Vẫn chưa ngã ngũ về nhà siêu mỏng, siêu méo

Thứ Năm, 16/06/2011, 09:20
Đến thời điểm này, dường như vẫn chưa có tín hiệu gì từ phía TP Hà Nội cho thấy, đã có hướng xử lý với những kiến trúc làm xấu cảnh quan TP. Dư luận, ngay cả chủ nhân của các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo đều nóng lòng muốn biết "số phận" của các ngôi nhà này sẽ ra sao.

Trong thời gian gần đây, UBND TP Hà Nội liên tục có nhiều văn bản, quy định được ban hành liên quan đến vấn đề xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo. Mới đây nhất, Hà Nội đã "chốt" thời hạn các quận, huyện và Sở Xây dựng phải báo cáo kết quả thống kê, rà soát và đưa ra phương án xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo với lãnh đạo TP. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có bất cứ thông tin nào được công bố.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình, quy định xử lý nhà không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng (hay còn gọi là nhà siêu mỏng, siêu méo) được TP ban hành vừa qua đã tính tới tất cả các khía cạnh của vấn đề. Trong đó, bao gồm cả việc xử lý những nhà mỏng méo đang tồn tại cũng như định ra phương hướng ngăn chặn, xử lý tận gốc, không để phát sinh những trường hợp nhà kỳ dị trong tương lai.

Với những nhà siêu mỏng, méo đang tồn tại phát sinh trước ngày 15/3/2005, các quận, huyện phải thống kê, lập phương án xử lý theo hướng thông báo chủ sử dụng đất thỏa thuận thực hiện hợp thửa, hợp khối. Trường hợp không hợp thửa, hợp khối được, UBND quận, huyện, thị xã tổ chức thu hồi theo quy hoạch. Nếu chưa có quy hoạch, quận, huyện lập, phê duyệt quy hoạch và thu hồi theo quy hoạch đó.

Trường hợp thứ 2, với các nhà siêu mỏng, méo từ 15/3/2005 đến nay, nếu thuộc vùng chưa có quy hoạch, quận, huyện, thị xã lập, phê duyệt quy hoạch và thống kê, phân loại, phê duyệt phương án xử lý. Nếu chủ sử dụng đất có giấy tờ hợp pháp, chính quyền thông báo, hướng dẫn thỏa thuận hợp thửa, hợp khối. Đặc biệt, phải tạo điều kiện chuyển nhượng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho các đối tượng này. TP cũng quy định rõ, nếu chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận nhưng đã sử dụng ổn định, không có tranh chấp, chính quyền hướng dẫn chủ sử dụng thỏa thuận hợp khối và làm thủ tục công nhận quyền sử dụng đất sau khi hoàn thành.

Vẫn chưa ngã ngũ “số phận” nhà siêu mỏng. (Ảnh chụp chiều 15/6 trên đường 32, đoạn qua địa phận chợ Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội)

UBND TP ấn định thời hạn để các chủ sử dụng đất thỏa thuận hợp thửa, hợp khối là 30 ngày. Sau thời hạn trên, nếu chủ sử dụng đất không tự hợp thửa, hợp khối được, UBND cấp quận thu hồi hoặc xem xét cho phép chủ sử dụng có nhu cầu được khai thác, sử dụng đất theo quy hoạch để làm dịch vụ công cộng. Việc sử dụng phải được giám sát, nếu không đúng mục đích, UBND cấp quận sẽ thu hồi.

Quy định đã rõ ràng, và quyết tâm của lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã được quyết liệt hơn khi "chốt" thời hạn các quận, huyện và Sở Xây dựng phải báo cáo kết quả thống kê, rà soát và đưa ra phương án xử lý với nhà siêu mỏng, siêu méo với lãnh đạo TP trước ngày 15/6.

Tuy nhiên đến thời điểm này, dường như vẫn chưa có tín hiệu gì từ phía TP cho thấy, đã có hướng xử lý với những kiến trúc làm xấu cảnh quan TP. Dư luận, ngay cả chủ nhân của các ngôi nhà siêu mỏng, méo đều nóng lòng muốn biết "số phận" của các ngôi nhà này sẽ ra sao. Toàn TP Hà Nội hiện có 533 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo, trong đó có 200 trường hợp tồn tại trước Quyết định 26; 186 trường hợp hình thành sau Quyết định 26; còn lại 147 trường hợp chưa xác định được thời điểm hình thành.

Cho đến ngày 15/6, theo khảo sát của PV Báo CAND, hiện trạng những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn giữ nguyên và thậm chí, hầu hết đã được cho thuê để bán hàng. Không có chủ nhà nào thỏa thuận được với "hàng xóm" để hợp khối.

Chị Đỗ Minh Nhâm, số nhà 2 tổ 7 đường chợ Cầu Diễn (huyện Từ Liêm) đang sở hữu căn nhà thuộc dạng siêu mỏng với diện tích 6m2 với chiều dài 2m, rộng hơn 3m. Chị cho biết, cá nhân chị và nhiều chủ hộ khác thuộc dạng siêu mỏng, siêu méo đều đồng tình với TP cần phải xóa loại hình nhà này.

Nhưng như gia đình chị, trước khi mở đường, nhà rộng rãi, thoáng mát và có sổ đỏ. Vì thế, sau khi giải phóng mặt bằng, phần đất còn thừa lại là sở hữu hợp pháp và chị muốn có phương án hợp tình, hợp lý đối với căn nhà này. "Nhà của chúng tôi là nhà hợp pháp, không thể đối xử như các hộ lấn chiếm được. Nếu thỏa đáng, chúng tôi tình nguyện nộp lại nhà cho Nhà nước", chị Nhâm bày tỏ.

Để có thể xóa sổ hoàn toàn nhà siêu mỏng, méo, Hà Nội đã thí điểm chiến dịch xóa 70 nhà siêu mỏng, siêu méo tại địa bàn quận Thanh Xuân. Theo ông Lưu Tất Thắng, Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân, sau khi thực hiện các dự án mở đường như vành đai 3, Lê Văn Lương kéo dài, bờ sông Tô Lịch… quận Thanh Xuân có 70 công trình siêu mỏng, siêu méo (có diện tích nhỏ hơn 15m2, chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m) không đủ điều kiện xây dựng. Quận đã xử lý 39 trường hợp. Đối với 31 trường hợp còn lại, quận Thanh Xuân đề xuất hợp khối công trình, thửa đất hoặc làm ki ốt 20 trường hợp.

Có 9 trường hợp khác ở các phường Nhân Chính, Thanh Xuân Trung, Khương Trung, Hạ Đình, UBND quận Thanh Xuân đề xuất thu hồi để mở rộng ngõ, mở rộng vỉa hè, trạm tuần tra Công an phường và làm bảng tin. Hai trường hợp còn lại, quận Thanh Xuân xin ý kiến chỉ đạo của Thành phố về quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, đề xuất làm bảng tin của quận Thanh Xuân đã vấp phải sự không đồng tình từ phía Sở Quy hoạch - Kiến Trúc.

Như vậy, nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội vẫn còn tồn tại dai dẳng.

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, những mảnh đất rất là nhỏ hình thù tam giác rất đặc biệt, hay những mảnh đất mỏng nếu hợp khối hay biến thành các bảng tin, sẽ để lại kiến trúc rất vô lý cho xã hội. Khi sử dụng sẽ phát sinh nhiều vấn đề không thể chấp nhận được. Ông Hải đề xuất: trong những trường hợp siêu mỏng, siêu méo này, chính quyền nên giải toả rồi giải quyết cho những hộ đằng sau. Kiến trúc khi sử dụng phải có chức năng và yêu cầu về mặt kỹ thuật. Nếu hợp khối mà vẫn công nhận hai chức năng sử dụng độc lập thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề.

Ngọc Yến - Phan Hoạt
.
.
.