Nông dân mòn mỏi 'ngóng' đất dịch vụ

Thứ Hai, 25/05/2015, 14:04
Cho đến nay, việc giao đất dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội chỉ đạt hơn 1/4 số hộ phải giao đất. Sự chậm trễ này khiến người người nông dân rất tâm tư, với suy nghĩ “thu hồi đất thì nhanh mà giao đất dịch vụ lại chậm”. Liệu trong năm 2015, những bất cập này có được giải quyết?

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, đến nay, tổng số dự án thu hồi đất nông nghiệp thuộc đối tượng giao đất dịch vụ trên địa bàn là 590 dự án; diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi là 7.518ha; diện tích đất dịch vụ cần là 808,87ha; số hộ thuộc tiêu chuẩn giao đất dịch vụ là 80.398 hộ. Tuy nhiên, kết quả giám sát của HĐND TP cho thấy, tiến độ thực hiện giao đất dịch vụ cho các hộ dân vẫn còn rất chậm, kết quả giao đất đạt rất thấp. Đến nay mới chỉ đạt 17,2% đất dịch vụ; 27,8% trên số hộ phải giao đất dịch vụ.

Theo thống kê, còn tới 669,48ha đất dịch vụ chưa được giao cho các hộ dân, trong đó đáng chú ý là 241,88ha đất dịch vụ đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật nhưng chính quyền quận, huyện “chưa buồn” tổ chức giao đến hộ dân (tập trung ở quận Hà Đông và các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Thạch Thất, Mê Linh…).

HĐND TP cũng “điểm danh” một số đơn vị chưa thực hiện được việc giao đất dịch vụ đến hộ dân như: Thanh Trì, Quốc Oai, Đông Anh, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Mê Linh, Ba Vì. “Tiến bộ” hơn, một số đơn vị đã giao đất dịch vụ nhưng số lượng rất thấp, gồm: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Oai, Hoài Đức, Thạch Thất.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tiến độ thực hiện giao đất dịch vụ cho người dân quá chậm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, có rất nhiều nguyên nhân (cả khách quan và chủ quan), trong quá trình triển khai có nhiều bất cập nên không thể giải quyết nhanh được.

Một khu đất nông nghiệp mới bị thu hồi nhưng người dân chưa được giao đất dịch vụ.

Song theo đoàn giám sát, nguyên nhân chính là công tác chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện giao đất dịch vụ của một số UBND quận, huyện chưa quyết liệt, chưa sâu sát, thiếu đồng bộ, chưa có kế hoạch cụ thể chi tiết. Các địa phương “chưa tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chưa huy động sự vào cuộc, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể…”.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội giải thích thêm, việc vận dụng chính sách giao đất dịch vụ của một số địa phương trước thời điểm sáp nhập còn hạn chế; một số huyện trước đây cam kết, hứa với người dân được hưởng chính sách giao đất dịch vụ nhưng họ lại không thuộc đối tượng này như Mê Linh, Thạch Thất.

Để giảm số liệu các dự án chưa giao đất dịch vụ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kiến nghị TP: Đối với các dự án mà thời điểm quyết định thu hồi đất thuộc đối tượng phải giao đất dịch vụ cho người dân, nhưng đến nay dự án vẫn chưa triển khai giải phóng mặt bằng, đề nghị thành phố loại khỏi danh mục các dự án thực hiện giao đất dịch vụ.

Đồng tình với kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường và một số địa phương, Ban Pháp chế HĐND TP kiến nghị UBND TP Hà Nội thành lập Tổ công tác liên ngành của TP để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các quận, huyện trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tổ chức giao đất đến hộ dân.

Đồng thời, để đảm bảo công bằng và tránh thiệt thòi cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp, Ban Pháp chế HĐND TP cũng đề nghị, trong năm 2015, UBND các quận, huyện hoàn thành giao đất tại thực địa cho các hộ dân đủ điều kiện được giao đất dịch vụ tại các khu đất dịch vụ đã xong hạ tầng hạ kỹ thuật; xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giao đất dịch vụ trên địa bàn, báo cáo Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy để có chỉ đạo chuyên đề về nhiệm vụ này…

Chi Linh
.
.
.