Phát triển nhà giá rẻ: Đừng quá chờ đợi ưu đãi từ phía Nhà nước

Thứ Năm, 29/11/2018, 08:06
Phân khúc nhà giá rẻ đang có nhu cầu lớn nhất, nhưng nguồn cung lại rất khan hiếm. Phía doanh nghiệp cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ để phát triển phân khúc này, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho đại đa số người dân đang có thu nhập trung bình.

Trong khi đó phía các chuyên gia cho biết, không nên đặt nặng ưu đãi từ phía Nhà nước, bởi khi đã kinh doanh thì doanh nghiệp phải chấp nhận theo quy luật thị trường.

Nhà giá rẻ: Thiếu nhưng vẫn đìu hiu

Tại Hội thảo “Thị trường căn hộ bình dân: Cầu nhiều - Cung ít, vì sao?” vừa được tổ chức trung tuần tháng 11, TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra những con số cho thấy nguồn cung nhà giá rẻ đang thiếu trầm trọng. Chiếm tới 60-70% tổng nhu cầu thị trường nhưng nguồn cung rất khan hiếm. Năm 2018, cung của phân khúc giá rẻ chỉ chiếm tỷ trọng dưới 20%. Loại căn hộ có diện tích 60m2 và giá bán tầm 700 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 5%.

TS Trần Kim Chung cho rằng, nguồn cầu phân khúc giá rẻ sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do sự phát triển mạnh của các gia đình trẻ; nhu cầu tách hộ của các gia đình lớn và quá trình di dân đô thị hóa. Nguồn cầu tiếp tục tăng trong khi nguồn cung không có những biến chuyển thích đáng sẽ tiếp tục tạo ra sự mất cân đối cung cầu thị trường.

 Nhu cầu lớn như thế nhưng thực tế hiện nay, những căn hộ chung cư thương mại giá rẻ lại đang dần mất giá. “Hiếm nhưng không còn quý”, tại thị trường Hà Nội, một số dự án nhà giá rẻ tại quận Hà Ðông, các huyện Ðông Anh, Quốc Oai có số lượng khách hàng tìm mua ít. Không những thế, không ít hộ dân sau một thời gian về ở cũng tìm cách "tháo chạy" khỏi khu chung cư giá rẻ vì nhiều bất tiện về hạ tầng, chất lượng công trình. Còn với rất nhiều người, dù đang có nhu cầu, nhưng trước những thông tin về chỗ ở chật chội, dịch vụ kém, mất nước, thiếu chỗ để xe… trong các chung cư giá rẻ đã tạo nên tâm lý lo ngại.

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, giá đất và tiền sử dụng đất tại các khu vực gần trung tâm thành phố rất cao, cho nên các chủ đầu tư không có khả năng phát triển nhà ở giá rẻ, bình dân tại những khu vực này, mà phải đi ra xa trung tâm thành phố. Trong khi đó, các khu vực xa trung tâm thường thiếu kết nối giao thông với các khu vực khác, thiếu và yếu về chất lượng hạ tầng xã hội, dịch vụ. Ðây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc người mua có nhu cầu lớn về nhà ở giá rẻ, bình dân, nhưng hấp thụ chưa tương ứng, loại nhà ở này chưa đáp ứng được yêu cầu của đông đảo người mua nhà.

“Khi mua nhà tại một dự án, người dân không chỉ cần một nơi để ở mà đó còn là nơi đáp ứng những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống của họ như các tiện ích, trường học, bệnh viện, hạ tầng giao thông. Hạ tầng giao thông còn hạn chế, quá tải, thường xuyên tắc nghẽn khiến họ không còn hào hứng với phân khúc nhà ở này", ông Ðính phân tích.

Các doanh nghiệp cần tìm các nguồn vốn khác từ thị trường để phát triển nhà giá rẻ.

Doanh nghiệp nên chủ động có các nguồn vốn khác

Đề cập đến việc nhà giá rẻ hiện nay mặc dù nhu cầu rất lớn nhưng người dân không còn quá mặn mà, ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Ðầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho rằng, những dự án xây nhà chung cư giá rẻ ế ẩm là do tiện ích quanh dự án không đồng bộ, hạ tầng giao thông thiếu tính kết nối.

Do đó, ở góc độ doanh nghiệp, ông Sơn nêu quan điểm, các cơ quan chức năng cần có những quy hoạch đồng bộ. Ðáng chú ý, có những hệ số mở trong các chỉ tiêu quy hoạch làm tăng hiệu quả sử dụng đất, cũng như cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ nhằm tạo ra những căn hộ phù hợp với túi tiền người dân đáp ứng nhu cầu chính đáng về nhà ở của một bộ phận người dân có thu nhập thấp.

Trong khi đó, Ông Đinh Quốc Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh bày tỏ, hiện chỉ riêng nhà ở xã hội có nhiều ưu đãi, hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc tiếp cận quỹ đất, hỗ trợ về thuế, hỗ trợ tín dụng cho chủ đầu tư cũng như người mua nhà. Còn với phân khúc nhà thương mại giá rẻ thì đều do chủ đầu tư tự xoay xở.

"Để phát triển hơn nữa phân khúc nhà ở giá rẻ, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách phát triển các dự án hạ tầng giao thông kết nối trung tâm thành phố với vùng xa trung tâm, tạo điều kiện cho các dự án ở các vùng ngoại ô phát triển", ông Thắng kiến nghị

Ở góc độ khác, TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần nghiên cứu, chuẩn hóa, định danh nhà giá rẻ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách thỏa đáng đối với nhà giá rẻ như đối với nhà ở xã hội về đất, thuế, lãi suất, tín dụng, thế chấp.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần lập các quỹ tài chính hỗ trợ phát triển nhà giá rẻ như gói 30.000 tỷ. Và đặc biệt, cần tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà giá rẻ và cần đa dạng hóa diện tích căn hộ phù hợp nhu cầu xã hội.

Trong các giải pháp hỗ trợ, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) thì Nhà nước chỉ nên hỗ trợ bằng việc kết nối các hạ tầng sẵn có. Các giải pháp khác như giải quyết bằng lãi suất ưu đãi cho phân khúc nhà giá rẻ là điều không nên.

“Tôi cho rằng không thể nào có chuyện khi bán nhà lời lãi chủ đầu tư hưởng, nhưng lại yêu cầu Nhà nước ưu đãi. Về nguồn vốn, tôi cho rằng doanh nghiệp đừng trông chờ nhiều vào hỗ trợ của Nhà nước, không nên mong chờ ngân hàng cho vay giá rẻ, bởi ngân hàng khi kinh doanh phải tính lợi ích kinh tế của họ. Các doanh nghiệp nên tự tìm cách để có các nguồn vốn khác từ thị trường vốn để  phát triển dự án”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Ngọc Minh
.
.
.