Xử lý chung cư cũ xuống cấp vẫn chưa có “đáp án” chung
- Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Hô rất nhiều cải tạo chẳng bao nhiêu?!
- Hà Nội kiểm định toàn bộ chung cư cũ, biệt thự cổ
- Người dân được lựa chọn chủ đầu tư để cải tạo chung cư cũ
UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu di dời, bố trí tạm cư cho các hộ dân tại hai toà nhà thuộc diện đặc biệt nguy hiểm. Tuy nhiên, qua báo cáo trên, một lần nữa cho thấy, việc cải tạo các chung cư cũ vẫn đang “bế tắc” tại nhiều nơi, kể cả ở những địa chỉ được cho là “đất vàng” nhưng các doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà tham gia.
Trước thời điểm Sở Xây dựng báo cáo UBND TP về thực trạng của 42 toà chung cư cũ nát trên, Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội cũng đã khảo sát và đưa ra kết luận, Hà Nội có 104 chung cư đã hư hỏng, xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng, cần phải kiểm định chất lượng công trình. Theo Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội, trên toàn Thủ đô hiện có 1.516 chung cư cũ, được xây dựng từ năm 1960 đến năm 1990, với quy mô từ 2 đến 5 tầng.
Chung cư G6A (tập thể Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình), một trong hai khu nhà được “xếp” vào diện đặc biệt nguy hiểm. |
Cá biệt, có một số nhỏ nhà được xây dựng trước năm 1954. Các chung cư cũ này tập trung ở các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Hoàng Mai… Và qua hàng thập kỷ tồn tại, nhiều chung cư đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp nghiêm trọng. Điển hình trong số này có nhà chung cư C8 Giảng Võ và E6 Thành Công có nhiều kết cấu bị lún lệch, trong đó đơn nguyên III (C8 Giảng Võ) phải di dời ngay toàn bộ cư dân.
Trong lần báo cáo UBND TP lần này, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hai chung cư được xếp loại đặc biệt nguy hiểm là đơn nguyên 2 thuộc khu nhà G6A (tập thể Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình) và nhà A1 Giảng Võ. Được xây dựng từ những năm đầu của thập kỷ 80 (thế kỷ trước), chung cư G6A Thành Công (đơn nguyên 1,2) được đánh giá thuộc nhà nguy hiểm cấp D, cấp độ nguy hiểm cao nhất theo thang tiêu chuẩn an toàn kết cấu công trình. Tuy nhiên, rất nhiều người sống tại đây lại khẳng định nhà của họ không đến mức xuống cấp như đánh giá của cơ quan chức năng. Theo ông Nghiêm Xuân Tuy, sống tại khu dân cư 12, ngoài chuyện có vài vết nứt ở ban công thì khu nhà này vẫn an toàn.
Nhìn bề ngoài, toàn bộ nhà G6A phải “cõng” đủ các kiểu cơi nới trước và sau. Thậm chí, có những hộ còn cơi nới xây “chuồng cọp” đua ra với diện tích gấp đôi diện tích căn hộ. Nhiều vết nứt rộng dài chạy hàng mét dọc theo các tầng.
Tương tự, nhà A1 Giảng Võ cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, không đủ điều kiện để các hộ dân tiếp tục sinh sống. Thấm, dột và ẩm thấp lúc nào cũng xuất hiện kể cả khi trời nắng ráo. Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân đang sinh sống tại hai khu nhà trên đều lo lắng khi biết mình trong diện phải di chuyển khẩn cấp. Họ cho rằng, “tấm gương” của những toà chung cư như B6 Giảng Võ vẫn còn đó, sau nhiều năm phải tạm cư nơi khác, đến nay, đã hơn 5 năm trôi qua, vẫn không thấy có dấu hiệu toà nhà chung cư mới được khởi công. Các hộ dân luôn sống trong tình trạng ở lại thì khổ sở, còn “ra đi” đến chỗ ở mới cũng không biết đến bao giờ mới có ngày được quay lại tái định cư tại chỗ như chủ đầu tư hứa hẹn.
Về phía các doanh nghiệp, ngay cả đối với những vị trí được coi như “đắc địa”, cũng không mấy “mặn mà” tham gia cải tạo chung cư cũ. Theo ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), việc cải tạo các chung cư cũ xây mới phụ thuộc và liên quan tới rất nhiều các chủ thể gồm người dân đang ở trong các tòa nhà, các tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư dự án.
Vì vậy việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ này khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều so với việc phát triển các dự án, nhà ở mới. “Vấn đề lớn nhất là tài chính cũng như đảm bảo chỗ ở mới cho người dân. Việc này phụ thuộc vào quỹ nhà ở. Khi dân chuyển tới nơi ở khác, về nguyên tắc, nhu cầu của họ được đáp ứng phải lớn hơn hoặc bằng thực tế họ đang có. Nhưng để đảm bảo việc này thì chủ đầu tư cũng như chủ dự án lại phải căn cứ vào lợi nhuận của họ. Một mặt là có lợi nhuận, một mặt là nếu có thể đáp ứng được yêu cầu này lại bị khống chế bằng các quy định khác...”, ông Hải khẳng định.
Theo ông Hải, mặc dù các tổ chức kiểm định theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước đã đánh giá xác định được rằng một số tòa chung cư cũ này không đảm bảo chất lượng, có khả năng gây mất an toàn và đã yêu cầu phải di dời. Tuy nhiên, người dân thì họ cho rằng đã sập đâu mà đi, nhưng về nguyên tắc và chất lượng thì tòa nhà đã được đánh giá là nguy hiểm thì có thể sập bất cứ lúc nào, cũng không thể biết trước được hôm nay, ngày mai hay tháng sau bị sập. “Vì vậy, cần có ý thức người dân khi cơ quan quản lý nhà nước đã cảnh báo về nguyên tắc cần có sự phối hợp để đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như gia đình di chuyển sớm”, ông Hải nhận xét.
Còn quan điểm của TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam lại cho rằng, cải tạo chung cư cũ đang là chuyện “ai” cũng muốn nhưng không bên nào muốn thiệt thòi. Ông Liêm thẳng thắn: “Người dân vừa muốn chỗ ở đẹp, có thêm diện tích, thêm tiền đền bù nhưng phải theo giá thị trường. Còn chủ đầu tư là các doanh nghiệp thì họ luôn tính toán lợi ích tối đa về phía họ. Cứ dai dẳng như vậy thì không bao giờ có chuyện thoả hiệp được để cùng đi đến một kết quả tốt”.