Chi phí logictics tăng, doanh nghiệp lao đao

Thứ Tư, 23/06/2021, 08:31
Dịch COVID -19 bùng phát khiến cho các doanh nghiệp (DN) rất khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu (XK). Trong khi đó, các chi phí về logictics đã liên tục tăng mạnh khiến DN ngày càng khó khăn hơn và đứng trước nguy cơ vỡ hợp đồng. Tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến logictics, hiện đang rất được các DN trông đợi…


Chuyên sản xuất kinh doanh sản phẩm hạt điều, bà Nguyễn Hương – Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hạt điều Vàng cho biết, hiện tại DN đã XK sang Úc, Na Uy, Nhật, Ba Lan và đang thâm nhập thị trường Mỹ. Tuy nhiên, dịch COVID-19 kéo dài từ năm 2020 đến nay nên DN rất khó khăn trong việc XK hàng hóa. Khi DN XK sang thị trường Na Uy, bình thường mất khoảng 40-45 ngày, nhưng khi xảy ra dịch phải mất mấy tháng mới tới; giá cước vận chuyển tăng cũng đang là vấn đề hết sức khó khăn của DN. 

Chẳng hạn, lúc trước DN có một khách hàng tại Mỹ muốn nhập 1 container hàng, lúc đàm phán thì giá cước phí tàu thấp, nhưng khi kết thúc đàm phán thì giá cước biến động, tăng cao. DN cập nhật và báo giá lại với đối tác, nhưng họ nhất định không chịu với giá cước mới. Trong khi đó, DN chỉ có 20% tiêu thụ nội địa, còn lại 80% là XK nên việc biến động tăng giá cước tàu biển, các chi phí vận tải, khiến DN hết sức khó khăn.

Bốc xếp container hàng hóa của DN ở cảng Cát Lái.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay có rất nhiều DN phản ánh chi phí logistics tăng mạnh kể từ năm 2020 tới nay về cước vận tải và tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng container. Ở một số cảng, giá đã tăng gấp đôi so với giá mấy tháng trước và tăng gần gấp 6 lần so với giá đầu năm 2020. 

Mặc dù giá tăng cao, nhưng DN vẫn khó tiếp cận được nguồn container rỗng. Các DN muốn thuê container thì phải đặt trước 1 tháng, nhưng nhiều trường hợp vẫn không thuê được. 

Chính vì vậy, các DN gần như phải tranh nhau chỗ để đặt thuê container. Kể cả khi DN đã đăng ký được container đóng hàng đưa ra cảng để lên tàu XK rồi, nhưng vì thiếu hụt lượng container nên các hãng tàu liên tục hoãn chuyến. Việc này gây chậm trễ đơn hàng XK của các DN, nhất là các đơn hàng phải giao để kịp quota, nhưng do chậm trễ buộc phải hủy giao hàng, khi đó chi phí lưu container ở cảng cũng tăng mạnh. 

Việc thiếu hụt container đã gây ách tắc cho các lô hàng XK lẫn các lô nguyên liệu NK, khiến nhiều DN phải trả thêm chi phí lưu kho, lưu bãi do các lô hàng bị ách tắc tại các cảng biển. 

Trước tình hình đó, VCCI đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đề xuất các chính sách, giải pháp phục vụ xây dựng đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tình hình hiện tại. VCCI cũng kiến nghị thành lập Tổ công tác của liên Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương để rà soát, tháo gỡ các khó khăn về chi phí logistics cũng như tình trạng thiếu hụt container.

Xác định tầm quan trọng của ngành logistics, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt đề án định hướng phát triển hạ tầng dịch vụ TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025, hướng đến năm 2040. Theo đó, sẽ triển khai nghiên cứu vị trí thành lập 3 trung tâm lớn, gồm: Trung tâm logistics Cát Lái, trung tâm logistics Linh Trung và logistics Củ Chi trong giai đoạn 2021-2025 để từng bước hình thành hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn TP.

T.Hà
.
.
.