Nhiều người điêu đứng vì sập bẫy đối tượng lừa bán đất dự án

Chủ Nhật, 15/02/2015, 08:38
Được một người quen đưa cho bản vẽ mặt bằng phân lô của dự án 372, Thương (trú tại Hòa Vang, Đà Nẵng) làm nghề môi giới bất động sản, đã nảy sinh ý định bán khống các lô đất, chiếm đoạt tiền gần 20 tỷ đồng.

Tết Ất Mùi 2015 càng cận kề khiến các nạn nhân trót mua đất “vịt trời” tại dự án 372 (tại phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) càng thêm phiền não. Có người mất trắng số tiền đã dành dụm vất vả định mua đất làm nhà, có người lâm vào cảnh nợ nần, phải lẩn trốn chủ nợ do đã vay mượn để mua đất kiểu “lướt sóng” kiếm lời. Tổng số tiền các nạn nhân bị thiệt hại xấp xỉ 20 tỷ đồng, gần như không có khả năng vớt vát bởi những kẻ lừa đảo đã tiêu xài và tẩu tán… 

Để tạo điều kiện cho các gia đình quân nhân Sư đoàn 372 ổn định chỗ ở, các cấp có thẩm quyền TP Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Dự án khu dân cư 372 và giao cho Công ty CP Đầu tư CTK (TP Hồ Chí Minh) xây dựng hạ tầng; đổi lại, công ty này được quyền kinh doanh 34,9% diện tích đất nền.

Khi được một người quen đưa cho bản vẽ mặt bằng phân lô của dự án, Đặng Thị Tuyết Thương (33 tuổi, trú thôn Lệ Sơn 1, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) làm nghề môi giới bất động sản, nảy sinh ý định bán khống các lô đất nhằm chiếm đoạt tiền của khách. Thế là, Thương mang bản vẽ đi photo màu, rồi giao cho một số “cò đất” chào bán đất dự án, trong đó có bà Mai Thị Hà (trú phường An Khê, quận Thanh Khê). Thương nói dối với bà Hà và những người khác rằng mình được một cán bộ lãnh đạo TP giao “bán kín” 144 lô đất tại dự án 372.

Các đối tượng liên quan đến vụ án lừa bán đất “ảo” dự án 372.

Theo lời Thương, những khu đất này nhiễm chất độc dioxin nên “sếp” giao bán giá rẻ, mỗi m2 từ 4-6 triệu đồng, tùy vào vị trí lô đất. Nếu tìm được khách và bán giá cao hơn thì “cò” được hưởng phần chênh lệch.

Biết bà Trần Thị Bảy (cô ruột của bà Hà, trú phường Hòa Khuê, quận Thanh Khê) đang có nhu cầu mua đất, Hà đưa Thương đến gặp. Sau khi xem sơ đồ của Thương, bà Bảy chọn mua lô đất số 15, khu B1.12, với giá 1,15 tỷ đồng. Thương yêu cầu bà Bảy đặt cọc 150 triệu đồng, hẹn sau một tháng có Giấy chứng nhận QSDĐ thì hai bên ra công chứng. Bà Bảy không giao tiền cho Thương mà yêu cầu Hà nhận cọc số tiền trên. Thương “bấm nhỏ” Hà, bán xong lô đất sẽ cho Hà từ 50-100 triệu đồng, nên Hà đồng ý.

Biết vị lãnh đạo thành phố đang công tác ở xa, ngay hôm sau, Thương cùng chồng là Bùi Văn Viện rủ vợ chồng bà Hà đến nhà người này để làm cho bà Hà tin rằng Thương với ông này có mối quan hệ. Khi đến nơi, Thương bảo Viện và chồng bà Hà ngồi uống cà phê ở ngoài chờ, còn Thương dẫn Hà vào bên trong gặp người giúp việc. Khi được thông báo vị lãnh đạo không có ở nhà, Thương nói lớn, cố ý để Hà nghe: “Chú S. ơi, sếp giao cho cháu bán khu đất gia đình quân nhân Sư đoàn 372, mà chị ấy không tin”.

Thấy Thương nói chuyện với ông S. thân mật như người nhà, Hà yên tâm là Thương được vị lãnh đạo giao bán đất thật. Vì thế, Hà bắt đầu môi giới bán đất dự án 372 và nhận tiền cọc của khách hàng, sau đó giao cho Thương.

Để chắc chắn hơn, bà Hà đề nghị được ủy quyền bán 144 lô đất mà Thương đã “vẽ”. Thương nhờ Đặng Công Huy (33 tuổi, trú xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) dùng ôtô đi gặp bà Hà để hỏi mượn CMND và sổ hộ khẩu để “làm thủ tục”. Tiếp đó, Thương tự viết tay “Hợp đồng xác nhận” rồi nhờ chú họ là Đặng Hiếu (37 tuổi, trú Hòa Tiến, Hòa Vang) mang đi đánh máy tính, rồi nhờ Hiếu đi scan mẫu con dấu, chữ ký của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng để in vào hợp đồng giả mạo với nội dung giao cho bà Mai Thị Hà 144 bộ hồ sơ đất của dự án nói trên.

Bằng việc giúp sức Thương làm giả tài liệu, con dấu, Hiếu được trả công 4 triệu đồng. Ngoài Hiếu còn có Đặng Công Huy mặc dù biết rõ Thương giả mạo hồ sơ tài liệu là hành vi gian đối để lừa đảo, nhưng vẫn tham gia. Huy còn đóng vai là cháu của đồng chí nguyên là lãnh đạo một Sở TP Đà Nẵng) là người làm chung dự án, được “sếp” tin tưởng giao “bán đất kín” cùng với Thương. Huy và Thương đưa hồ sơ và hướng dẫn bà Hà lập hợp đồng mua bán đất và nhận tiền cọc của khách.

Sau khi nhận được những giấy tờ giả mạo từ Huy và Thương, bà Hà đã ký hợp đồng mua bán đất và nhận tiền của 32 khách hàng, đồng thời mượn thêm của người thân và giao cho vợ chồng Viện - Thương số tiền cọc gần 10,4 tỷ đồng.

Dù việc “được giao bán kín” 144 lô đất là không có thật, nhưng do bà Hà buộc ra công chứng làm thủ tục sang tên cho khách hàng nên Thương, Viện và Huy tiếp tục có hành vi gian dối. Các đối tượng nhiều lần hẹn bà Hà và khách hàng đến các phòng công chứng trên địa bàn Đà Nẵng, nhưng khi đến lại nại ra nhiều lý do không thể công chứng được.

Với “chiếc bánh vẽ” ăn theo dự án 372, Thương còn vay mượn của bà Nguyễn Thị Mai (trú Hòa Tiến, Hòa Vang) nhiều đợt để “nộp tiền sử dụng đất cho thành phố” với số tiền hơn 5,4 tỷ đồng. Thương khai đây là số tiền “vay nóng” với lãi suất từ 12-30%/tháng và đã trả lãi 1,8 tỷ đồng. Nhưng bà Mai không thừa nhận đã nhận số tiền lãi và khẳng định cho Thương mượn tiền để được mua đất với giá rẻ theo hứa hẹn của Thương.

Tương tự, Thương đã vay mượn của bà Lê Thị Nở số tiền 3,75 tỷ đồng, hiện mới trả được 600 triệu đồng, còn 3,15 tỷ đồng không có khả năng thanh toán… Theo Cơ quan điều tra, Thương còn giả mạo giấy tờ lừa bán 1 căn nhà chiếm đoạt 380 triệu đồng của ông Lê Khả Hải; lừa chuyển mục đích sử dụng đất cho anh Vũ Đình Cư chiếm đoạt 50 triệu đồng; lừa chạy việc vào Kho bạc Nhà nước TP Đà Nẵng chiếm đoạt của chị T. 60 triệu đồng.

Vừa qua, TAND TP Đà Nẵng đã mở phiên tòa xét xử các đối tượng nêu trên về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, nhưng phiên tòa được HĐXX tạm hoãn và trả hồ sơ để điều tra bổ sung để làm rõ một số thông tin, tình tiết khác có liên quan.

Các bị hại rất mong Cơ quan điều tra làm rõ và thu hồi được các tài sản đã bị Đặng Thị Tuyết Thương và đồng bọn chiếm đoạt để giảm bớt tổn thất, giải quyết phần nào bế tắc nợ nần do mắc lừa mua đất tại Dự án 372.

Thân Lai
.
.
.