Xung quanh tranh cãi dừng hay khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê

Thứ Tư, 16/08/2017, 10:07
Dự án mỏ sắt Thạch Khê “treo” từ năm 2011, khiến số phận nhiều hộ dân cũng vô định theo. Hàng chục năm nay, họ sống cảnh tạm bợ, không cơi nới, không tách hộ, không xây dựng nhà cửa và thậm chí còn không có điện.


Bài 1: Số phận ngàn người “treo” cùng dự án

Giữa những tranh cãi chưa có điểm dừng về số phận mỏ sắt Thạch Khê, chúng tôi tìm về huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) để có một góc nhìn khác về dự án này - từ số phận những người dân địa phương. 

Trong cái nắng như rang của Hà Tĩnh, chúng tôi đến xóm 1, xã Thạch Đỉnh - nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dự án. Có tầm ảnh hưởng khá rộng lên 6 xã ven biển của huyện Thạch Hà, mỏ sắt tuy tên là Thạch Khê, nhưng hai xã ảnh hưởng nhiều nhất lại là Thạch Đỉnh và Thạch Hải. Dự án “treo” từ năm 2011, khiến số phận nhiều hộ dân cũng vô định theo. 

Hàng chục năm nay, họ sống cảnh tạm bợ, không cơi nới, không tách hộ, không xây dựng nhà cửa và thậm chí còn không có điện.

“Người rừng” giữa tâm dự án

Ngay tại điểm dựng barrier phân chia khu vực do chủ đầu tư mỏ sắt quản lý và khu vực địa phương quản lý, chúng tôi gặp chị Trịnh Thị Xuân - một người dân xóm 1, xã Thạch Đỉnh. Về lý, khu vực này đã hoàn toàn do mỏ sắt quản lý, nhưng trước cảnh bĩ cực không tấc đất sản xuất ở khu tái định cư, hộ chị Xuân và một số hộ khác từ 5 năm nay đã quay lại nhà cũ để trồng khoai, lạc sống qua ngày. 

“Về khu tái định cư chỉ có 300m² đất ở, không có tấc đất trồng cấy nào, nên khổ cũng phải quay lại. Bây giờ làm cũng chỉ vừa đủ ăn, vì hoa màu chỉ được một mùa, ngoài ra nuôi thêm con lợn, đàn gà, nhưng cũng không ăn thua, vì nhà gần hố rác của xã, gà nhiễm bệnh, chết liên tục. Thế nhưng vẫn còn khá, vì ở kia, chỉ có 2 vợ chồng già nhìn nhau, không sống nổi” – chị Xuân cho biết. 

Các con chị đều đã lấy chồng, lấy vợ và đều đã mưu sinh nơi khác. Cũng như các con chị Xuân, thanh niên ở Thạch Đỉnh đều đã ra ngoài bươn chải. Họ không kiên nhẫn nổi với số phận còn “treo” của Thạch Đỉnh. Đất Thạch Đỉnh giờ chỉ còn “ông già, bà cả”.

Chị Trịnh Thị Xuân bên bể nước ố vàng, dù đã qua bể lọc.

Chị Xuân chỉ cho chúng tôi bể nước nhiễm phèn nổi váng vàng bề mặt. Gia đình chị đã phải đổ cát, đổ sỏi làm bể lọc tự chế, nhưng cái màu vàng ố của phèn vẫn bám chặt thau, chậu, đồ dùng của gia đình. Đất chật, nên sau bếp vừa là bể nước, vừa là chuồng gà, nhà tắm... Cuộc sống tạm bợ thế, nhưng chị Xuân bảo chỗ chị còn sướng chán, vì nhiều hộ dân ở vùng lõi mỏ sắt còn sống không có điện đã gần chục năm nay.

Theo sự giới thiệu của chị Xuân, chúng tôi đi sâu hơn vào vùng lõi. Dưới chân là cát trắng, trên đầu là nắng, không còn nhiều cây cối sống được ở đây, ngoài mấy cụm xương rồng vẫn kiên nhẫn nở hoa. Ngay tâm dự án là căn nhà cấp 4 được rào chằng chịt bằng cành cây khô của ông Nguyễn Công Tâm, một trong những hộ rơi vào cảnh éo le – nằm trong khu vực đã giải phóng mặt bằng nhưng lại chưa được nhận đền bù. 

Căn nhà cũ xộc xệch chia làm 2 nửa, lợn một gian, người một gian. Năm 2010, khi Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) tiến hành đền bù, gia đình chưa thống nhất được giá, nên chưa nhận. Sau đó, TIC tiến hành kiểm đếm lần 2, chuẩn bị đền bù, thì rơi đúng vào đợt dự án tạm dừng. 

Éo le là ở chỗ, 80% người dân khu vực đó đã nhận tiền và di dời, nên về danh nghĩa, khu đất đã thuộc quyền quản lý của TIC, và bị cắt điện. Ông Tâm bỗng chốc thành “người rừng” - sống không điện, không bạn bè, chòm xóm; mà thậm chí còn không được là người rừng, vì quanh đó hiếm hoi mới tìm thấy sự sống, chỉ thừa thãi cát và nắng.

“Cắt điện lâu rồi, từ năm 2010 đến giừ. Nước sạch cũng không có, chỉ có nước phèn, nước sắt. Đời người được vài chục năm thôi, mà dự án này treo cả chục năm rồi, nhưng phải bặm mồm chịu trời vậy chứ” - ông Tâm chao chát. Căn nhà tuềnh toàng, không có một đồ vật gì đáng giá ngoài mấy cái nồi gang - cái to nấu cám cho lợn, cái nhỏ nấu cơm. 

Ông bảo:  “Xưa 9 năm nắng núi mưa ngàn còn sống được, giờ thì cũng sống thôi. Tối thì một mình mình khóc, mình hay một mình vậy thôi, chứ mần gì nữa”. Dù đã cắt điện gần chục năm, quanh khu vực lõi dự án này, cũng lác đác những hộ đã nhận tiền rồi vẫn quay lại để trồng cấy, nhưng họ sống rải rác nên không nương tựa được vào nhau. 

“Chẳng tivi, chẳng đài đóm, ăn cơm xong ngủ được thì ngủ, không ngủ được thì nằm trêu đời vậy thôi. Mình có tuổi rồi, điều kiện kinh tế thì khó khăn, chật hẹp, không phải mặc cảm tự ti gì, nhưng cũng chẳng chơi với ai” - ông Tâm cười mà như mếu.

Dân mong nhận được một câu trả lời

Hộ chị Xuân hay ông Tâm không phải những hộ duy nhất phải sống cảnh tạm bợ này, bởi theo quy hoạch, Thạch Đỉnh có 240 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án. Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê Ngô Văn Ngọc cho biết: Năm 2007 khi biết thông tin sẽ khai thác mỏ sắt Thạch Khê, chính quyền địa phương và nhân dân rất đồng tình, vì đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, khai thác tiềm năng của đất nước, làm giàu cho quê hương; nhưng quá trình thực hiện đã để lại bao hệ lụy.

Diện tích đất phải đền bù, di dời tái định cư của Thạch Đỉnh là 331ha, nhưng mới chi trả được gần 270ha, vẫn còn 67ha đã kiểm đếm nhưng chưa được đền bù (trong đó có 7ha đất nông nghiệp, 600 ngôi mộ của nhân dân), khiến người dân rất bức xúc. Nhiều hộ dân chưa được đền bù lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan như hộ gia đình ông Nguyễn Công Tâm.

Căn nhà lẻ loi của ông Nguyễn Công Tâm giữa nắng và cát của Thạch Đỉnh, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dự án mỏ sắt Thạch Khê.

“Thạch Đỉnh đã di dời trên 70 hộ, trong đó có 3 hộ là đi khỏi địa phương, mưu sinh nơi khác, còn lại 67 hộ về khu tái định cư, đời sống cũng hết sức khó khăn. Đền bù chỉ có 300m² đất ở, không có đất canh tác, nên công ăn việc làm không có. Các cháu trong lứa tuổi lao động thì đi tìm việc chỗ khác, còn các cụ già chủ yếu là ngồi cửa nhà hóng ra đường, chứ không có việc gì làm. Chưa nói đến, từ năm 2007, mới bóc đất tầng phủ, đã xảy ra hiện tượng tụt nước ngầm trong bán kính 3km, nhiều diện tích đang canh tác bình thường giờ bị sa mạc hóa, không trồng cấy được” – ông Ngọc cho biết. 

Không chỉ vậy, điều kiện sinh hoạt của người dân cũng rất khổ. Nước thì vừa mặn, vừa phèn, không ăn uống được, nên người dân Thạch Đỉnh phải ra Thạch Bàn xin hoặc mua.

Không thể không kể đến những hệ lụy về an ninh, trật tự, khi hàng trăm ha đất đã được giao cho TIC quản lý, nhưng đơn vị này không đủ năng lực để làm, nên phát sinh hiện tượng khai thác cát trái phép. 

“Trên thực tế thì địa phương đã bàn giao cho chủ đầu tư dự án quản lý mặt bằng, nhưng quản lý về hành chính, tài nguyên lại không có sự phối hợp, nên một số đối tượng vào khu vực dự án khai thác cát trái phép, vừa là ảnh hưởng đến dự án, vừa là ảnh hưởng đến môi trường như hiện tượng cát bay, cát chảy. Xe chở đất, cát quá tải cũng phá hỏng hết đường của xã” – ông Ngô Văn Ngọc bày tỏ. 

Cũng vì dự án treo, Thạch Đỉnh gặp muôn vàn khó khăn trong việc phát triển kinh tế địa phương. Nông nghiệp thì phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, do không có nguồn nước. Người dân cũng bám biển, có nghề buôn bán, muối dưa cà, nhưng do nằm trong quy hoạch, nên chợ cũng không được xây dựng. Thậm chí, mấy năm về trước (giai đoạn 2011-2015), chương trình mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới xã cũng không được đầu tư, vì đang có quy hoạch treo. Những khó khăn này khiến Thạch Đỉnh đã nghèo, nay lại càng xác xơ.

Hỏi đến nguyện vọng, ông Ngô Văn Ngọc bảo người dân chỉ tha thiết thoát cảnh “treo”. “Tạm dừng thế này, xã đề nghị phải dứt điểm đền bù nốt 67ha trước đây nằm trong quy hoạch để người dân có thể di dời, ổn định đời sống. Về mặt hành chính, nếu chúng tôi giao đất cho dự án rồi, thì chủ đầu tư phải quản lý để đảm bảo an ninh trật tự. Với những hệ lụy đã có, đề nghị quan tâm đến đời sống người dân. Trên thực tế, Bộ Công Thương muốn làm, nhưng dân Hà Tĩnh thì chưa muốn, bởi bài học về Formosa rất đắt giá, hậu quả vẫn đang hiện hữu” - ông Ngọc nêu quan điểm.

“Dự án mỏ sắt Thạch Khê ảnh hưởng trực tiếp đến 6 xã (Thạch Bàn, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Trị) với 5.928 hộ dân, 14.716 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp. Thời gian qua, (do dự án còn treo) cùng với ảnh hưởng của sự cố môi trường biển nên đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, khai thác du lịch của người dân. Nhiều lao động hiện không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, phải đi làm ăn nơi xa, ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống của người dân... Đến nay, dự án chưa có phương án về tuyển dụng lao động, đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động địa phương...” - (Báo cáo số 243 ngày 6-7-2017 của UBND tỉnh Hà Tĩnh).

“Quá trình triển khai dự án thời gian qua còn nhiều bất cập. Quy mô dự án rất lớn, vị trí sát biển, thời gian khai thác mỏ dài nhưng các báo cáo, trình tự thực hiện về đầu tư xây dựng đơn giản, nhất là giải pháp kỹ thuật, giải pháp huy động vốn và đặc biệt là hiệu quả kinh tế - xã hội thì mới chỉ quan tâm đến tài chính của dự án. Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) còn sơ sài, nêu ra nhiều giải định nhưng thiếu cơ sở khoa học. 

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án; đặc biệt là kiểm tra thực tế tại vùng mỏ; UBND tỉnh Hà Tĩnh thấy rằng: Dự án chưa phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị tại Thông báo kết luận số 72-TB/TW ngày 9-5-2007; vì vậy, vào năm 2011, Thủ tướng đã yêu cầu việc dừng bóc đất tầng phủ và tái cơ cấu lại chủ đầu tư là Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC). 

Khu vực mỏ có điều kiện địa chất phức tạp, nằm sát biển, thân quặng phân bố sâu (-550m), lớp đất phủ yếu (chủ yếu là cát, sét...) nhiều nước ngầm, diện tích dự án là 4.821ha, moong mỏ rộng 703ha, không chỉ ảnh hưởng đến 6 xã của huyện Thạch Hà mà còn ảnh hưởng đến các xã thuộc huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà, TP Hà Tĩnh. Trong quá trình khai thác, vận tải đất bóc và quặng, có nguy cơ sạt lở tầng khai thác và bờ mỏ” - (Báo cáo số 129 ngày 22-5-2017 của Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các bộ liên quan).

Vũ Hân – Thanh Huyền
.
.
.