từng DN đơn lẻ thì nên tạo ra rổ thoái vốn theo địa bàn, chuỗi giá trị để nhà đầu tư có thêm lựa chọn.
“Có nhiều cách bán, nhưng vai trò của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là quan trọng. Cơ chế hiện nay là bán đấu giá trước, rồi dùng giá này áp cho nhà đầu tư chiến lược. Cách làm này sẽ kém hấp dẫn với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Việc đấu giá công khai là tốt, nhưng với DN không có nhiều tiềm năng thì việc đấu giá khó thành công nên cần cơ chế bán khác linh hoạt hơn” – ông Hiển khuyến nghị.
Ông Hiển cũng nhấn mạnh: “Trong giai đoạn này, cần một nhạc trưởng cho việc thoái vốn, CPH DNNN. Phải tính chuyện bán gì, vào lúc nào, khi bán chú trọng hiệu quả kinh tế hay yếu tố khác? Nếu không tạo ra thị trường hàng hóa hấp dẫn thì CPH, thoái vốn sẽ khó hút vốn ngoại”.