Cần thu hẹp khoảng cách phát triển du lịch với các nước ASEAN

Thứ Năm, 09/07/2015, 09:30
Đây là đề xuất của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo “Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới” do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và VCCI tổ chức ngày 7/7, tại Hà Nội.
Theo ông Lộc, năm 2014, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 16 trong số 184 quốc gia có tiềm năng lâu dài trong phát triển du lịch. Nếu vậy thì du lịch chắc chắn sẽ là một trong lĩnh vực kinh tế có tiềm năng, có lợi thế so sánh, có giá trị gia tăng bậc nhất của Việt Nam trong tương quan so sánh toàn cầu.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam VBF vừa được tổ chức hồi tháng 6 vừa qua, ông Ken Atkinson, Trưởng nhóm công tác về Du lịch của VBF đã kể lại một câu chuyện: Hai vợ chồng một vị khách châu Âu, bởi lòng yêu mến Việt Nam, đã quyết định chọn Việt Nam là nơi đến trong kỳ nghỉ mùa hè của họ. Nhưng khi tìm hiểu thủ tục và chi phí visa, họ thấy chỉ riêng chi phí cho visa vào Việt Nam đã bằng cả chi phí cho hai đêm nghỉ thêm ở Thái Lan (ở Thái Lan, họ không phải trả phí visa).

Vì thế, hai vợ chồng đã quyết định chọn Thái Lan, thay vì Việt Nam, cho kỳ nghỉ của họ. Vị đại diện cho nhóm công tác du lịch VBF còn đưa ra một nhận xét: Giá mà việc cấp thị thực tại cửa khẩu của Việt Nam cũng làm được như ở Campuchia thì đã tốt lắm rồi! Và chúng ta biết, không chỉ ở khâu visa, mà ở nhiều tour, tuyến, điểm du lịch, khách du lịch cũng đánh giá Việt Nam thua Campuchia ở tính chuyên nghiệp.

Sau 30 năm đổi mới, ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn, khách quốc tế đến du lịch ở Việt Nam tăng hơn 30 lần, khách du lịch nội địa tăng gấp 35 lần so với năm 1990. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, khoảng cách về lượng khách quốc tế đến Việt Nam so với các nước dẫn đầu khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan vẫn ở mức khiêm tốn. Năm 2013, lượng khách quốc tế đến Việt Nam là 7.572 ngàn lượt, trong khi khách quốc tế đến Malaysia là 10.810 ngàn lượt; Singapore là 12.470 ngàn lượt; Thái Lan là 16.420 ngàn lượt.

Quan sát cách làm du lịch của các nước xung quanh, chúng ta giật mình bởi không chỉ Thái Lan, Malaysia, Singapore… mà ngay cả Campuchia, Lào, Myanmar,… cũng đang làm nhiều việc thúc đẩy du lịch tốt hơn Việt Nam. Do vậy, “cần xác định thật rõ lộ trình để thu hẹp khoảng cách phát triển du lịch với các nước ASEAN, trước hết là ở các yếu tố: môi trường, thủ tục hành chính cho phát triển du lịch. Trước mắt, phải hướng tới mục tiêu Việt Nam phải nằm trong nhóm 3, 4 nước có sức cạnh tranh du lịch hàng đầu ASEAN”, ông Lộc đề xuất.

Trong khi đó, ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thẳng thắn thừa nhận những thách thức đang đặt ra với ngành Du lịch trong thời kỳ mới như kinh phí xúc tiến quảng bá của du lịch Việt Nam rất hạn chế, cơ chế hoạt động kém linh hoạt, thị thực nhập cảnh vào Việt Nam khó khăn hơn khiến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam bị hạn chế, nhất là với khách đi du lịch ngắn ngày.

Đề xuất những giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, ông Trần Du Lịch, Ủy viên Ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, các DN cần phải tham gia tích cực vào các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh du lịch, cải thiện hình ảnh của du lịch Việt Nam. Bên cạnh sự cố gắng của cơ quan quản lý Nhà nước, của DN, cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng, đặc biệt là những người dân tham gia hoạt động du lịch tại các địa phương.

“Đầu tư du lịch là đầu tư lâu dài, không phải lĩnh vực mang lại lợi ích trước mắt. Kinh nghiệm những nước thành công trong phát triển du lịch cho thấy, sẽ không có thành công nếu kinh doanh du lịch theo kiểu chộp giật, chặt chém và lừa dối”, ông Lịch đề xuất.

Lưu Hiệp
.
.
.