Vietcombank phản hồi vụ chủ thẻ ngủ dậy mất 500 triệu

Thứ Sáu, 12/08/2016, 17:25
Đây là phản hồi chính thức của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trước thông tin báo chí phản ánh một chủ thẻ của ngân hàng này bị mất 500 triệu đồng sau 1 đêm ngủ.

Cụ thể, theo thông tin phản ánh của chị Hoàng Thị Na Hương (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), có mở tài khoản tại Vietcombank chi nhánh Trần Quang Khải (Hà Nội), đêm 4-8, rạng sáng ngày 5-8, tài khoản tài khoản của chị bị người khác thực hiện 7 giao dịch, tổng cộng chuyển đi 500 triệu đồng thông qua giao dịch Interenet banking.

Ngay sáng 5-8, khi nhận được tin báo về biến động số dư tài khoản, mà không có tin nhắn OTP như những lần giao dịch trước, và thẻ ATM của chị vẫn đang ở trong túi xách, chị Hương đã gọi điện cho ngân hàng Vietcombank theo số tổng đài 1900545413 để thông báo và khóa tài khoản vào lúc 7h50 sáng. Sau 1 vài lần làm việc, chị Hương đã nhận lại được 300 triệu đồng từ ngân hàng trong tổng số 500 triệu bị mất.

Khách hàng cần tuân thủ các quy định khi sử dụng dịch vụ ngân hàng để tránh rủi ro.

Về thông tin này, Vietcombank đã chính thức có thông tin phản hồi về nguyên nhân mất tiền của chị Hương. Cụ thể, Vietcombank khẳng định đã tiếp nhận thông báo của khách hàng Hoàng Thị Na Hương về việc tài khoản của khách hàng bị mất số tiền 500 triệu đồng.

Sau khi nhận được thông báo của khách hàng, Vietcombank đã có buổi làm việc với khách hàng vào chiều ngày 11-8-2016, cùng tham gia có luật sư (do khách hàng mời).

Trên cơ sở thông tin do khách hàng cung cấp, có cơ sở để xác định khách hàng đã truy cập vào một trang web giả mạo (có địa chỉ http://creatingacreator.com/kob/1/index.htm) vào ngày 28-7-2016 qua máy điện thoại cá nhân. Từ việc truy cập này, thông tin và mật khẩu của khách hàng đã bị đánh cắp, sau đó tài khoản khách hàng đã bị lợi dụng. 

“Các đối tượng lừa đảo đã chuyển tiền từ tài khoản khách hàng tới nhiều tài khoản trung gian tại 3 ngân hàng khác nhau tại Việt Nam. Sau đó, đối tượng lừa đảo đã rút 200 triệu đồng qua ATM ở Malaysia. Vietcombank đã xử lý các biện pháp khẩn cấp, kịp thời khoanh giữ lại được 300 triệu đồng. Đây là các giao dịch chuyển khoản sang ngân hàng khác, chưa kịp chuyển ra khỏi hệ thống Vietcombank”- Vietcombank cho biết.

Tại buổi làm việc, đại diện Vietcombank đã hướng dẫn cho khách hàng tự  kiểm tra lại máy điện thoại cá nhân và phát hiện ra địa chỉ trang web giả mạo vẫn lưu trên máy của khách hàng. Việc mất tiền trong tài khoản xảy ra bởi khách hàng bị đánh cắp thông tin tài khoản do trước đó đã truy cập và khai báo thông tin trên đường link giả mạo website của ngân hàng như trên. Ngân hàng này cũng cho biết đang phối hợp với khách hàng để làm việc với cơ quan chức năng nhằm làm rõ các đối tượng chủ mưu đã thực hiện các hành vi lừa đảo này. Khách hàng đã đồng ý sẽ cung cấp máy điện thoại có lưu đường link giả mạo để tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng.

“Không có chuyện hệ thống bảo mật của ngân hàng bị hack. Hack là tấn công vào một tổ chức, còn trường hợp trên, họ lấy cắp tài khoản của từng người dùng một. Hệ thống bảo mật của chúng tôi không có vấn đề gì cả. Ngoài ra, không thể nói ngân hàng “đền bù” cho khách hàng số tiền 300 triệu đồng, mà “đây là tổn thất ngân hàng thu giữ được cho khách sau sự cố trên”, đại diện Vietcombank khẳng định.

Gần đây, Vietcombank đã ghi nhận một số trường hợp giao dịch giả mạo Ngân hàng điện tử bằng nhiều chiêu thức lừa đảo khác nhau. Nhằm mục đích bảo vệ thông tin khách hàng và tài sản cá nhân, phòng tránh và hạn chế tối đa rủi ro do kẻ gian thực hiện các hành vi gian lận, Vietcombank thông tin những chiêu thức lừa đảo phổ biến hiện nay và những lưu ý khi sử dụng dịch vụ:

  • Giả mạo cán bộ ngân hàng Vietcombank gọi điện/nhắn tin cho khách hàng thông báo khách hàng có khoản tiền chuyển nhầm đến tài khoản/khoản tiền chuyển cho chính khách hàng, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tên đăng nhập, mật khẩu dịch vụ VCB-iB@nking và mã OTP để nhận tiền hoặc nhận khuyến mại/quà tặng/trúng thưởng...
  • Giả mạo thông báo tài khoản VCB-iB@nking của khách hàng bị xâm nhập trái phép hoặc sắp hết hiệu lực và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân để xác nhận lại thông qua đường link độc hại đính kèm
  • Giả mạo người thân gửi tin nhắn qua mạng xã hội thông báo có tiền chuyển từ nước ngoài về hoặc cần sự hỗ trợ về tài chính và yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật cá nhân để nhận tiền.
  • Giả mạo màn hình ứng dụng, màn hình đăng nhập dịch vụ VCB-iB@nking bằng cách gửi email từ một địa chỉ email mạo danh Vietcombank tới khách hàng trong đó chứa đường link giả mạo nhằm lừa khách hàng tiết lộ các thông tin bảo mật sử dụng dịch vụ
  • Rủi ro trên hoàn toàn có thể phòng tránh nếu khách hàngthực hiện một số lưu ý như sau:
  • Tuyệt đối KHÔNG cung cấp bất kỳ thông tin bảo mật dịch vụ như: Tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã xác thực giao dịch OTP, mã  kích hoạt Smart OTP, địa chỉ email và thông tin cá nhân cho bất kỳ ai và bất kỳ hình thức nào.
  1. Chủ động BẢO VỆ thiết bị cá nhân sử dụng dịch vụ và THAY ĐỔI thường xuyên mật khẩu truy cập dịch vụ Ngân hàng điện tử và email cá nhân.
  2. CHỈ THỰC HIỆN đăng nhập dịch vụ  Ngân hàng điện tử trên website chính thức của Vietcombank: www.vietcombank.com.vn, ứng dụng VCB-MobileB@nking/BankPlus của Vietcombank và mua sắm, thanh toán trực tuyến tại các trang mạng uy tín, tin cậy.
  3. TUÂN THỦ các qui định về Hướng dẫn giao dịch an toàn để đảm bảo sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử/thẻ đúng cách, an toàn, bảo mật. 
Lệ Thúy
.
.
.