Chống chuyển giá trốn thuế - lành mạnh môi trường đầu tư kinh doanh

Thứ Năm, 23/04/2015, 08:38
Vấn đề chuyển giá ở Việt Nam không mới, nhưng nó chưa bao giờ hết tính thời sự, bởi cứ sau mỗi số liệu báo cáo, ngân sách bị thất thu năm sau cao hơn năm trước, số thuế kiến nghị truy thu liên tục bị phá vỡ kỷ lục, và nhiều tên tuổi đình đám hơn góp mặt.

Bài 1: Lộ mặt “đại gia” chuyển giá

507 tỷ đồng vừa được thanh tra Thuế kiến nghị truy thu từ Công ty TNHH Metro Cash & Carry Vietnam (Metro) một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng nghiêm trọng của vấn nạn chuyển giá: ngân sách ngày càng khó khăn vì hụt thu, các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính bị đối mặt với môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Báo CAND sẽ có loạt bài phân tích thực trạng và các giải pháp trong cuộc chiến chống chuyển giá này.

“Béo phì” mặc thua lỗ

Chuyện DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển giá nhằm trốn thuế không còn mới ở Việt Nam. Từ hàng chục năm nay, thuật ngữ chuyển giá đã xuất hiện và làm đau đầu các cơ quan thuế. Đặc biệt, trong trong thời điểm kinh tế khó khăn, nguy cơ hụt thu ngân sách luôn hiện hữu, thì cuộc chiến chống chuyển giá lại đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

“Nghi án” chuyển giá rất dễ nhìn thấy, nhưng để “khui” ra thì lại không hề đơn giản. Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất đó là dù liên tục báo lỗ trong nhiều năm, nhưng một số DN, trong đó chủ yếu là DN FDI vẫn không ngừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Câu chuyện Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam tiến hành đầu tư xây dựng từ năm 2001 và bắt đầu đi vào hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ 3/2002, nhưng ròng rã thua lỗ, thực ra không hề xa lạ với bất kỳ khách hàng nào đã từng đến mua sắm tại các trung tâm của công ty này. Dù sở hữu những điểm kinh doanh đắc địa với diện tích hoành tráng, nhưng nhìn vào số lượng khách đến giao dịch thưa thớt, không ít người thấy “nóng ruột” thay cho Metro. Thế nhưng, dường như không màng đến việc kinh doanh, “chuyên môn” chính của công ty này là liên tục mở rộng mạng lưới.

Từ năm 2002 đến  2013, Metro mở liền tới 19 trung tâm mua bán, đặc biệt, chỉ trong một thời gian ngắn, từ năm 2010 đến 2012, công ty mở thêm 10 trung tâm. “Trong điều kiện hoạt động bình thường, một trung tâm mới cần từ 3 - 5 năm kể từ ngày khai trương để đạt được điểm hòa vốn, vì thế các chi phí khấu hao, tiện ích, tiền thuê đất rất lớn là nguyên nhân chính gây ra các khoản lỗ cho trung tâm mới thành lập”, cơ quan thuế nhận định.

Một địa điểm của Metro. Ảnh Thiện Hoàng.

Mặt khác, để đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và an ninh, Metro đã mang vào Việt Nam các tiêu chuẩn, chuẩn mực của Đức như trang thiết bị, hướng dẫn kiểm soát sản phẩm, quy trình hướng dẫn hoạt động, huấn luyện nhân viên, chuỗi cung ứng… nhằm hỗ trợ khách hàng, đào tạo nhân viên những tiêu chuẩn hoạt động tốt nhất.

Để đảm bảo cả 19 trung tâm luôn luôn hoạt động theo các tiêu chuẩn cao nhất của Đức, Metro đã phải bỏ ra rất nhiều nguồn lực về nhân sự và vốn. Điều này đã dẫn đến chi phí hoạt động tăng cao trong quá trình hoạt động kinh doanh như chi phí hao hụt tổn thất, chi phí đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chi phí đảm bảo an ninh.

Ngoài ra, chi phí trả cho các công ty liên kết ở Đức từ năm 2001-2013 là khá lớn như chi phí nhượng quyền thương mại (731 tỷ đồng); chi phí lương, thưởng và phụ cấp cho ban giám đốc và chuyên gia nước ngoài trả cho các cá nhân thông qua Metro Cash & Cary GmbH (MCC) tại Đức (chi phí bồi hoàn) là 699 tỷ đồng...

Với thực trạng này, ngay từ năm đầu tiên đi vào hoạt động đến năm 2013, công ty này liên tục kê khai lỗ trong 12 năm tại tờ khai Quyết toán thuế TNDN, với số tiền là: 1.657 tỷ đồng; lãi 1 năm (năm 2010) với số tiền: 173 tỷ đồng. “Nghi án” Metro chuyển giá được đặt ra.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, Metro nằm trong danh sách các DN sẽ được thanh tra theo kế hoạch năm 2014. Tuy nhiên, việc tiến hành thanh tra được thực hiện ráo riết hơn khi có thông tin Metro sẽ được bán cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan với mức giá 879 triệu USD. Khi tiến hành thanh tra, cơ quan thuế phát hiện ra rất nhiều sai phạm, và đề nghị truy thu thuế với số tiền lên tới 507 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.

Theo kết quả thanh tra của cơ quan thuế, các giao dịch nói trên, Metro đã kê khai giao dịch liên kết. Mặt khác, đối với các khoản chi phí lớn nêu trên đã được đoàn thanh tra rà soát và loại khỏi chi phí hợp lý hợp lệ khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp, hoặc thu thuế đối với những khoản không có chứng từ hợp lý hợp lệ theo quy định.

Cụ thể, loại khỏi chi phí hợp lý hợp lệ khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi phí nhượng quyền thương mại trả cho Công ty Metro AG (Đức) năm 2012-2013, số tiền là 7,5 tỷ đồng, do đơn vị hạch toán vào chi phí nhiều hơn doanh thu công ty Metro AG (Đức) theo xác nhận của kiểm toán KPMG tại Đức. Đồng thời, đề nghị đơn vị kê khai điều chỉnh giảm chi phí nhượng quyền thương mại trong khoảng thời gian ngoài niên độ thanh tra, số tiền là 245 tỷ đồng, do đơn vị chưa đăng ký với Bộ Công Thương hoạt động nhượng quyền thương mại.

Truy thu thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài năm 2012-2013 đối với khoản chi phí lương, thưởng và phụ cấp cho ban giám đốc và chuyên gia nước ngoài trả cho các cá nhân thông qua Metro Cash & Cary GmbH, số tiền là 16 tỷ đồng. Cùng với đó là yêu cầu đơn vị kê khai bổ sung số tiền thuế 39 tỷ đồng đối với khoản chi phí này trong khoảng thời gian ngoài niên độ thanh tra...

Metro bị truy thu 507 tỷ đồng vì chuyển giá trốn thuế.

Tinh vi chiêu trò chuyển giá

Metro không phải là công ty đầu tiên bị “vạch mặt” chuyển giá trốn thuế. Trước đó, hàng trăm DN được đưa vào tầm ngắm của cơ quan thuế với những cái tên đình đám như Coca-Cola, PepsiCo, Adidas, Big C, Keangnam Vina… và cũng không ít DN đã bị truy thu thuế như Công ty TNHH Một thành viên Keangnam – Vina.

Sau 5 năm vào Việt Nam và liên tục báo lỗ, đại gia bất động sản Hàn Quốc, chủ đầu tư tòa nhà cao nhất Việt Nam - Keangnam Vina đã buộc phải thừa nhận vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng. Toàn bộ số lỗ mà công ty này khai báo phát sinh từ năm 2007-2011 đã được điều chỉnh giảm hết, số thuế thu nhập DN bị truy thu lên tới 95,2 tỷ đồng. Một trong những “thủ thuật” chuyển giá đó là DN này đã vay vốn tại ngân hàng trong cùng tập đoàn, với lãi suất khoảng 12%/năm cho khoản vay lên tới 2 nghìn tỷ đồng, trong khi lãi suất cho vay đôla Mỹ ở Việt Nam trong cùng thời điểm chỉ là 5-7%/năm.

Hay một kỷ lục chuyển giá tai tiếng không kém, đó là Công ty Hualon Corporation, vốn 100% vốn từ Malaysia, Đài Loan-British Virgin Island, hiện đang hoạt động tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (Nhơn Trạch, Đồng Nai) chuyên sản xuất sợi và dệt vải. Vào Việt Nam từ năm 1993, liên tục gần 20 năm, Hualon đều báo lỗ.

Tính đến cuối năm 2010, công ty này đã lỗ lũy kế tới hơn 1.000 tỷ đồng. Nguyên nhân gây lỗ được công ty này kê khai tới cơ quan thuế chủ yếu ở việc phải đầu tư dây chuyền thiết bị chuyên dụng giá đắt, mua nguyên vật liệu đầu vào cao, trong khi giá bán không đủ bù đắp chi phí.

Phi vụ gần đây là khi Hualon kê khai đã nhập khẩu 1 bộ dây chuyền dệt vải từ bên liên kết nước ngoài, với giá gần 16 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó, bộ dây chuyền dệt vải này lại được bán cho một công ty khác nhưng với giá thấp hơn tới 40 lần, khoảng 400.000 USD, với lý do không có nhu cầu sử dụng nên công ty thanh lý tài sản.

Điều đáng nói là dù “không có nhu cầu sử dụng”, nhưng Hualon vẫn kê khai bỏ tiền mua giá đắt, đưa vào tài sản cố định trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tính khấu hao như bình thường. Nhờ phi vụ nâng khống đầu vào như vậy, Hualon đã qua mặt ngành thuế để báo số lỗ lũy kế "ảo" lên tới 956,2 tỷ đồng…

Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt chống chuyển giá, trốn thuế

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 giữa bối cảnh phải ứng phó với việc giảm thu ngân sách do giá dầu giảm, đảm bảo sự chủ động trong điều hành nhiệm vụ thu, chi trong tình hình mới và giữ vững cân đối NSNN năm 2015 theo dự toán đã được Quốc hội phê duyệt. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chuyển giá, trốn thuế, tập trung rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN.

Lệ Thúy
.
.
.