CHLB Đức mở rộng tiếp nhận lao động không thuộc EU:

Cơ hội cho lao động Việt Nam có kỹ năng

Thứ Sáu, 21/02/2020, 07:51
Từ ngày 1/3, Luật Nhập cư mới của Đức chính thức có hiệu lực. Theo đó, CHLB Đức sẽ mở rộng tiếp nhận lao động từ các quốc gia không thuộc EU, đây sẽ là cơ hội cho lao động Việt Nam sang làm việc tại quốc gia này.


Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, phía Đức sẽ mở rộng tiếp nhận lao động không thuộc EU ở 13 ngành nghề, trong đó có nhiều ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam, nhằm thu hút nhiều hơn lực lượng lao động kỹ thuật tay nghề cao sang làm việc tại Đức.

Lao động Việt Nam được đánh giá cao

Là đơn vị đang triển khai các chương trình đưa lao động Việt Nam sang CHLB Đức làm việc, đại diện Công ty cổ phần Việt TN cho biết, hiện nhu cầu lao động của CHLB Đức rất lớn, chính vì thế thời gian qua đơn vị này chính thức hợp tác với Bang Sachsen để kết nối các doanh nghiệp của CHLB Đức với Việt Nam trong việc giới thiệu việc làm cho ứng viên Việt Nam tại CHLB Đức. 

CHLB Đức đang thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là ngành điều dưỡng, hộ lý.

Bà Đinh Thị Như, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt TN cho biết, năm 2019, Công ty Việt TN tuyển sinh 300 lao động nam và nữ đi học nghề tại CHLB Đức ở các ngành nghề: Khách sạn, nhà hàng, ẩm thực, du lịch, điều dưỡng, điện, cơ điện tử, tự động hóa, xây dựng, vận hành tàu Sky. Hiện công ty đang hợp tác để triển khai chương trình giới thiệu việc làm và học tập cho ứng viên Việt Nam tại CHLB Đức với các ngành nghề: Khách sạn, nhà hàng, du lịch; cơ khí; điện; cơ điện tử... 

“Phía CHLB Đức đánh giá cao lao động Việt Nam, vì thế, nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt lao động, phía CHLB Đức cũng xác định thị trường lao động Việt Nam là sự bổ sung lý tưởng, đặc biệt từ ngày 1-3, phía Đức sẽ mở rộng tiếp nhận lao động ngoài EU, trong đó có chương trình đưa điều dưỡng viên và chăm sóc bệnh nhân tới làm việc tại các trại dưỡng lão và các bệnh viện ở Đức. Chương trình hợp tác sẽ đem lại lợi ích cho cả hai phía. Lao động Việt Nam có cơ hội được học tập và làm việc tại Đức, để tích lũy kiến thức, kỹ năng. Đối với phía Đức, chương trình hợp tác này sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là trong lĩnh vực điều dưỡng để đáp ứng được yêu cầu của những công dân lớn tuổi”, bà Như cho biết.

Theo ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, do lao động Việt Nam được phía bạn đánh giá cao, tháng 9- 2019, phía Bộ Lao động và Xã hội Đức có đặt vấn đề muốn tiếp nhận lao động Việt Nam và cần lao động Việt Nam. 

“Dự kiến trong năm nay, Bộ LĐ-TB&XH sẽ ký với cơ quan lao động của Đức thỏa thuận hợp tác tiếp nhận lao động có kỹ năng của Việt Nam sang làm việc tại Đức với 12 - 13 ngành nghề mà Đức đang có nhu cầu lớn. Đây là cơ hội để tiếp tục đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc tại Đức với những ngành nghề có mức lương cao. Ngoài ngành nghề điều dưỡng, hộ lý, còn có kỹ thuật viên sử dụng máy trong ngành y tế, lái xe tải, bảo mẫu, các lĩnh vực khác trong giáo dục”, ông Nam cho biết.

Không còn lo ngại rào cản

Ông Michael Petzche, Giám đốc Dự án đào tạo nhân lực ở nước ngoài của Bang Shachen (CHLB Đức) cho biết, nước Đức hiện đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực, lực lượng lao động ngày càng già đi, nhiều người nghỉ hưu, không thể tiếp tục làm việc và cần có nguồn lao động trẻ hơn để thay thế. Đức và Việt Nam có dân số tương đương, nhưng ở Việt Nam lực lượng lao động trẻ cần việc làm nhiều hơn. 

“Các doanh nghiệp Đức đều nhận xét lao động Việt Nam rất chăm chỉ, về tâm lý và phong tục, Đức và Việt Nam có sự tương đồng nhất định. Nhu cầu về lao động của Đức hiện nay là rất lớn và có nhiều thuận lợi cho người lao động vừa học vừa làm. Để được tiếp nhận vào học nghề tại các nhà máy, doanh nghiệp ở Đức, ứng viên phải đáp ứng được các điều kiện như: Đúng giờ, trật tự, ngăn nắp, đáng tin cậy, hòa nhập tốt với tập thể, sử dụng tốt tiếng Đức, bởi đây là chìa khóa để các học viên Việt Nam học nghề đạt kết quả tốt”, ông  Michael Petzche chia sẻ.

Theo chia sẻ của đại diện phía Đức, dường như các điều kiện về kỷ luật, tác phong là những rào cản đối với lao động Việt Nam khi tham gia vào thị trường lao động Đức. 

Tuy vậy, theo ông Tống Hải Nam, đây là điều không đáng lo ngại. Theo con số của Cục Quản lý lao động ngoài nước có 1.000 lao động Việt Nam sang Đức làm việc trong ngành hộ lý, điều dưỡng, nhưng không có người nào bỏ trốn. Điều dưỡng Việt Nam có chứng chỉ hành nghề của Đức có thể được trả lương từ 2.800- 3.000 euro/tháng (tương đương 72 - 76 triệu đồng), được làm việc lâu dài tại quốc gia này, và còn được mang cả gia đình theo.

“Đây là chính sách giữ chân người lao động khi Đức tiếp nhận lao động từ các nước ngoài EU, tạo điều kiện cho các lao động có cảm giác như đang ở quê nhà. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan, khi đàm phán, phía Việt Nam và Đức sẽ có những cách thức quản lý lao động tốt hơn”, ông Nam cho hay.  

Theo ông Nam, hiện nay Việt Nam và Đức đã có hợp tác về đào tạo nghề. Năm 2019, Đức đã chuyển giao cho Việt Nam 22 bộ giáo trình dạy nghề, trong đó có các giáo trình liên quan đến các nghề mà tới đây phía bạn sẽ tiếp nhận lao động. Phía Việt Nam đào tạo theo đúng tiêu chuẩn của Đức, chắc chắn lao động Việt Nam sẽ đáp ứng được điều kiện làm việc tại quốc gia này.

Phan Hoạt
.
.
.