82% doanh nghiệp Việt đang ở vị trí mới nhập cuộc CMCN 4.0
Theo khảo sát mới nhất của Bộ Công Thương về tính sẵn sàng ứng dụng các công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp, vẫn có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc. Trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị ban đầu.
- Doanh nghiệp Việt trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
- Việt Nam tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách thận trọng
Trả lời phỏng vấn báo chí về Chiến lược chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế số nhân dịp Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN về cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) được tổ chức tại Hà Nội, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nhấn mạnh:
“Chuyển đổi số trong ngành công nghiệp nhằm xây dựng nền sản xuất thông minh được đánh giá là động lực quan trọng của phát triển kinh tế số. Mặc dù ngành công nghiệp đã có một số doanh nghiệp tiên phong (trong các lĩnh vực như dầu khí, điện…) chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với sự thay đổi của công nghệ, nhưng vẫn có 16/17 ngành khảo sát ưu tiên đang có mức sẵn sàng thấp”.
Cho đến nay, theo ông Đặng Hoàng Hải, các doanh nghiệp ở khối thương mại và dịch vụ được đánh giá có trình độ tiếp cận công nghệ số và tính sẵn sàng cao hơn. Doanh nghiệp trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, logistics, du lịch, bảo hiểm đã và đang ứng dụng mạnh công nghệ số trong hiện đại hoá quy trình kinh doanh.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của WEF trong khuôn khổ “Sáng kiến chuyển đổi số - DTI”, 7 công nghệ đang và sẽ thay đổi nền sản xuất của thế giới bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI); xe tự lái; phân tích dữ liệu lớn và điện toán đám mây; công nghệ in 3D; Internet vạn vật và các thiết bị kết nối; robot; và mạng xã hội. Các công nghệ này mới đang được các doanh nghiệp nghiên cứu và bắt đầu đưa vào ứng dụng tại Việt Nam.
Thêm vào đó, WEF dự báo công nghệ mới sẽ thay thế khoảng 7,1 triệu lao động trên thế giới từ nay đến năm 2020. Cơ cấu kinh tế của Việt Nam hiện nay sẽ khiến đất nước có thể phải đối mặt với khó khăn do tự động hoá và chuyển đổi số bởi năng suất lao động ở Việt Nam đang bị cảnh báo tụt hậu so với khu vực.