Tái thiết chung cư cũ: Chính quyền chưa quyết liệt, doanh nghiệp hững hờ

Thứ Ba, 04/11/2014, 17:35
Hiện tại, việc tái thiết các chung cư cũ tại Hà Nội đang phụ thuộc quá mức vào các doanh nghiệp. Nhiều dự án tái thiết lập ra chỉ ưu tiên lợi ích kinh tế làm bối rối nhà quản lý: không chấp thuận thì nhiệm vụ không hoàn thành, chấp thuận thì phá vỡ những quy tắc quản lý. Rốt cuộc chỉ người dân là phải lãnh đủ…

Quá sốt ruột sau nhiều lần họp, nhiều lần kiểm tra, lãnh đạo TP Hà Nội vừa có kết luận khẳng định: Dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư nguy hiểm C1 Thành Công được triển khai chậm, không bảo đảm tiến độ. UBND TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư (Tổng công ty Cienco 1) xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai Dự án và đề xuất những nội dung cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Những công việc trên phải hoàn thành trước ngày 15/11.

Như Báo CAND đã thông tin, chung cư C1 Thành Công bị xếp vào diện nhà nguy hiểm cấp độ D, có nguy cơ sập lún bất cứ lúc nào. Năm 2008, UBND TP Hà Nội đã quyết định di dời khẩn hơn 100 hộ dân tại đây đến tạm cư tại nhà N06 Dịch Vọng, Cầu Giấy để tháo dỡ và xây lại. Tuy nhiên, đã 6 năm trôi qua kể từ sau khi bị đập bỏ, “chung cư C1 Thành Công” vẫn chỉ là một bãi đất...

Tháng 12/2013, lãnh đạo UBND TP Hà Nội từng yêu cầu UBND quận Ba Đình chỉ đạo Cienco 1 tổng hợp nguyện vọng của các hộ dân chung cư C1 Thành Công, để hoàn thiện phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp trên 2/3 số hộ dân không thống nhất quan điểm, biện pháp, để tiếp tục thực hiện dự án, lãnh đạo thành phố giao Sở Xây dựng cùng các cơ quan liên quan đối chiếu quy định của pháp luật đề xuất biện pháp xử lý (kể cả việc thu hồi nhiệm vụ chủ đầu tư).

Những chung cư cũ xuống cấp đang làm nhôm nhoam bộ mặt Thủ đô, trong khi đó các dự án tái thiết thì vẫn ì ạch.

Phát biểu tại Hội thảo tái thiết chung cư cũ, ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, đến nay cả nước còn gần 1.690 chung cư cũ, tập trung nhiều nhất tại hai đô thị trung tâm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong đó Hà Nội có 1.155 nhà chung cư cao 4-6 tầng và 10 khu thấp từ 1-3 tầng.

Trong số này có 980 chung cư được xây dựng trước năm 1990 với tới 1,7 triệu m2 cần được cải tạo xây dựng lại. Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP, ngày 3/7/2007 của Chính phủ đã đề ra đến năm 2015, các đô thị phải cải tạo hết các chung cư cũ trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay trong 1.155 khu chung cư cũ, TP Hà Nội mới chỉ xây dựng, cải tạo được 14 chung cư cũ...

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, các dự án xây dựng, cải tạo chung cư cũ còn thiếu lòng tin và đồng thuận giữa nhà nước - người dân - chủ đầu tư... Nhiều chuyên gia đã cho rằng, việc tái thiết chung cư cũ không thể chỉ làm riêng lẻ với từng tòa nhà, mà phải có cái nhìn tổng thể, liên quan đến việc tái thiết chung của toàn khu vực.

“Hiện tại, chỉ những chung cư thuộc diện nguy hiểm nhưng ở vị trí đất vàng thuận lợi kinh doanh mới được doanh nghiệp bất động sản đầu tư phá dỡ xây dựng lại” - TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị nhận xét. Đây cũng chính là sự khẳng định của KTS Trần Công Thanh, Chi hội Kiến trúc sư lão thành, Hội Kiến trúc sư Việt Nam...

Đại diện Bộ Xây dựng cũng nêu thêm lý do khiến tiến độ cải tạo, xây mới chung cư cũ triển khai ì ạch là bởi các chung cư cũ hầu hết nằm ở trung tâm nội thành - nơi hạn chế phát triển dân số vì sợ quá tải hạ tầng kỹ thuật. Điều này dẫn tới hạn chế hệ số sử dụng đất và chiều cao công trình, gây tắc việc quy hoạch các dự án

Chi Linh
.
.
.