Xung quanh tranh cãi dừng hay khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê

Đừng vội khẳng định “khả thi” khi chưa một lần đến với người dân - Bài 2

Thứ Năm, 17/08/2017, 09:09
Dự án mỏ sắt Thạch Khê đã ảnh hưởng trực tiếp lên 6 xã với gần 6.000 hộ dân và hơn 14.700 lao động; cộng dồn với tác động từ sự cố môi trường biển, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, khai thác du lịch... khiến đời sống của người dân đã khó càng thêm khó bội phần.


Như chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước về số phận người dân xã Thạch Đỉnh, dự án treo còn mang đến nhiều cảnh trái ngang khác, khi từ 2008, người dân các xã vùng quy hoạch không được cơi nới, xây nhà, không được chuyển nhượng đất đai, không được tách hộ. Thế là hàng chục năm nay, người thì sinh ra, lập gia đình, mà nhà cửa chỉ có vậy, nhiều hộ dân cả chục người, 3, 4 cặp vợ chồng phải chui rúc trong một căn nhà chật hẹp.

4 thế hệ sống chen chúc vì không được tách hộ

Tại báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Hà Tĩnh (ngày 6-7-2017), các tác động tiêu cực về mặt xã hội của dự án cũng đã được đề cập, như: Do dự án tạm dừng, thiếu vốn, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư khu vực bị ảnh hưởng đang đình trệ; Các công trình hạ tầng phục vụ tái định cư của người dân còn dở dang, nhiều hộ dân thuộc đối tượng phải di dời nhưng không thể di dời, nhu cầu sinh hoạt tối thiểu không được đáp ứng, gây tâm lý tiêu cực trong nhân dân vùng bị ảnh hưởng.

Vợ chồng ông Nguyễn Xuân Tú (nay đã 80 tuổi) cùng với người mẹ đã trên 100 tuổi của mình đến nay vẫn sống cảnh 4 thế hệ trong 1 căn nhà tại xóm Bắc Hải, xã Thạch Hải. Cùng xóm, gia đình ông Nguyễn Văn Thanh gồm 1 cụ già, 2 cặp vợ chồng, 1 người con và 3 người cháu cũng sống trong căn nhà chỉ có 100m2. Ngay cả người trưởng xóm cũng phải ra khu nghĩa trang của xã để làm nhà, xung quanh toàn mồ mả.

Người dân xóm Bắc Hải (Thạch Hải) trông ngóng được tách hộ, cấp đất xây nhà từ hàng chục năm nay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Tiến Đạt – Chánh văn phòng UBND huyện Thạch Hà cho biết: “Các cụ bảo có an cư mới lạc nghiệp, tối thiểu phải có căn nhà ổn định người dân mới có tâm tư lo đến việc khác. Đây không chỉ là vấn đề đời sống, mà còn là vấn đề tâm tư, tình cảm của người dân. Địa phương ý thức được đây là nhu cầu rất bức bách, nhưng chưa được quy hoạch đất ở để cấp cho bà con”. 

Ngược lại với cảnh chen chúc ở Thạch Hải, nhiều khu tái định cư lại bỏ hoang, nhà văn hóa cộng đồng không có ai sinh hoạt, do các khu tái định cư ở Thạch Đỉnh, Thạch Bàn chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng, hệ thống nước chưa được đảm bảo, lại không có đất sản xuất, nên người dân không về ở. 

Hiện còn 5 công trình đang triển khai dở dang là Khu tái định cư xã Thạch Khê 1 (mới thực hiện được 77%), Nghĩa trang Đồng Trầm Trị (91,5%), công trình điểm dân cư số 2 xã Thạch Bàn (66,3%), đường giao thông liên vùng các xã biển ngang (4,5%), nhà máy nước Thạch Trị (11,7%).

“Khả thi” trên giả thuyết là chưa đủ thuyết phục

Dự án mỏ sắt Thạch Khê đã ảnh hưởng trực tiếp lên 6 xã với gần 6.000 hộ dân và hơn 14.700 lao động; cộng dồn với tác động từ sự cố môi trường biển, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, khai thác du lịch... khiến đời sống của người dân đã khó càng thêm khó bội phần. 

Trong 3 năm thực hiện dự án (2008 – 2011), TIC đã thực hiện bóc đất tầng phủ nhằm thử nghiệm công nghệ trên cát với khối lượng 12,7 triệu m³. Tuy nhiên, việc đổ thải đất bóc đến độ cao +45m so với mực nước biển khi chưa được xử lý đồng bộ việc giảm thiểu chống sạt trượt, cát chảy từ bãi thải đã gây tác động xấu đến cuộc sống nhân dân trong khu vực. Trong khi đó, đến nay, dự án chưa có phương án nào về tuyển dụng, đào tạo và chuyển đổi nghề cho lao động địa phương.

Không chỉ vấn đề mưu sinh của người dân, việc học hành của trẻ em nơi đây cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Từ năm 2014 đến nay, do dự án chưa được triển khai lại, các trường học không thể xây dựng cơ sở vật chất, như Trường THPT Nguyễn Trung Thiên đóng tại xã Thạch Khê không được xây dựng khu phòng học bộ môn, nên không thể đạt chuẩn quốc gia; Trường THCS Lê Hồng Phong chưa sáp nhập được với Trường THCS Thạch Lạc theo quy hoạch của tỉnh... 

Nếu dự án được triển khai, địa phương cũng lo ngại việc quá tải dân cư sẽ gây ra những hệ lụy về an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội, trong đó có cả cơ sở hạ tầng như đường sá, trường học, bệnh viện... chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Những bất cập này người dân cũng nhiều lần kiến nghị tại các buổi làm việc của Hội đồng nhân dân, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh.

Ngoài những tác động trực tiếp, nhìn thấy được, dự án này còn khiến rất nhiều kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội không được triển khai. 

Đơn cử, xã Thạch Hải có bãi biển đẹp có thể sánh ngang Nha Trang, Đà Nẵng, chỉ cách TP Hà Tĩnh chưa đến 10km, gắn với đó là một số quần thể di tích tâm linh như đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi (là 1 trong 4 đền linh thiêng của vùng Nghệ Tĩnh xưa, đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cũng đã công nhận lễ hội đền Lê Khôi là lễ hội phi vật thể cấp quốc gia), nhưng nằm trong vùng dự án nên không được đầu tư gì. 

Năm 2017 này, với chiến lược quay lại phát triển du lịch biển, chỉ sau 2 tháng, trên 60.000 du khách đã về với Thạch Hải, dù hạ tầng rất sơ sài. Suốt hàng chục năm qua, huyện Thạch Hà đã phải bỏ qua nhiều cơ hội như vậy để “chờ” mỏ sắt.

Mặc dù đã nhẫn nhịn nhiều năm qua, “thông cảm với khó khăn của tỉnh, của huyện, của chủ đầu tư dự án” – như lời ông Đạt, tuy nhiên, cũng có những thời điểm người dân phát sinh những hành động bột phát như chặn xe của mỏ, cấm xe lưu thông trên đường vì ô nhiễm môi trường và phá hủy đường sá. 

Hay như năm 2013, do ảnh hưởng của mưa lớn, hệ thống thoát lũ của moong mỏ chưa phân bổ đều, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, dẫn đến xã Thạch Bàn, Thạch Đỉnh bị ngập lụt trong đêm khiến nhiều lực lượng chức năng của huyện 2h sáng phải có mặt để giải quyết... 

Tuy phát sinh nhiều vấn đề như vậy, nhưng khi chúng tôi hỏi đã có đoàn nào của Bộ Công Thương hay các bộ, ngành khác xuống trao đổi với người dân địa phương chưa, ông Ngô Văn Ngọc – Bí thư Đảng ủy xã Thạch Đỉnh, cho biết chưa từng có đoàn nào gặp trực tiếp ông hay bất cứ ai trong xã, mà ông “chỉ nghe có đoàn nhà khoa học về làm việc với tỉnh”.

Từ những thực tế này, qua nhiều lần tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, cử tri các xã trên địa bàn mỏ có nhiều ý kiến dừng mỏ sắt Thạch Khê. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các bộ liên quan, đề xuất xem xét tạm dừng dự án khi chưa đủ điều kiện. Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đã kiến nghị Chính phủ cho dừng dự án.

Tuy nhiên, tại tuyên bố “phản pháo” quan điểm trên, Bộ Công Thương với chủ trương cho tái khởi động dự án đã lý giải tất cả các yếu tố còn thiếu hụt sẽ được bổ sung một khi chủ dự án được cho phép khởi động. Dù vậy, đối mặt với những hệ lụy ngổn ngang của dự án và những hậu quả của sự cố môi trường Formosa đến giờ vẫn chưa xử lý xong, tỉnh Hà Tĩnh có đủ lý do để đòi hỏi những câu trả lời rõ ràng hơn từ chủ đầu tư và từ Bộ Công Thương trước khi có một kết luận cuối cùng.

 “Đến nay, các cổ đông của TIC mới góp được 1.809/2.033 tỷ đồng để đủ đối ứng 30% cho dự án. Số vốn đã góp cũng chủ yếu là tài sản cố định. Trong 5 cổ đông của TIC, chỉ có Tập đoàn Than – Khoáng sản (TKV) là góp đủ vốn huy động, còn 3 cổ đông không góp đủ vốn cam kết. Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh thậm chí đã có văn bản xin rút vốn khỏi dự án. 

Bản thân TKV cũng đang gặp khó khăn, nên mặc dù đã khẳng định sẽ góp vốn thay 3 cổ đông trên khi dự án khởi động lại, tiềm lực tài chính của các cổ đông là vấn đề lớn, đặc biệt so với tổng mức đầu tư (hơn 14,5 nghìn tỷ đồng). Về nguyên tắc, hệ số giữa vốn chủ sở hữu so với vốn đi vay phải lớn hơn hoặc bằng 1, nhưng hệ số của TIC chỉ đạt 0,43” – (Báo cáo số 243 ngày 6-7-2017 của UBND tỉnh Hà Tĩnh).

“Tại Thông báo số 72-TB/TW ngày 9-5-2007 của Bộ Chính trị; các văn bản của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy... đều chủ trương nhất quán việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê phải gắn liền và có lộ trình cụ thể việc gắn với chế biến sâu. Như vậy, cần phải xem xét, cân nhắc việc báo cáo Bộ Chính trị nếu tiếp tục triển khai dự án mà chưa thực hiện đầu tư nhà máy chế biến phôi thép. 

Công ty Formosa chưa có ý kiến về việc sử dụng nguyên liệu quặng sắt của Thạch Khê, quy hoạch ngành thép của Bộ Công Thương ban hành mang tính dự kiến, chưa có nhà máy sản xuất cụ thể. Vì vậy, với công suất khai thác giai đoạn 1 là 5 triệu tấn/năm và giai đoạn 2 là 10 triệu tấn/năm thì dự án chưa có phương án tiêu thụ khả thi” – (Báo cáo số 243 ngày 6-7-2017 của UBND tỉnh Hà Tĩnh).

Vũ Hân – Thanh Huyền
.
.
.