Có nên lập Quỹ nâng cao sức khỏe trên cơ sở hợp nhất với Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá?

Thứ Sáu, 29/06/2018, 09:40
Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đang được Bộ Y tế lấy ý kiến, trong đó cơ quan này đề xuất lập Quỹ nâng cao sức khỏe trên cơ sở hợp nhất với Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ý tưởng này khó khả thi…

Nguyên tắc và mục tiêu của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá tập trung vào giảm lượng tiêu thụ thuốc lá, tuy nhiên thời gian qua hiệu quả thực tế lại chưa như mong muốn, trong đó thuốc lá lậu là một trong những tác nhân “góp sức”.

Trong khi đó, tác hại của thuốc lá lậu gây ra cho sức khỏe người tiêu dùng rất rõ ràng. Thuốc lá lậu vừa trốn thuế vừa không phải in cảnh báo sức khỏe, không bị kiểm soát về hàm lượng Tar, Nicotine; không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo kết quả phân tích của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá thì trong thuốc lá lậu còn chứa một số độc tố cấm sử dụng như thuốc diệt chuột; Hàm lượng Tar, Nicotine đều cao vượt ngưỡng cho phép của Bộ Y tế Việt Nam.

Rượu lậu chất lượng kém, không được kiểm soát về an toàn thực phẩm, cùng với thói quen mua bán, tiêu dùng dễ dãi là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc rượu ở nhiều vùng trên cả nước.

Theo ông Vũ Văn Cường- Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, nâng cao sức khỏe bao hàm nội dung, ý nghĩa rộng và liên quan đến nhiều vấn đề khác chứ không riêng thuốc lá và rượu bia.

"Để nâng cao sức khoẻ người dân phải dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học sâu rộng, cần nhiều nguồn lực xã hội cùng chung tay chứ không chỉ dùng nguồn thu từ ngành sản xuất thuốc lá, bia rượu”, ông Cường nhấn mạnh.

Hiện một số ít quốc gia có luật về kiểm soát đồ uống có cồn nhưng không phải nước nào cũng chọn việc lập Quỹ nâng cao sức khỏe để giảm tác hại bia, rượu tới sức khỏe. Đơn cử tại Thái Lan, sau một thời gian được lập Quỹ nâng cao sức khỏe đã phải điều chỉnh hoạt động do vướng phải những thách thức trong đảm bảo tính hiệu quả của quỹ.

Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng thì cần tìm phương thức hiệu quả để  tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, song song với đó là thắt chặt quản lý, kiểm soát và triệt hạ tệ nạn sản xuất, kinh doanh các loại rượu lậu, rượu giả tự nấu.

Theo Báo cáo khảo sát của Euromonitor năm 2015, ước lượng khoảng 28% đồ uống có cồn ở Việt Nam là sản xuất trái phép, không đóng thuế và không được kiểm soát chặt chẽ, trong đó chiếm 97% sản lượng và giá trị của đồ uống có cồn trái phép là rượu gạo, rượu lậu.

Rượu tự nấu, rượu lậu chất lượng kém, không được kiểm soát về an toàn thực phẩm, cùng với thói quen mua bán, tiêu dùng dễ dãi là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc rượu ở nhiều vùng trên cả nước, khong những thế còn dẫn đến thất thu lớn cho ngân sách, mỗi năm lên đến 2.000 tỷ đồng.

Rượu lậu bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Vì thế việc cần làm ngay lúc này là tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật tới các nhà sản xuất và truyền thông nâng cao nhận thức hành vi sử dụng đồ uống có cồn có trách nhiệm, có văn hóa; không lạm dụng đồ uống có cồn đến người dân. Thay vì doanh nghiệp phải nộp 0,5-1% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt vào Quỹ/ hoặc các hoạt động phòng chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe do Chính phủ quy đinh, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì khoản kinh phí hiện đang chi cho các chiến dịch truyền thông về uống có trách nhiệm với hiệu quả cao trong việc phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn, do các hoạt động marketing, quảng bá với người tiêu dùng vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp này.

Một số chương trình như vậy đã được tiến hành liên tục trong nhiều năm và có ảnh hưởng khá rộng rãi trong công chúng. Chẳng hạn như cuộc thi online “Uống có trách nhiệm”, hay chương trình truyền thông “Đã uống rượu bia thì không lái xe” mà nhãn hàng Heineken đã phối hợp với Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia thực hiện, với ngân sách chiếm đến 10% ngân sách quảng cáo hàng năm của doanh nghiệp. Chuỗi sự kiện “Bức tường Tiger 2017” cũng gây ấn tượng mạnh mẽ và lan tỏa rộng rãi thông điệp uống có trách nhiệm, đặc biệt là trong các bạn trẻ.

Ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu và Nước giải khát Việt Nam (VBA), cho rằng việc thu hút nguồn lực dành cho các hoạt động tương tác với khách hàng của doanh nghiệp vào Quỹ do Chính phủ quản lý có thể làm tăng chi phí mà lại ít tác dụng trong việc giảm tác hại lạm dụng đồ uống có cồn. “Nên bỏ đề xuất lập Quỹ nâng cao sức khoẻ. Giải pháp tốt hơn là nên quy định các doanh nghiệp đồ uống có cồn phải tiếp tục duy trì khoản kinh phí hiện đang sử dụng cho các chương trình tuyên truyền uống có trách nhiệm, vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp này”, đại diện VBA kiến nghị.

Thanh Thủy
.
.
.