CPTPP: Thách thức cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp Việt

Thứ Hai, 12/03/2018, 14:15
CPTPP được ký kết và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2019, việc tham gia CPTPP là khẳng định chủ trương của Việt Nam về cải cách để hội nhập. Ngoài lợi ích trực tiếp về xuất khẩu hàng hóa, CPTPP còn mang lại lợi ích gián tiếp là cải cách thể chế. 

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), lợi ích trực tiếp tăng trưởng có thể giúp tăng 1% GDP nhưng gián tiếp có thể giúp tăng 3,6 điểm phần trăm trong GDP. Theo đó, CPTPP giúp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện năng suất lao động. Với CPTPP, sẽ hình thành chuỗi cung ứng mới của khu vực mà Việt Nam là một mắt xích. Qua đó kinh tế Việt Nam càng mở cửa ra thị trường.


Mở ra nhiều cơ hội mới

Với các quốc gia thành viên tham gia CPTPP, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nền kinh tế có tốc độ kém hơn cả. Đây vừa là cơ hội, song cũng vừa là áp lực, thách thức đối với Việt Nam.

Theo đó, CPTPP sẽ tác động lớn đến khu vực doanh nghiệp (DN), bản thân các DN của Việt Nam, nếu muốn tận dụng được cơ hội từ CPTPP, cũng cần có những nghiên cứu, tìm hiểu nghiêm túc, bài bản,… Ông Osamu Sudo, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Kinh doanh Công ty cổ phần Đô thị AMATA Biên Hòa cho rằng, Việt Nam lại là nước đang phát triển, khi tham gia CPTPP, Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, sự hưởng lợi này phải đặt trong tầm nhìn dài hạn chứ không phải trong thời gian ngắn.

Để hưởng lợi được từ CPTPP, Việt Nam cần có những giải pháp, chính sách cụ thể liên quan đến thương mại, đầu tư, cải cách thể chế, nhằm thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư và tạo thuận lợi cho khu vực DN trong và ngoài nước tham gia thị trường…

Ngành chăn nuôi có thể bị ảnh hưởng nhiều từ Hiệp định CPTPP do sức cạnh tranh của ngành này yếu. ảnh minh hoạ

Khác với các FTA khác, CPTPP không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, … mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường.

Hiệp định này cũng đặt ra yêu cầu tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ,… do đó sẽ tác động đến rất nhiều lĩnh vực của Việt Nam và các quốc gia thành viên.

Việc tham gia CPTPP cũng là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, trong đó có hàng dệt may sang thị trường các nước thành viên. Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, CPTPP sẽ tạo xung lực mới cho xuất khẩu dệt may.

Theo đó, ngành dệt may có cơ hội ở hai thị trường là Australia và Canada. Đây là 2 thị trường rất phát triển, quy mô sử dụng hàng dệt may khá lớn với khoảng 10 tỷ USD mỗi năm, trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam sang các thị trường này còn nhỏ, khoảng 500 triệu USD. Vì vậy, CPTPP tạo ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào 2 thị trường này và góp vào mục tiêu tăng trưởng trên 10% của ngành. Cạnh tranh trong xuất khẩu dệt may luôn hết sức khốc liệt, ngành xác định nếu không có CPTPP thì việc duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD trong những năm tới là hết sức khó khăn.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai cho biết, dù không có Mỹ tham gia nhưng CPTPP có tác động rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Với tư cách là một nước thành viên, Việt Nam sẽ tận dụng được nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ gia tăng giá trị xuất khẩu tại các thị trường này. Đây thực sự là một cú hích lớn tới cộng đồng DN Việt, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hơn với các DN sản xuất, xuất khẩu và cả DN nhỏ và vừa. Đặc biệt, dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam với nhiều lĩnh vực như công nghiệp chế tạo, du lịch, bất động sản, logistic…

Theo đó, DN Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội thì DN trước hết cần phải chủ động và tìm hiểu thị trường và đối tác. Bởi, cơ hội lớn nhưng cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, nếu DN không tự đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, tài chính, nguồn nhân lực thì sẽ bị đào thải.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), tham gia CPTPP, lĩnh vực DN Việt Nam gặp phải thách thức lớn nhất là ngành chăn nuôi, đặc biệt là thịt gà, thịt lợn sẽ có sự cạnh tranh với các nước cao hơn so với trước đây. Ngoài ra còn có nhiều ngành khác cũng chịu sự cạnh tranh khi theo lộ trình đưa thuế về 0%. Việt Nam tham gia FTA ASEAN với Australia và New Zealand, nhiều ý kiến cho rằng ta không thể cạnh tranh được trong ngành sữa với 2 nước này, vì chi phí của họ thuộc loại rẻ nhất thế giới.

Khi đưa thuế về 0% thì ngành đó không phát triển được. Nhưng thực tế thì ngành sữa của ta vươn lên phát triển mạnh hơn. Tất nhiên có những ngành khó cạnh tranh. Nếu như vậy thì phải từng bước điều chỉnh cơ cấu kinh tế trong những ngành có lợi thế cạnh tranh tốt nhất. CPTPP đưa ra lộ trình cắt giảm thuế tương đối dài để DN chuẩn bị.

Một nhóm DN ở thế yếu hơn so với các DN khác là DN nhỏ và vừa. Vì phần lớn DN nhỏ và vừa thường phải chịu yếu thế nhiều nhất trong quá trình cạnh tranh. Theo chỉ đạo ban đầu của Chính phủ thì đây là nhóm cần đặc biệt lưu ý, làm sao để họ tận dụng được cơ hội.

Trong khi đó, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế WB cho rằng, hiệp định mới sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường. Quan trọng nhất là nó sẽ thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

“Thực hiện các cam kết trong CPTPP sẽ thúc đẩy hơn nữa minh bạch hóa và xây dựng thể chế hiện đại tại Việt Nam”, ông Sebastian Eckardt nói. Bên cạnh đó, bà Rebecca Bryant, Đại biện lâm thời Sứ quán Australia tại Việt Nam cũng khẳng định, cùng với WB, Australia cam kết giúp Việt Nam tận dụng lợi thế từ những cơ hội kinh tế to lớn do CPTPP mang lại.“Hoạt động này bao gồm hỗ trợ tăng tính cạnh tranh, giảm hàng rào thương mại và tăng cường kết nối”, bà Rebecca Bryant nói.

Môi trường cạnh tranh gay gắt hơn

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, Hiệp định CPTPP sẽ thúc đẩy cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh của Việt Nam. Bên cạnh thuận lợi mở ra, DN phải tự cải cách và đối mặt môi trường cạnh tranh gay gắt hơn. Đánh giá về CPTPP, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, CPTPP thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, và các nước mà Việt Nam chưa ký FTA như Canada, Mexico….

Tuy nhiên, bên cạnh điểm tích cực, CPTPP sẽ khiến sức ép cạnh tranh từ đối thủ ngày càng tăng lên. DN phải tìm hiểu kỹ các cam kết phức tạp để tìm ra hướng chính sách có lợi cho mình. DN phải liên kết với nhau, cùng với các hiệp hội DN để vận động và tham gia vào quá trình rà soát và điều chỉnh pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền thực thi cam kết CPTPP. Quá trình thực thi CPTPP còn phức tạp hơn các FTA trước đây nhiều lần. Nhưng DN không có lựa chọn khác. Nếu không tận dụng được CPTPP, DN không chỉ lãng phí lợi ích to lớn mà còn phải gánh thiệt hại nặng nề như đối mặt với các biện pháp trừng phạt có liên quan tới việc thực thi các cam kết…

Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, DN Việt Nam cũng gặp phải nhiều thách thức bởi các điều kiện kỹ thuật nghiệt ngã hơn trong khi DN Việt Nam còn yếu. Khi đã ký hiệp định, DN Việt không còn cách nào khác ngoài cố gắng vươn lên, tìm hiểu kỹ các điều kiện kỹ thuật trước khi ký kết các hợp đồng kinh doanh. DN Việt cần chấp nhận thách thức để vươn lên bằng việc nâng cao năng lực để tham gia cuộc chơi mới.

GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, tham gia CPTPP một số sản phẩm của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh trên thị trường trong nước, đặc biệt là thực phẩm. Vì vậy, DN Việt Nam phải đầu tư đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất để cạnh tranh với sản phẩm từ các nước thành viên CPTPP trên thị trường trong nước; đồng thời tận dụng tốt nhất cơ hội mới để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang các nước tham gia Hiệp định.

“Với các cam kết về đầu tư, mở cửa các thị trường dịch vụ mạnh hơn, CPTPP sẽ thúc đẩy FDI vào Việt Nam, đồng thời giúp cho cạnh tranh trong nhiều thị trường dịch vụ mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong các dịch vụ phục vụ sản xuất, hứa hẹn mang lại chất lượng cao hơn, giá hợp lý hơn cho người dân và DN”, bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.

Để tận dụng cơ hội từ CPTPP vào thị trường Australia, bà Nguyễn Hoàng Thúy, Đại diện thương mại - Thương vụ Việt Nam tại thị trường Australia cho biết, hàng hóa vào được Australia sẽ có cơ hội rất cao vào được các quốc gia khác. Cùng với cơ hội, Australia cũng là thị trường có những quy định rất chặt chẽ, khắt khe về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật và uy tín hàng hóa. Do đó, các DN xuất khẩu (XK) cần đặc biệt lưu ý để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm hàng hóa XK, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật đúng với yêu cầu của thị trường mới có thể tận dụng cơ hội XK bền vững vào Australia.

Theo ông Lương Hoàng Thái, với CPTPP, góc độ cạnh tranh sẽ còn mở rộng hơn, nhưng cơ hội dành cho DN cũng lớn hơn. Hy vọng, với sự “tập dượt” trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và thực hiện trong thời gian qua, với sự chuẩn bị, hỗ trợ nhất định của Nhà nước, DN sẽ chủ động đón đầu cơ hội và đối phó với thách thức cạnh tranh từ hiệp định này.

Theo Hiệp định CPTPP, 100 % dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm, nhưng với Việt Nam được dành lộ trình 7 đến 10 năm. Các mặt hàng hải sản như tôm, cá ngừ đại dương của Việt Nam được ưu ái. Các mặt hàng khác như dệt may, giày dép của Việt Nam đều được hưởng lợi.

Các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam có thuế nhập khẩu đa số là 0%, thậm chí có nước như Canada, Nhật Bản dành cho 90% các mặt hàng công nghiệp Việt Nam có thuế nhập khẩu 0%. Tuy nhiên một số mặt hàng nông nghiệp và chăn nuôi của Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức, cụ thể là thịt gà và thịt heo. Đây cũng là thách thức để ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại.
Lưu Hiệp
.
.
.