Việc cấp sổ đỏ “tắc” vì thủ tục phức tạp

Thứ Ba, 13/04/2010, 11:41
Hàng trăm trường hợp đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất ở về quận, huyện, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đã thẩm tra, trình UBND quận nhưng chưa ký ban hành. Nay theo quy định mới, số hồ sơ này có nộp về Văn phòng cấp tỉnh, thành phố hay trả lại cho chủ đầu tư để họ đi làm thủ tục từ đầu?

Cải cách hành chính, vẫn thêm thủ tục!

Hàng ngàn hộ dân mua nhà, đất ở trong các khu đô thị  La Khê, Văn  Quán, Văn Phú… lo lắng khi cả núi hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất ở (sổ đỏ) cho bên nhận chuyển nhượng nhiều tháng qua không suy chuyển. Các chủ đầu tư khu đô thị hết sức bức xúc bởi thủ tục mới rườm rà khiến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp quận, huyện cũng lúng túng, còn người dân thì chỉ còn biết chờ đợi…

Chị Chiên, một hộ dân mua căn hộ trong khu đô thị Văn Phú lo lắng nói: Tôi nộp hồ sơ qua Ban quản lý khu đô thị đã lâu, nhưng nay có thông tin Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận Hà Đông không cấp giấy chứng nhận vì theo quy định mới, hồ sơ tiếp nhận tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (cấp tỉnh, thành phố) thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Hàng ngàn hộ dân trong các khu đô thị tại quận Hà Đông vẫn chưa nhận được sổ đỏ.

Khi hỏi lại, ông Đinh Công Đạt - Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hà Đông cho biết: Trước đây, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp quận, huyện có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ nhà, đất ở trong các khu đô thị để cấp giấy chứng nhận, sau đó giao lại trực tiếp cho người dân. Nhưng kể từ khi Nghị định 88/2009/NĐ-CP có hiệu lực, thực hiện Quyết định 117/2009/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, thì việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ để cấp các loại giấy tờ trên lại do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện.

Theo quy định mới, nhà ở, đất ở mà người dân mua trong các khu đô thị được chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, thành tiếp nhận. Sau khi kiểm tra giấy tờ pháp lý, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, thành phố lại gửi hồ sơ về Văn phòng cấp quận, huyện để làm thủ tục trình UBND quận ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở. Hoàn tất khâu này xong phải chuyển giấy chứng nhận đó ra Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, thành để giao lại cho chủ đầu tư khu đô thị rồi cuối cùng mới tới tay người dân.

Vì hàng trăm khu đô thị trên toàn thành phố với hàng triệu căn hộ, biệt thự, nhà liền kề (chưa kể nhu cầu cấp sổ đỏ trong các khu dân cư cũ) đều tập trung về mối này, nên việc triển khai chậm là điều khó tránh khỏi.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Ghi nhận từ thực tế cho thấy nếu cứ làm theo cách này thì nhiều năm nữa chưa chắc đã hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận nhà, đất ở cho người dân trong các khu đô thị chứ chưa nói toàn bộ các khu dân cư.

Theo ông Đinh Công Đạt, kể từ khi thực hiện quy định mới theo hai văn bản kể trên, địa bàn Hà Đông chưa cấp thêm giấy chứng nhận cho trường hợp nào. Tại đô thị Văn Quán, trước đây đã cấp cho khoảng 3.000 trường hợp. Sau khi thực hiện quy định mới chưa có thêm trường hợp nào được cấp giấy chứng nhận. Riêng tại đây còn hàng ngàn căn hộ tiếp tục chờ đợi chưa biết đến khi nào mới xong. Khu đô thị La Khê cũng tương tự, tổng số hơn 30 ngàn trường hợp chủ đầu tư đang cần bàn giao giấy tờ cho dân, vậy mà trước tới nay mới giải quyết được khoảng 1.000 trường hợp.

Trên toàn địa bàn quận Hà Đông có gần 15 khu đô thị, trong đó có năm khu đang phải bàn giao giấy tờ cho người dân như Văn Quán, Mỗ Lao, Văn Phú… với hàng trăm ngàn trường hợp. Vướng mắc nhất là hàng trăm trường hợp người dân đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất ở về quận, huyện, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đã thẩm tra, trình UBND quận nhưng chưa ký ban hành. Bây giờ theo quy định mới, số hồ sơ này có nộp về Văn phòng cấp tỉnh, thành phố hay trả lại cho chủ đầu tư để họ đi làm thủ tục từ đầu. Vì nếu cấp giấy chứng nhận thì đúng thẩm quyền nhưng không đúng thủ tục nơi tiếp nhận như hướng dẫn hiện hành!

Ngoài những vướng mắc trên, thực tế Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp quận, huyện tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cả nhà và đất ở. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không có vấn đề gì, nhưng đối với nhà ở, Văn phòng cấp quận không có khả năng để thẩm định tiêu chuẩn nhà (không có cán bộ chuyên môn cũng như khả năng chuyên môn), nên trước khi cấp giấy phải gửi phiếu đi xin ý kiến các cơ quan quản lý của địa phương vừa mất nhiều thời gian, vừa phụ thuộc vào cơ quan được xin ý kiến. Vì thế, nếu quy định Văn phòng cấp quận, huyện có chức năng thẩm định nhà, công trình kiến trúc và tài sản trên đất để cấp giấy chứng nhận, thì Văn phòng sẽ được phép tuyển người vào bộ máy mới đảm bảo giải quyết thủ tục nhanh gọn.

Về thời gian, quy định hạn 55 ngày kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ đến khi giao giấy chứng nhận cho người được cấp. Nhưng vấn đề còn chưa rõ, là thời hạn 55 ngày đó áp dụng cho một trường hợp đơn lẻ xin cấp giấy chứng nhận, hay cho một lần nộp hồ sơ của cả hàng trăm, thậm chí hàng ngàn các hộ dân trong khu đô thị?

Thực tế nếu một lần chủ đầu tư khu đô thị nộp hồ sơ cho cả ngàn trường hợp, thì e rằng trong 55 ngày đó cơ quan thẩm định, cấp giấy chứng nhận không đủ thời gian hoàn tất khối lượng giấy tờ nhà đất đó để trả đúng hạn. Đấy là chưa kể sai lệch bản đồ, hệ thống bản đồ không đồng nhất khiến cơ quan chức năng không xác nhận vào giấy làm cơ sở đi xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở

Khánh Chi
.
.
.