"Sốt" giá vật liệu xây dựng vì đâu?

Thứ Hai, 12/04/2010, 11:23
Giá thép, xi măng, cát vàng… một số nguyên vật liệu chủ yếu trong xây dựng đã cùng tăng suốt thời gian qua gây nên những khó khăn cho đời sống xã hội, ảnh hưởng tới tiến độ nhiều công trình đang thi công. Nguyên nhân chính của thực trạng này vẫn được quy cho việc tự ý "làm giá" của các nhà sản xuất.
>> Nhà thầu “tái mặt” vì giá vật liệu tăng cao

Tăng do "đầu cơ", "làm giá”?

Sông Hồng cạn nước khiến lưu thông đường thủy khó khăn, tàu thuyền chở cát từ Việt Trì, Phú Thọ hay bị mắc cạn, thời gian đi lại lâu hơn là nguyên nhân được nhiều chủ cửa hàng vật liệu xây dựng đưa ra lý giải cho việc tăng giá cát vàng. Giá cát vàng đã tăng từ 1,5 đến 2 lần, hiện đang ở mức 700 nghìn đến 750 nghìn một xe 2,5 tấn.

Cũng từ sau Tết Nguyên đán Canh Dần, giá thép lừ lừ tăng từ 3 đến 4 triệu đồng tấn. Hiện giá thép đã tiệm cận 17 triệu đồng/tấn. Đây là điều không bình thường vì ngành Thép ở Việt Nam vẫn được coi là "cung" đang vượt "cầu".

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến bàn các giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh do Bộ Công thương tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Thanh Chủy, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam đưa ra các con số: "Giá trị sản xuất của ngành thép đã tăng trên 30%, thép cán tăng 32%, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng 31%".

Lý giải nguyên nhân tăng giá thép, ông Nguyễn Thanh Chủy cho rằng: "Giá đầu vào của một số nguyên liệu cũng tăng mạnh như quặng sắt, phôi thép. Quặng hiện có giá: 150 USD/tấn, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2009. Giá thép phế bình quân tháng 3 là 430 USD, tăng 60 USD tấn so với tháng 1. Đến tháng 4 giá thép phế tiếp tục tăng lên khoảng 450 USD tấn. Phôi thép tháng 3 bình quân 571 USD/tấn, tăng 80 USD/tấn. Tháng 4 đã ở mức 620 USD/tấn".

Tuy nhiên, ông Chủy cũng khẳng định: Trên thị trường không hề thiếu thép. Hiện tại, công suất cán thép xây dựng trong nước đã lên tới hơn 7 triệu tấn/năm, riêng Tổng Công ty đã đạt gần 4 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu về thép xây dựng của cả nước chỉ ở mức hơn 5 triệu tấn/năm.

Sản xuất vượt trội so với tiêu thụ nhưng giá cả vẫn "sốt", người tiêu dùng vẫn phải dùng thép giá cao là nghịch lý khó có thể chấp nhận. Liệu đây có phải là minh chứng cho hiện tượng "đầu cơ", lũng đoạn giá.

Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng băn khoăn: "Để xảy ra tình trạng này là chuyện rất khó giải thích. Thép chắc chắn không thiếu, vì dự trữ phôi thép trong nước vẫn ở mức cao (khoảng 500.000 tấn) và lượng tồn kho của các nhà sản xuất luôn ở mức an toàn, hợp lý (khoảng 200.000 tấn). Ông Cường cũng nhất trí với quan điểm, "sốt" giá thép là có thể xuất phát từ căn nguyên "đầu cơ" của một số nhà sản xuất, phân phối.

Chỉ kiểm tra khi có biến động giá là chưa đủ

Hiện tượng đầu cơ, làm giá nếu có thật, là do chúng ta đã thiếu một cơ chế phân phối hợp lý, các cơ quan quản lý giá chưa nắm được giá thành sản xuất của các mặt hàng thiết yếu, để các đơn vị này tự tung tự tác, ông Dương Văn Cận - Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) - lên tiếng. Nhà nước chưa kiểm tra, giám sát được các khâu từ sản xuất đến phân phối của các mặt hàng này, vẫn để các nhà sản xuất tùy cơ ứng biến. Trong khi đó, các cơ quan quản lý chỉ vào cuộc kiểm tra khi có biến động trên thị trường như sốt giá, khan hiếm hàng hóa. Đây cũng là sự phản ứng bị động, thiếu quán xuyến của các ngành chức năng, ông Dương Văn Cận phân tích.

Ông Cận cũng đưa ra phương án, nên xây dựng cơ chế phân phối văn minh uyển chuyển hơn, xây dựng đội ngũ các nhà phân phối chuyên nghiệp, kết hợp giữa phân phối và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng… Như thế, người tiêu dùng có thể lựa chọn mua hàng trực tiếp của nhà sản xuất hoặc qua các đại lý trung gian để tránh tình trạng bị làm giá, ép giá do độc quyền phân phối

N.H.S.
.
.
.