Các doanh nghiệp vận tải tìm cách tháo gỡ khó khăn

Thứ Năm, 23/04/2020, 08:22
Sau gần 4 tháng diễn ra dich COVID-19, không ít doanh nghiệp vận tải đã không trụ được. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong tình trạng “dở khóc, dở cười”.

Đến nay, trước tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng được kiểm soát tốt, một số doanh nghiệp (DN) đã xin quay trở lại hoạt động, đồng thời xin được miễn nộp một số loại quỹ để giảm bớt khó khăn.

Kiến nghị cho xe buýt, taxi sớm hoạt động trở lại

Hiệp hội Vận tải Hà Nội (HTA) vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan, kiến nghị giải tỏa từng bước việc cấm lưu thông các phương tiện vận tải sau khi dịch COVID-19 được khống chế.

Cụ thể, HTA kiến nghị cho phép các loại xe chạy hợp đồng, xe đưa đón công nhân, chuyên gia; đưa đón học sinh, xe buýt phục vụ khu đô thị… sớm hoạt động trở lại. Khi hoạt động, yêu cầu DN vận tải phải đảm bảo theo Chỉ thị 15 về giãn cách chỗ ngồi, khử khuẩn, đo thân nhiệt cho hành khách.

"Đồng thời, cho phép xe buýt nội đô hoạt động với tần suất hợp lý để phục vụ học sinh, sinh viên, người lao động. Khi hoạt động, DN cũng phải đảm bảo theo Chỉ thị 15 về giãn cách chỗ ngồi, khử khuẩn, đo thân nhiệt và tránh khu vực đang cách ly ổ dịch", HTA đề xuất.

HTA cũng đề xuất cho phép các loại taxi có phù hiệu “Taxi Hà Nội” và hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động bình thường trong khu vực Hà Nội (không di chuyển sang địa phương khác và đảm bảo theo Chỉ thị 15 về giãn cách chỗ ngồi, khử khuẩn, đo thân nhiệt).

Cho phép xe taxi tải và xe vận tải hàng hóa hoạt động bình thường (tránh địa bàn có ổ dịch đang cách ly). Đối với xe khách tuyến cố định liên tỉnh, HTA đề nghị Sở GTVT Hà Nội giao nhiệm vụ cho các bến xe nghiên cứu đề xuất số lượng phương tiện, tần suất và đăng ký theo khung giờ nhất định.

Đảm bảo việc vận chuyển hành khách đi lại giữa các địa phương sau khi khống chế dịch bệnh nhưng vẫn thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn phòng dịch.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, "TP Hà Nội sẽ nghiên cứu kỹ công tác phòng dịch, sau đó mới cân nhắc cho các phương tiện vận tải trở lại hoạt động".

Một số loại hình vận tải được đề nghị hoạt động trở lại.

Xin miễn nộp phí bảo trì đường bộ

Vận tải hành khách, hàng hóa giảm đến 90%, khó càng thêm khó, các DN phải “cầu cứu” cơ quan chức năng giảm lãi suất ngân hàng, giãn nợ vay.

Miễn phí bảo trì đường bộ cũng là một trong những đề xuất được các DN gửi đến các cơ quan chức năng. Theo đại diện Công ty cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho biết: “Để được miễn phí bảo trì đường bộ, trước tiên, DN phải nộp lại phù hiệu cho Sở GTVT, sau đó cơ quan này mới xác nhận xe đã dừng hoạt động. Tiếp đó, phải mang giấy xác nhận và sổ đăng kiểm nộp cho cơ quan đăng kiểm mới được trừ vào tiền phí bảo trì đường bộ của kỳ tiếp theo.

Một vài DN thì dễ, nhưng hàng trăm DN với hàng chục nghìn xe cùng xin miễn sẽ mất nhiều thời gian để Sở GTVT xác nhận xong”.

Chưa tính xe tuyến cố định và xe hợp đồng, chỉ riêng taxi Hải Phòng đã có khoảng 4.000 xe. DN có hàng trăm xe phải đi xin xác nhận cho từng xe với nhiều thủ tục hành chính phiền hà khiến DN ngại.

Chưa kể, khi DN muốn hoạt động trở lại, quy trình xin cấp lại phù hiệu như xin cấp mới, phải lấy sổ đăng kiểm nộp lại cho Sở GTVT mới được cấp lại phù hiệu.

“Không nên nặng nề quá về thủ tục hành chính trong điều kiện dịch bệnh, hỗ trợ nửa tháng hay một tháng cũng là động viên DN. Cũng tương tự như ngân hàng tự động giảm lãi cho DN, thay vì phải làm nhiều thủ tục, chỉ cần Sở GTVT xác nhận bằng email về số lượng xe dừng hoạt động và cơ quan đăng kiểm cập nhật vào hệ thống, tự khấu trừ phí bảo trì đường bộ tương ứng với thời gian xe dừng hoạt động vào kỳ đóng tiếp theo”, đại diện Công ty cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng  đề xuất.

Cùng tâm trạng, ông Nguyễn Trần Chung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xe khách Bắc Giang cho biết, từ ngày 1 đến 15/4, công ty đã dừng hẳn hoạt động kinh doanh để phòng dịch theo chỉ đạo của Chính phủ.

“Công ty đã có văn bản đề nghị được hỗ trợ như: Giảm thuế VAT xuống 5%; giảm phí BOT từ 10 - 20% đối với các phương tiện chở khách từ 16 chỗ trở lên. Tuy nhiên, đại diện Sở GTVT tỉnh Bắc Giang đã trả lại đơn vị với lý do chờ hướng dẫn của Bộ GTVT”, ông Chung nói.

Trước ý kiến của các DN, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, trước mắt, Chính phủ đang tập trung hỗ trợ đời sống cho đối tượng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chỉ đạo hỗ trợ giảm lãi suất, giãn thời gian vay cho doanh nghiệp.

Bộ GTVT đã tiếp thu ý kiến đề xuất của doanh nghiệp và trình Chính phủ phương án tháo gỡ khó khăn theo hướng giãn cách thời gian nộp phí bảo trì đường bộ. Hiện, nguồn vốn thu cho Quỹ Bảo trì đường bộ đã được nhập vào ngân sách Nhà nước và được điều hành theo Luật Ngân sách. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Chính phủ sẽ xem xét quyết định.

Đặng Nhật
.
.
.