Trục lợi từ gói tín dụng 30 nghìn tỷ:

Vốn cho vay sai sẽ bị thu hồi nợ trước hạn

Thứ Bảy, 18/07/2015, 11:34
Vốn chịu khá nhiều “tai tiếng” từ khi triển khai nên câu chuyện trục lợi từ gói tín dụng 30 nghìn tỷ được dư luận đặc biệt quan tâm. Những người mua nhà “lỡ” sai phạm đang ngồi trên đống lửa với câu hỏi: liệu căn nhà đang ở có bị tịch thu?

Cái khó ló… sai phạm

Sau một thời gian bị tắc, gói tín dụng lãi suất ưu đãi dành cho người thu nhập thấp mua nhà 30 nghìn tỷ bắt đầu được giải ngân nhanh hơn. Tính tới ngày 31/5/2015, tổng số vốn cam kết cho khách hàng vay là 14.161 tỷ đồng. Tổng số tiền đã tiến hành giải ngân là 7.621 tỷ đồng, trong đó, 17.624 cá nhân, hộ gia đình đã được giải ngân với số vốn 5.520 tỷ đồng; 33 dự án đã được tiến hành giải ngân với số vốn là 2.101 tỷ đồng.

Nhưng cùng với tiến độ giải ngân, nhiều vấn đề cũng bắt đầu được hé lộ, trong đó, tình trạng trục lợi, cho vay sai đối tượng, hoặc “lách” bằng cách hô biến những đối tượng không đủ điều kiện vay vốn thành đối tượng được vay vốn để trục lợi khiến thị trường bất động sản xôn xao.

Ngành ngân hàng sẽ rà soát lại các sai phạm trong giải ngân gói 30 nghìn tỷ.

Mánh khóe của các đối tượng là chia nhỏ hợp đồng mua bán nhà. Cụ thể: chủ đầu tư đã tư vấn cho khách hàng tách thành 2 hợp đồng để vay được gói 30 nghìn tỷ. Ví dụ: một căn hộ có vị trí tại trung tâm quận Hà Đông (Hà Nội), diện tích 61m², một phòng khách, hai phòng ngủ, hai nhà vệ sinh, có hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và khách hàng là 590 triệu đồng, chỉ bằng giá hơn 1/3 giá của những căn hộ trong khu vực. Tuy nhiên, thực tế, 590 triệu đồng chỉ là giá trên giấy, còn người mua phải trả số tiền lên tới gấp 2 lần.

Theo đó, chủ đầu tư đã tách 1,2 tỷ đồng thành 2 hợp đồng. Một hợp đồng mua nhà ký trực tiếp với chủ đầu tư có giá 590 triệu đồng, một hợp đồng ký với sàn giao dịch có giá 610 triệu đồng. Với cách làm này, người mua nhà ung dung mang hợp đồng có giá trị dưới 1 tỷ của mình để vay vốn gói tín dụng 30 nghìn tỷ. Còn chủ đầu tư vừa được vay vốn từ gói tín dụng này, vừa bán được nhà, lợi cả đôi.

Điều đáng nói là không phải chỉ chủ đầu tư và người mua nhà “đồng lõa” với nhau, mà ngay cả phía người cho vay là ngân hàng cũng ủng hộ cách làm này và chấp nhận giải ngân vốn. Câu chuyện này làm dấy lên nghi ngại liệu có bao nhiêu phần trong gói tín dụng ưu đãi này đến được đúng tay người nghèo thực sự? Và số tiền cho vay sai phạm lên đến hàng chục, hay hàng trăm tỷ đồng?

Trục lợi gói 30 nghìn tỷ có thể bị truy cứu hình sự

Trước khi gói tín dụng 30 nghìn tỷ có hiệu lực vào ngày 1/6/2013, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 07/2013/TT-BXD ngày 25/5/2013 hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/2013/NQ-CP của Chính phủ. Thông tư này điều chỉnh các nội dung có liên quan đến việc xác định các đối tượng được vay vốn để thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội; vay vốn để thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m², giá bán dưới 15 triệu đồng/m² và vay vốn để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 02/NQ- CP.

Bên cạnh những quy định về đối tượng được vay vốn mua nhà, điều kiện được vay vốn để thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội, để ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi, Thông tư 07 quy định hình thức xử phạt các tổ chức, cá nhân có hành vi gian dối về đối tượng, điều kiện được vay hỗ trợ nhà ở để thuê, thuê mua, mua nhà ở theo quy định. Theo đó, ngoài việc bị xử phạt theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý và phát triển nhà ở, còn bị buộc phải trả lại số tiền đã vay, chấm dứt hợp đồng vay đã ký với các tổ chức tín dụng. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định liên quan đến xác nhận đối tượng đủ điều kiện được vay để hỗ trợ nhà ở theo quy định trong Thông tư này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Người có hành vi vi phạm nếu gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường.

Như vậy, nếu chiếu theo các quy định tại thông tư hướng dẫn này, những cách trục lợi từ gói 30 nghìn tỷ đã rõ ràng sai phạm. Song, sai phạm đến mức độ nào và sẽ bị xử lý ra sao vẫn còn là câu hỏi. Trao đổi với Báo CAND về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - VNBA) cho rằng ở đây có 3 cái sai: chủ đầu tư sai khi cố tình “lách” để trục lợi; ngân hàng sai trong quá trình thẩm định đánh giá, xem xét thủ tục; người vay sai khi “đồng lõa” để được vay vốn.

“Trong 3 chủ thể này, người vay là ít tội nhất, nhưng về trách nhiệm thì ngược lại: ông sai chính chịu nhẹ, ông sai nhiều chịu nặng, và người mua nhà sẽ chịu cảnh trăm dâu đổ đầu tằm. Về phía ngân hàng, theo tôi họ không trục lợi gì, vì họ cũng chẳng mấy lợi lộc từ gói tín dụng này: lợi nhuận hầu như không đáng kể, trong khi áp lực thì lớn, mà cũng chẳng mang lại thêm được uy tín gì trong mắt khách hàng hay đối tác.

“Tội” lớn nhất là chủ dự án trục lợi: vừa trực tiếp vay được vốn, vừa gián tiếp bán được hàng. Còn với khách hàng, ở đây lại có 2 trường hợp.

Thứ nhất là không đủ điều kiện mà vẫn cố tình làm sai để vay vốn giá rẻ. Trường hợp này không được bảo vệ và cần hủy ngay hợp đồng mua nhà, thu hồi lại vốn. Trong trường hợp người mua đã nhận nhà ở rồi nên cân nhắc và có mức xử phạt hợp tình hợp lý: thu hồi vốn và nâng lãi suất khoản vay thành vay thương mại.

Trường hợp thứ 2 là người thu nhập thấp, đủ điều kiện về thu nhập để vay gói 30 nghìn tỷ, nhưng bị lừa, bị dụ dỗ, tiếp tay cho sai phạm. Với những người này, nếu phạt bằng cách áp lãi suất thương mại lên mười mấy % thì sẽ dẫn họ vào chỗ không thể trả nợ. Thu hồi vốn cũng không thể và khoản nợ này sẽ biến thành nợ xấu. Vì thế, trong trường hợp này, Nhà nước cần xem xét, nếu đủ điều kiện vẫn cho vay ưu đãi”, ông Đức góp ý.

Riêng với quy định xử phạt hình sự, theo ông Đức, có thể quy vào hành vi cố ý làm trái, vi phạm quy định cho vay gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng chỉ áp dụng cho ngân hàng và các chủ đầu tư, vì số tiền vi phạm lớn, còn với người đi vay, số tiền nhỏ nên chưa đến mức bị xử lý. Từ phía Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng cho biết cơ quan này đang chỉ đạo kiểm tra rà soát các sai phạm mà báo chí nêu. “Nhưng theo chúng tôi nắm tình hình, sai phạm không như các báo nêu. Tuy nhiên, còn phải đợi kết quản kiểm tra, nếu sai thì thu hồi nợ trước hạn. Còn ngân hàng không có quyền và trách nhiệm thu hồi nhà”, ông Đông thông tin.

Lệ Thúy
.
.
.