Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Chất lượng quan trọng hơn số lượng
- Bộ Công thương cắt giảm, đơn giản hóa 202 điều kiện kinh doanh
- Cần cơ chế giám sát để việc cắt giảm điều kiện kinh doanh đi vào thực chất
- Một số Bộ cắt giảm điều kiện kinh doanh này, lại phát sinh nhiều điều kiện kinh doanh khác
- Bộ Công Thương tiếp tục bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiêu cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trong hơn 5.000 ĐKKD được phân theo các Bộ ngành và nằm ở gần 400 các văn bản khác nhau. Qua thời gian thực hiện cắt giảm, đến nay có 542 ĐKKD được sửa đổi, bãi bỏ 771, thay thế 111. Tuy nhiên, có 29 ĐKKD phát sinh mới. Tính tổng số các ĐKKD hiện hành, việc cắt bỏ là không đạt 50% như yêu cầu của Chính phủ.
Cũng theo ông Hiếu có những sự cắt giảm ĐKKD chẳng mang lại tác động gì trong khi có những quy định được bổ sung ĐKKD lại gây khó khăn cho DN. “Đơn cử, với ĐKKD đối với cá nhân được hành nghề xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, việc bãi bỏ điều kiện “Có năng lực, hành vi dân sự” gần như không có tác động”, ông Hiếu dẫn chứng.
Việc đặt ra điều kiện kinh doanh mới phải có thẩm định tác động về kinh tế. |
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho rằng, hiện chúng ta vẫn nặng về đơn giản hóa, chưa có tinh thần mạnh mẽ để cắt giảm. Mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD cần phải được tách ra, tránh tình trạng như hiện nay nhiều lúc chỉ thay đổi cách diễn đạt, bỏ từ không ý nghĩa cũng được thống kê đơn giản hóa.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng đề cập tới những điều kiện vô lý khi như yêu cầu cấp chứng chỉ này, chứng chỉ kia của các tổ chức, hiệp hội điều này khiến DN phải cử nhân viên đi học lấy chứng chỉ cho có lệ.
Từ thực trạng cắt giảm ĐKKD, ông Tuấn đề xuất cần phải có quy trình ban hành ĐKKD, kiểm soát văn bản mới. Theo đó, bên cạnh đơn vị ban hành ĐKKD, cần có đơn vị chủ trì việc rà soát ĐKKD và đơn vị này nên là đơn vị độc lập trong các bộ, ngành, ví dụ như Cục Pháp chế của các bộ. Việc đặt ra ĐKKD mới phải có thẩm định tác động về kinh tế.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, nỗ lực cải cách ĐKKD luôn cần phải liên tục, nhất quán. Đã có 30% ĐKKD được cắt giảm được đánh giá là thực chất, điều này chắc chắn có tác động tới DN, nhưng tác động này còn phụ thuộc vào sự thay đổi cách thức thực hiện ở các địa phương.
Vì thế tới đây, ngoài việc bãi bỏ ĐKKD phi lý, hạn chế ĐKKD mới thì phải giám sát xem việc thực hiện các ĐKKD sau khi được cắt giảm bãi bỏ là như thế nào. Và vai trò của lãnh đạo địa phương là rất quan trọng, sự vào cuộc của lãnh đạo địa phương ảnh hưởng lớn đến thực thi của công chức.