Thị trường bất động sản năm 2020: Thanh lọc mạnh mẽ các chủ đầu tư yếu kém

Thứ Hai, 20/01/2020, 11:45
Không quá bi quan, nhưng nhiều chuyên gia đã nhận định thị trường bất động sản (BĐS) năm nay sẽ gặp không ít khó khăn.

Giá tăng, lệch pha cung- cầu lớn là những vấn đề đã tồn tại thời gian qua, khiến cho những người có nhu cầu mua nhà ở thực không thể tiếp cận bởi đại đa số những người này đều có thu nhập trung bình và thấp. Những tồn tại này được nhận định sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

 Người mua nhà khó tiếp cận

Thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho thấy thị trường BĐS năm 2019  sụt giảm mạnh mẽ cả về nguồn cung và lượng giao dịch. Cụ thể, tổng lượng nguồn cung căn hộ đạt 107.284 sản phẩm, giảm chỉ bằng 62% so với năm 2018. Lượng giao dịch đạt 72.828 sản phẩm, bằng 65% so với năm 2018.

 Nguyên nhân của việc lượng giao dịch sụt giảm được Hội Môi giới BĐS Việt Nam chỉ ra rằng, từ quý 4- 2019, khi nhận thấy thị trường khan hàng, nhiều chủ đầu tư bắt đầu điều chỉnh tăng giá. Mức giá 25 triệu đồng/m2 chỉ có thể mua được ở những khu vùng ven như quận Hà Đông, Đông Anh, Gia Lâm, còn dịch chuyển gần trung tâm thì thấp nhất cũng từ 30 triệu đồng/m2. “Một số dự án ở trục đường Tố Hữu, trước đây bán 25 triệu đồng/m2, nay đẩy giá lên 27- 30 triệu đồng/m2, tăng đột biến nên người mua khó chấp nhận. Không chỉ bắt đầu tăng giá bán, có những dự án “găm" hàng chờ đẩy giá”, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho hay và thông tin hiện nay, thị trường vẫn đang lệch pha cung- cầu mạnh mẽ.

 Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, rất khó để có thể tìm thấy được một dự án có mức giá dành cho những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. “Ở các đô thị lớn, nhu cầu lớn nhất hiện nay dành cho các dự án nhà bình dân, giá rẻ, tuy nhiên các dự án như thế này hiện ngày càng khan hiếm. Do vậy, số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp ở đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp khó tạo lập nhà ở hơn, giấc mơ có nhà ở ngày càng xa vời”, ông Đính nói.

Cùng nhận định, ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản EZ Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS ngày càng đi xuống. Trong đó, phân khúc suy giảm nhiều nhất là chung cư. “Thời gian qua, nguồn cung căn hộ mới không có nhiều, giá neo cao. Nếu tìm chung cư giá trên dưới 20 triệu đồng/m2 là rất khó. Giá chung cư cao là một trong những lý do khiến lượng giao dịch thấp, các chủ đầu tư lớn gần như không có sản phẩm để bán hoặc có hàng bán thì đều bán với mức giá khá cao”, ông Toản nhận xét.

Dự báo thị trường bất động sản năm 2020 sẽ gặp không ít khó khăn.

Chủ đầu tư yếu kém tự rời bỏ thị trường

Nhận định về thị trường BĐS trong năm nay, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, động thái siết chặt hơn tín dụng vào BĐS chắc chắn sẽ làm giảm lực đầu tư từ các doanh nghiệp BĐS nhỏ và vừa, bởi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.

 “Năm 2020, nguồn cung khan hiếm sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động môi giới BĐS, có thể sẽ có nhiều doanh nghiệp và môi giới BĐS không thể trụ lại với nghề. Sự thanh lọc thị trường sẽ diễn ra rất mạnh, thị trường chỉ còn tồn tại những doanh nghiệp BĐS lớn mạnh, có tiềm năng thực sự”, ông Đính nhận định.

Điểm nghẽn lớn của thị trường là mất cân đối cung- cầu. Theo nhận định của bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, các doanh nghiệp đầu tư BĐS sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Doanh nghiệp muốn tồn tại phải có tầm nhìn dài hạn và phải đầu tư thêm nguồn lực. Chính vì thế những doanh nghiệp yếu kém, chủ yếu là vốn vay ngân hàng sẽ khó có thể đứng vững. 

“Trong năm tới thị trường sẽ có sự sàng lọc mạnh. Theo đó, “sân chơi” bất động sản sẽ chứng kiến cuộc đào thải mạnh mẽ những chủ đầu tư yếu kém, chỉ những chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, có thương hiệu và có chiến lược phát triển bền vững dài hạn “trụ” lại và kiến tạo các giá trị mới của thị trường”, bà Hương nêu quan điểm.

Những “tay chơi nghiệp dư” sẽ không còn đất dụng võ, đó cũng là nhận định của ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam. Việc siết tín dụng vào BĐS chính là vấn đề mấu chốt để những doanh nghiệp yếu kém tự phải rời bỏ thị trường. Ông Nam cho rằng, thị trường giảm, nhưng giảm ở mức có thể yên tâm là không thiếu hàng. “Cái giảm ở đây theo tôi là để lập lại trật tự. Thị trường sẽ điều chỉnh để số “tay chơi” ít đi. Anh nào yếu, kém năng lực, tên tuổi không tốt, dự án không tốt thì ngân hàng sẽ sàng lọc ít đi. Như thế thì chỉ còn lại những nhà phát triển bất động sản lớn, có uy tín. Các dự án có tính khả thi cao vẫn được phát triển và như thế trên thị trường sẽ chỉ còn những người chuyên nghiệp”, ông Nam nói.


Phan Hoạt
.
.
.