Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Giải toả khu nào?

Thứ Hai, 17/10/2011, 20:01
Khu vực khúc cua thuộc phường Thượng Đình và Thịnh Quang (khu vực ngõ Thái Thịnh I và Thái Thịnh II) do chưa có phê duyệt nhà ga chính thức (nhà ga 3 tầng) nên chưa thể thống kê có bao nhiêu hộ dân tại hai khu vực này sẽ phải giải tỏa. Ban đầu, theo phương án nhà ga 2 tầng thì sẽ có khoảng 600 hộ dân bị ảnh hưởng, nhưng nếu phương án nhà ga 3 tầng được thông qua thì sẽ chỉ có 1/3 số hộ phải giải tỏa.

Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông được khởi công xây dựng và dự kiến đưa toàn tuyến vào khai thác năm 2015. Từ chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, tới người dân Thủ đô đều đang kỳ vọng khi tuyến đường sắt này chính thức được đưa vào khai thác sẽ góp phần giải quyết một phần nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội từ phía Tây Nam vào trung tâm thành phố, từng bước giảm ùn tắc, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Vận chuyển tối đa 28.000 hành khách/giờ/hướng

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt nhẹ đi trên cao (cầu cạn) phục vụ vận tải hành khách công cộng với chiều dài 13,05km. Chủ đầu tư dự án là Cục Đường sắt Việt Nam, nhà thầu là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Tuyến bắt đầu xuất phát từ khu vực nút giao Cát Linh - Giảng Võ. Đó là khu vực trung chuyển hành khách đô thị tương lai của Hà Nội, kết nối giữa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông với tuyến đường sắt Nhổn - Hà Nội và tuyến buýt nhanh BRT.

Từ đây, tuyến đường sắt đi dọc theo dải phân cách phố Hào Nam, phố Hoàng Cầu, ngõ Thái Thịnh I tới đường Láng rẽ trái men theo sông Tô Lịch và tiếp tục đi dọc theo dải phân cách đường Nguyễn Trãi về Hà Đông. Điểm cuối của tuyến là bến xe Hà Đông mới cạnh QL6. Toàn tuyến có 12 ga theo thứ tự là: Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai 3 - Thanh Xuân 3 - Bến xe Hà Đông cũ - Hà Đông - La Khê - Văn Khê và ga Bến xe Hà Đông mới. Cự ly bình quân giữa các ga là 1km. Khu Depot đặt tại phường Phú Lương, quận Hà Đông.

Theo thiết kế, đoàn tàu vận hành trên tuyến gồm 4 toa (giai đoạn đầu khai thác), hoặc 6 toa (giai đoạn về sau khi lưu lượng giao thông tăng) với sức chở lượng hành khách tối đa trên mỗi chuyến có thể lên đến trên 1.700 người, số ghế ngồi là 156. Tốc độ tối đa đoàn tàu là 80km/h, tốc độ lữ hành 35km/h. Tàu có thời gian khai thác hằng ngày từ 5h đến 23h (18 tiếng với tần suất tối đa 2 phút/chuyến). Năng lực vận chuyển tối đa 28.000 hành khách/giờ/hướng. Dự kiến, vận hành chạy thử toàn bộ công trình từ tháng 10/2014 đến tháng 6/2015; đến 30/6/2015 đưa vào khai thác, sử dụng chính thức.

Sẽ ảnh hưởng rất ít đến  nhà dân

Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục ĐSVN cho biết: Tính đến nay Dự án xây dựng Depot (Trung tâm Bảo dưỡng và Sửa chữa) và toàn tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành thi công 11 trụ cầu trên hồ Đống Đa và đường Hoàng Cầu; bắt đầu triển khai thi công các trụ cầu trên đường Hào Nam; hoàn thành thi công đường công vụ vào khu Depo; đang triển khai thi công các trụ cầu trên đoạn La Khê - Ba La và xử lý nền đất yếu khu vực Depo trong tháng 10/2011; Tổng thầu EPC đang hoàn thiện thiết kế kỹ thuật cầu vượt sông Nhuệ và cầu vượt nút giao vành đai 3 để triển khai thi công trong quý IV-2011.

Cũng theo ông Doanh, diện tích chiếm dụng đất vĩnh viễn của dự án sẽ là 49,57ha (bao gồm cả hành lang an toàn từ mép công trình ra mỗi bên 3m). Khó khăn lớn nhất trong thi công dự án này là những khúc cua do phải GPMB với kinh phí và diện tích lớn. Đó là các khúc cua ở ga đầu của tuyến là ga Cát Linh. Tiếp đó là khúc cua Đường Láng - Hào Nam; sông Tô lịch và đường Nguyễn Trãi; khúc cua vào Depot.

Tại quận Hà Đông, tính đến nay đã giải tỏa được 95% diện tích (22,3ha trên tổng số 23ha), còn khoảng 30 hộ dân đang hoàn tất các thủ tục để sớm di dời. Riêng khu vực khúc cua thuộc phường Thượng Đình và Thịnh Quang (khu vực ngõ Thái Thịnh I và Thái Thịnh II) do chưa có phê duyệt nhà ga chính thức (nhà ga 3 tầng) nên chưa thể thống kê có bao nhiêu hộ dân tại hai khu vực này sẽ phải giải tỏa. Ban đầu, theo phương án nhà ga 2 tầng thì sẽ có khoảng 600 hộ dân bị ảnh hưởng, nhưng nếu phương án nhà ga 3 tầng được thông qua thì sẽ chỉ có 1/3 số hộ phải giải tỏa.

An toàn, giảm ùn tắc mà vẫn đảm bảo cảnh quan đô thị

Mới đây, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng tiến hành kiểm tra tại hiện trường công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông cho thấy, về thiết kế trắc dọc, hướng tuyến công trình phần lớn đi qua địa bàn các quận nội thành có mật độ dân cư đông. Trắc dọc của toàn bộ công trình được thiết kế theo phương án đi trên cao, chiều cao tĩnh không tính từ mặt đường hiện hữu đến đáy dầm cao từ 7m-9m, ngoại trừ tại khu vực giao cắt với đường vành đai 3 được thiết kế theo phương án đường sắt vượt cầu đường bộ (có chiều cao tĩnh không gần 14m). Thực tế cho thấy dọc hai bên tuyến đường có nhiều nhà thấp tầng, do đó chiều cao kiến trúc của tuyến đường cao gấp khoảng hai lần nhà dân dọc theo tuyến.

Phối cảnh tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thiết kế trắc dọc tuyến như vậy có thể sẽ gây ra bức xúc không gian đô thị trong giai đoạn khai thác, gây ồn và không an toàn. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thanh Sơn, cán bộ Ban quản lý dự án đường sắt (đơn vị đại diện  chủ đầu tư) khẳng định: Toàn tuyến dài 13,05km, đi hoàn toàn trên cao, được thiết kế đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa; áp dụng theo quy phạm thiết kế Metro GB 5017-2003 của Trung Quốc, chịu cấp động đất số 8.

Về vận hành, khai thác, sẽ sử dụng công nghệ thông tin truyền dẫn MSPT, hệ thống tín hiệu, điều khiển đạt chuẩn quốc tế. Việc điều khiển chạy tàu, phòng hộ, khống chế tàu, bán vé, soát vé… hoàn toàn tự động. Ngoài ra, để ngăn tiếng ồn và chống rung cũng là đảm bảo an toàn chạy tàu, đảm bảo cảnh quan, hệ thống đường ray sẽ được hàn liền, hai bên đường ray còn được bao phủ bởi tấm cách âm cao hơn 2m. Kể cả nút giao với vành đai 3, khi đường sắt được thiết kế vượt trên cầu đường bộ, thì cũng không thể ảnh hưởng đến nhà dân.

Thực tế, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là tuyến thứ 2 trong số 8 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội đã được quy hoạch. Dự án có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển GTVT cũng như kinh tế, xã hội của Thủ đô Hà Nội. Đây còn là một dự án đặc thù: Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết hợp với kinh doanh vận tải, cơ chế tài chính chưa có tiền lệ, công nghệ mới lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.

Với những đặc tính ưu việt, đường sắt đô thị có năng lực vận tải khối lượng lớn, an toàn, tiết kiệm năng lượng, diện tích chiếm đất thấp và thân thiện với môi trường được lựa chọn với vai trò là phương thức vận tải công cộng chủ đạo ở các đô thị lớn trên thế giới.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sau khi hoàn thành cũng sẽ đóng vai trò nòng cốt cho giao thông công cộng, cùng với mạng lưới xe buýt nhanh sẽ giải quyết cơ bản vấn đề tắc nghẽn giao thông tại Thủ đô Hà Nội và phấn đấu đạt mục tiêu giao thông công cộng đáp ứng được 35 - 45% nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô.

Chị Vũ Thanh Hà (Thái Thịnh II, Hà Nội): Nếu phải giải tỏa mà bớt được ách tắc, gia đình tôi sẵn sàng

Nếu Nhà nước làm đường sắt mà bớt được ách tắc thì với người dân chúng tôi còn gì bằng. Gia đình tôi ở đây đã nhiều năm, cũng không biết là có thuộc diện phải giải tỏa hay không nhưng nếu phải giải tỏa thì tôi và gia đình tôi cũng sẵn sàng. Tuy nhiên, vấn đề mà chúng tôi quan tâm là nếu giải tỏa thì Nhà nước sẽ sắp xếp nhà tái định cư cho chúng tôi như thế nào, đơn giá đền bù mặt bằng ra sao. Tôi đọc báo, nghe đài nhiều, thấy rất nhiều người kiện cáo, kêu ca vì giá đền bù không thỏa đáng trong khi việc bố trí nhà tái định cư thì chậm trễ.

Ông Tạ Đình Quang, Chủ tịch UBND phường Phú Lương (Hà Đông): Cần có hướng giải quyết hợp tình, hợp lý trong giải tỏa bàn giao mặt bằng

Khi biết một phần dự án sẽ đi qua địa bàn phường, kèm theo đó sẽ phải giải tỏa một số nhà dân cũng như công trình công cộng, nghĩa trang... chúng tôi đã phối hợp với quận, ban quản lý giải phóng mặt bằng để vận động người dân giải quyết những vướng mắc, bàn giao đất để dự án triển khai. Song đến nay còn khu vực nghĩa trang cổ của làng Vân Nội chưa thể giải phóng mặt bằng. Trên thực tế, quy hoạch nghĩa trang mới vẫn chưa có nên khó thuyết phục dân di chuyển mộ. Thiết nghĩ, để dự án có thể triển khai đúng tiến độ, thì các ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, trong việc vận động người dân cũng như đưa ra hướng giải quyết hợp tình, hợp lý trong vấn đề bàn giao mặt bằng.

Thanh Huyền
.
.
.