Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp: Kinh tế tư nhân là động lực phát triển

Thứ Sáu, 31/01/2020, 12:37
1 triệu doanh nghiệp (DN)- đó là con số mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong năm nay- năm 2020. Con số này hoàn toàn có thể đạt được, với tốc độ tăng nhanh, tăng mạnh và tăng vững chắc của khối DN tư nhân trong nền kinh tế. “Đội thuyền thúng ra biển lớn” ngày nào giờ đang được xem là tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

Nghị quyết 10- cú hích cho nền kinh tế

Mùa hè năm 2017, lần đầu tiên, Trung ương Đảng ban hành riêng một nghị quyết cho kinh tế tư nhân- Nghị quyết 10 về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Như vậy, sau 15 năm kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TƯ, ngày 18-3-2002 của Hội nghị Trung ương 5 khóa IX "Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân", Đảng đã nâng tầm, đưa “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". 

Với “cú hích” này, cùng sự quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng phát triển, trở thành lực lượng quan trọng đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Theo số liệu thống kê, Việt Nam đã có trên 800.000 DN kinh tế tư nhân. Có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đổi mới khoa học công nghệ, đầu tư những sản phẩm có chất lượng cao, giá trị gia tăng cao trong phát triển kinh tế vừa qua. Nhớ lại hơn 10 năm trước, khi Việt Nam gia nhập WTO, người ta đã ví von khối kinh tế tư nhân như “đội thuyền thúng” đi ra biển lớn để bày tỏ sự lo ngại trước quá trình hội nhập sâu rộng. 

Giờ đây, khu vực này đã phát triển mạnh mẽ, thay đổi cả về chất và lượng, đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước. Theo dự báo của các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, đến năm 2020, khu vực kinh tế tư nhân có thể sẽ đóng góp khoảng 70% GDP của Việt Nam, năm 2025 đóng góp khoảng 75%, đến 2030 đóng góp khoảng 80%.

Tuy nhiên, dù được “nâng tầm” trên bàn nghị sự cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành, song kinh tế tư nhân vẫn đang gặp nhiều khó khăn và là khu vực dễ bị tổn thương. Số DN giải thể hoặc phải ngừng kinh doanh trong những năm gần đây là rất lớn (bình quân 60-80 nghìn DN giải thể mỗi năm; năm 2018, số lượng DN giải thể là hơn 90.000). Đáng chú ý xu hướng “li ti hóa” của DN tư nhân đang ngày càng gia tăng. Có đến 97% DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. 

Trong đó, có đến 80% số DN tư nhân có vốn kinh doanh dưới 5 tỉ đồng và 87% số DN tư nhân sử dụng dưới 50 lao động. Năm 2001, số DNtư nhân quy mô vừa và lớn (sử dụng từ 100 lao động trở lên) chiếm 6%, năm 2013 chỉ còn 3%. Năng suất lao động của các DNtư nhân thuộc nhóm vừa và lớn thậm chí còn thấp hơn so với các DNtư nhân quy mô nhỏ. Số DNnhỏ và siêu nhỏ chiếm 95 - 96% tổng số DN. 

Số lượng DNquy mô vừa quá ít, chỉ chiếm khoảng 1,7% tổng số DN, tạo thành khuyết thiếu cơ cấu nghiêm trọng. Điều này chứng tỏ DNtư nhân Việt Nam rất khó lớn, chậm lớn, khó có lực lượng tốt để phát triển thành DNlớn. Mặc dù khu vực tư nhân có những bước tiến, song thực lực cơ bản vẫn là “nhỏ bé”, “manh mún” và “yếu kém”. Một số Tập đoàn kinh tế tư nhân trỗi dậy như VinGroup, Hòa Phát, Trường Hải, SunGroup, song chưa đủ sức làm xoay chuyển bức chân dung tổng thể của khu vực kinh tế tư nhân.

Kinh tế tư nhân đang cất cánh.

Lửa thử vàng gian nan thử sức

Báo cáo của Trung tâm Hỗ trợ DNNVV thành phố Hà Nội nêu rõ: trình độ phát triển của kinh tế tư nhân còn thấp, thiếu vốn và mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Phần lớn DN tư nhân có quy mô nhỏ, manh mún và mang nặng tính chất gia đình, ít liên kết với nhau hoặc với kinh tế Nhà nước hay kinh tế tập thể. Trình độ công nghệ và tay nghề của công nhân chưa cao, máy móc, thiết bị lạc hậu, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, chưa tạo được nhiều sản phẩm uy tín, có thương hiệu, ý thức bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng chưa cao. Năng lực quản trị nội bộ ở nhiều DN còn yếu, nhất là các DN tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn...

PGS. TS Trần Đình Thiên cũng chỉ ra một số yếu điểm của khu vực kinh tế tư nhân như dễ bị tổn thương. Sự đa dạng hóa ngành nghề không theo kịp xu thế toàn cầu nên các DN tư nhân trong nước thường liên kết rất yếu với các mạng sản xuất toàn cầu. Tính phi chính thức cao và ít có dấu hiệu cải thiện; xu hướng “li ti hóa” của khu vực DN tư nhân Việt Nam thể hiện rõ nhất ở mức độ hấp thụ công nghệ.

“Căn nguyên của những yếu kém nêu trên là do sự thiếu vắng một hệ chính sách nhất quán và phù hợp. Sự thiếu bình đẳng giữa DNNN và DN tư nhân trong tiếp cận vốn đầu tư”, ông Thiên cho biết. Cũng báo động về tình trạng “li ti hóa” DN tư nhân, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng có 2 nguyên nhân, thứ nhất là có thể liên quan đến môi trường kinh doanh toàn cầu thay đổi: công nghệ cho phép DN tinh giản mà vẫn tồn tại, phát triển. Thứ 2- nghiêm trọng hơn rất nhiều đó làDN tư nhân muốn nhỏ để tránh phiền hà- cách họ chọn để sống còn: tránh các chính sách về thuế má. 

“Điều này nguy hiểm, vì họ nhỏ, sẽ thiếu năng lực: đất đai, thiếu nhà xưởng, chi phí, nhân lực. Tư tưởng tiểu nông này khiến họ gặp khó khăn: khi muốn lớn lên, họ gặp cản trở về thể chế, hành chính, hay những vụ khủng hoảng truyền thông… họ không đủ khả năng để chống đỡ. DN tư nhân vốn đã khó khăn trong môi trường kinh doanh Việt Nam, nay lại tự làm mình khó đi, thì họ càng sẽ thiệt thòi, họ như còn thuyền nhỏ trên đại dương mênh mông đầy bão tố”, TS Thành cảnh báo.

Trước thực tế này, TS Cấn Văn Lực cho rằng mấu chốt nằm ở thực thi chính sách. “Hiện nay, chúng ta đã có rất nhiều nghị quyết, chính sách của Đảng và nhà nước để hỗ trợ phát triển DN tư nhân và coi DN tư nhân là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế trong thời gian tới. Nhưng việc triển khai thực hiện vẫn còn rất chậm và thiếu nhất quán, thiếu ổn định nên chưa phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, sự công bằng giữa ba khối DN (DNNN, DN tư nhân và DN FDI) vẫn chưa tốt, nhất là giữa DN FDI với DN trong nước. Vì vậy, đã đến lúc cần rà soát lại các cơ chế về ưu đãi, nhất là ở các địa phương đối với các DN FDI”, TS Lực góp ý. 

Trong khi đó, mở rộng hơn về kinh tế tư nhân, TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI chỉ ra mặc dù đã đóng góp tới 40% GDP nhưng khu vực kinh tế tư nhân đang mang một nghịch lý lớn khi hơn 700 ngàn DN thuộc khu vực tư nhân đóng góp chính thức chỉ vẻn vẹn 10% GDP, còn lại 30% GDP là thuộc về 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, trong đó có 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. 

“Chúng ta không thể xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không thể ép hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, mà chỉ có thể khoác một tấm áo pháp lý mới cho hộ kinh doanh; đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật DN với những quy định pháp lý tối giản nhưng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hìnhDN siêu nhỏ, nhỏ và vừa”.

Hà An
.
.
.