Nhà 'siêu mỏng, siêu méo': Xử lý ngay khi thực hiện dự án

Thứ Bảy, 16/05/2015, 07:21
Vấn đề nhà “siêu mỏng, siêu méo” sau mỗi dự án vẫn đang làm đau đầu các nhà quản lý tại Hà Nội: Để thì “hợp lòng dân, chính quyền đỡ vất vả”, nhưng cảnh quan lôm côm. Do vậy, nhiều cán bộ đồng tình với giải pháp: Thu hồi đất không đủ điều kiện xây dựng công trình ngay khi tiến hành dự án.

Nỗ lực xóa nhà “siêu mỏng, siêu méo”

Báo cáo với Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội (ngày 14/5), lãnh đạo quận Thanh Xuân cho biết, từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn quận không phát sinh thêm nhà "siêu mỏng, siêu méo" nào. Hiện, số công trình tồn đọng cũ là 156 trường hợp. Đến nay, đã có 55 trường hợp đã hợp thửa, hợp khối; 101 trường hợp còn tồn tại đang tiếp tục xử lý, trong đó: đang triển khai xử lý thu hồi 62 trường hợp; đề xuất giữ nguyên hiện trạng, chỉnh trang hợp khối kiến trúc 14 trường hợp...

Còn tại quận Hoàng Mai, có 80 nhà "siêu mỏng, siêu méo" tồn đọng cũ từ năm 2013, trong đó, có 26 trường hợp tồn tại từ trước khi thành lập quận, thuộc các tuyến phố cũ; 54 trường hợp phải xử lý hiện nằm ở các phường Định Công, Giáp Bát… Trong số 80 công trình này, quận đã tiến hành hợp thửa, hợp khối 71 trường hợp.

Nhà "siêu mỏng" vẫn tồn tại án ngữ nhiều mặt phố. Ảnh: Phan Hoạt.

Quận Hoàng Mai đã rà soát và thống kê tổng cộng 102 nhà "siêu mỏng, siêu méo" phát sinh mới từ ngày 1/1/2014 đến nay. Trong đó: 64 trường hợp thuộc diện không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phải thực hiện quy trình hợp khối, hợp thửa, thu hồi; 11 trường hợp UBND quận đã có quyết định thu hồi nốt phần diện tích đất còn lại ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các phường Tương Mai, Tân Mai; 12 trường hợp đang kiểm tra…

Có nên “giữ nguyên hiện trạng”?

Liên quan đến đường Vành đai 2, sau GPMB sẽ phát sinh nhiều trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, quận Thanh Xuân đề xuất thành phố xem xét chấp thuận xử lý tạm thời theo hướng đất còn lại dưới 4m² thì thu hồi, đất còn lại từ 4 - 15m² được chỉnh trang quy mô một tầng hoặc chỉnh trang hợp khối công trình thống nhất về kiến trúc cảnh quan.

Đề xuất của quận Thanh Xuân được Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của Thành ủy Trần Trọng Dực nhận xét, là “hợp lòng dân, đỡ vất vả cho chính quyền”. Tuy nhiên cũng có băn khoăn “với cách làm ấy, liệu có đảm bảo cho tuyến phố văn minh đô thị”. Đoàn giám sát cũng lưu ý hạn chế phương án để tồn tại dù dưới dạng kiot, vì lâu dài khó giải quyết được triệt để vấn đề.

Còn Chủ tịch quận Hai Bà Trưng nêu thực tế: Việc hợp thửa, hợp khối phải có sự đồng thuận của cả hai gia đình. Nhưng vì quy định thời hạn giải quyết và nếu không thực hiện được, phải lập dự án thu hồi. “Mà như vậy, quận rất khó trong xử lý vấn đề kinh phí”. Ông này kiến nghị, tạm thời không cấp sổ đỏ cho các thửa đất này, nhưng cho tạm chỉnh trang thành như một kiot (không là công trình cao tầng) và tiếp tục vận động hợp thửa, hợp khối.

Với đề xuất của quận Hai Bà Trưng, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đặt câu hỏi, việc “giữ nguyên hiện trạng” này có thể trở thành việc chấp nhận hợp thức hóa nhà “siêu mỏng, siêu méo”, tạo tiền đề gây khó cho việc xử lý các trường hợp tương tự ở dự án sau?

Nên thu hồi đất diện tích nhỏ ngay khi thực hiện dự án

Lãnh đạo quận Thanh Xuân “bật mí” bí quyết xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo" là vận động người dân “tự xử lý”: Ngay từ khi có dự án, quận thông báo đến từng phường, tổ chức kiểm đếm để dự báo các công trình không đủ điều kiện xây dựng. Từ đó, thông báo rõ với các hộ dân về thực trạng đất sau GPMB, vận động các hộ tiến hành hợp thửa, hợp khối, chỉnh trang theo quy hoạch. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân khi hợp khối, hợp thửa.

Lãnh đạo phường Khương Mai cũng cho biết, phường tổ chức nhiều cuộc đối thoại để giải quyết những vấn đề người dân đặt ra. Lãnh đạo phường này nhận định, việc “vận động” không hề dễ trước tình trạng ép giá nhau. “Có trường hợp vận động hơn chục năm mới thành công”.

Tuy nhiên, việc xử lý còn không ít khó khăn. Lãnh đạo quận Hoàng Mai cho biết: Để hợp thửa, hợp khối, GPMB 102 trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” mới phát sinh, diện tích thu hồi khoảng 800m² với kinh phí 15 tỷ đồng. Thu hồi là biện pháp cuối cùng cần áp dụng khi không thể hợp thửa, hợp khối, lãnh đạo quận Thanh Xuân kiến nghị “TP nên cho chủ trương thu hồi ngay diện tích còn lại đi liền với dự án. Nếu để sau, quận lại phải làm một quy trình với thủ tục rất phức tạp và gây khó cho chính quyền”.

Đồng tình, Chủ tịch quận Hai Bà Trưng nêu ý kiến: Khi duyệt dự án, TP cần chỉ đạo các chủ đầu tư các tuyến đường trong quá trình GPMB phải thực hiện tháo dỡ toàn bộ, bộ phận kiến trúc công trình nằm ngoài chỉ giới mở đường không đủ điều kiện mặt bằng để xây dựng. Sở GTVT và chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến đường đề xuất báo cáo TP bổ sung kinh phí, nguồn vốn thực hiện thu hồi các diện tích này đồng bộ với GPMB toàn bộ tuyến đường.

"Khi cắm mốc giới cần chấp nhận mốc giới dích dắc (thay vì kẻ đường thẳng), khảo sát cụ thể, hộ nào diện tích dưới 15m² hoặc độ mỏng dưới 3m thu hồi ngay, thế mới hết được chuyện siêu mỏng, siêu méo" - ông này nói.

Chi Linh
.
.
.