Nhiều cụm tuyến dân cư vượt lũ tại ĐBSCL: Tiền tỷ... phơi sương thấy mà xót!

Thứ Hai, 05/11/2012, 01:20
Chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ đang diễn ra tình trạng rất xót xa đó là rất nhiều nhà xây thô xong bị bỏ hoang hoặc nhà không có người sử dụng, gây lãng phí ngân sách nhà nước...

Năm nay, ĐBSCL không bị lũ hung hãn uy hiếp như 2011. Lũ không nhiều, chuyện “chạy lũ” của dân miền Tây không còn là chuyện bức thiết. Thế nhưng để đảm bảo an dân, các địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ với tổng kinh phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng và đang chạy nước rút để kết thúc giai đoạn 2 vào cuối năm nay theo đúng kế hoạch của Chính phủ. Không bàn cãi về tính đúng đắn, nhân văn của chương trình này trong những năm qua thế nhưng, đi qua nhiều cụm tuyến dân cư vượt lũ, PV Báo CAND ghi nhận được thực tế đáng ngại đến mức xót xa.

Giữa trưa ngày đầu tháng 11, từ QL54, PV Báo CAND rẽ vào đường tỉnh 908 rồi tiếp tục hỏi thăm, tìm đến xã Tân Hưng, huyện Bình Tân (Vĩnh Long). Đến cầu 17, chúng tôi lại đội nắng, cuốc bộ theo đường nhỏ dọc theo rạch Lung Cái để vào tuyến dân cư vượt lũ thuộc ấp Hưng Lợi. Bước qua chiếc cầu nhỏ, men theo kênh 12, tôi ghé vào căn nhà vắng chủ chẳng cửa nẻo, vách chưa kịp tô hoàn thiện, dưới nền đất có mấy cái bội nhốt gà nằm lật ngửa. Một cụ bà bên nhà 373 thuộc hộ ông Lê Văn Tăng, cho biết: “Nhà này của bà ba Lợi. Tui nghèo, bả còn hơn tui. Bả bỏ nhà này 7-8 năm rồi, nghe nói đi làm mướn ở Sài Gòn”.

Theo lời của nhiều hộ dân, ở khu dân cư vượt lũ này, dường như ai cũng nợ... ngân hàng. Có người còn xoay xở được, trả từ từ nhưng có nhiều hộ, không biết làm tới bao giờ mới đủ tiền để trả. Tôi hỏi sao người dân không chịu vô đây ở cho an toàn, nhất là vào mùa lũ, người dân bộc bạch rằng an toàn thì có nhưng xa quá, lội vô đồng cũng xa, lội tới trung tâm, chợ búa cũng xa. “Cực nhứt là tụi nhỏ. Xong mẫu giáo là phải ra tuốt ngoài trung tâm, mấy cây số” – một người dân cho biết.

Đến tuyến dân cư ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ và cụm dân cư xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình (đều thuộc Vĩnh Long), chúng tôi thấy tình hình cũng tương tự: Nhà lưa thưa. Nhiều nhà bỏ hoang, cỏ dại leo tận nóc; thậm chí có nhà làm là nơi “tạm trú” của gà, vịt. Đi từ đầu cho tới hết tuyến, chỉ thấy vài bóng người. Một cán bộ xã Thạnh Quới cho biết hai cụm, tuyến dân cư của xã là Thạnh Phú và Hòa Thạnh có trên 150 hộ dân đến cất nhà nhưng chỉ mới có hơn 100 hộ vào ở, gần 50 căn nhà xây dựng dở dang, bỏ hoang.

Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long, từ ngân sách nhà nước, tỉnh đã đầu tư 219 tỷ đồng để xây dựng 43 cụm, tuyến dân cư, đủ sức bố trí cho hơn 6.000 hộ dân có nơi ở an toàn. Có điều, nhiều người dân không chịu vào ở, dẫn đến nhà cất xong phần thô phải bỏ hoang, gây lãng phí ngân sách.

Ông Võ Văn Theo – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Tân khi trò chuyện với chúng tôi xác nhận: “Đúng là nhiều khu dân cư vượt lũ xa đường đi, xa trung tâm quá, nằm cheo leo giữa đồng cũng khó cho bà con”. Thực tế này chẳng phải chỉ khó cho bà con, mà còn khó cho cả chính quyền.

Nhà cụm, tuyến dân cư vượt lũ tại Vĩnh Long bị bỏ hoang.

Ông Nguyễn Hoàng Sang – Trưởng ban bồi thường và giải phóng mặt bằng huyện Bình Tân, cho biết toàn huyện có 16 cụm, tuyến dân cư vượt lũ, với 2.653 lô nền. Cạnh số lô nền giao cho người dân, địa phương cũng cho bán 736 lô, chủ yếu là số lô nền trong các cụm, tuyến cạnh đường giao thông thuận lợi; mấy cụm, tuyến nằm tuốt trong đồng thì chẳng mấy người mua… Đến giờ, huyện mới chỉ bán được khoảng 50% lô nền.

Nhiều người dân giải thích, họ không “mặn mà” vào ở tại các cụm, tuyến dân cư, ngoài một số nguyên nhân đã kể trên, có nguyên nhân là bà con chưa thể bỏ được thói quen ở ngay trên đất mình. Có người nói không vào ở là do hạ tầng điện, nước không có; có người nói là không có công ăn việc làm phù hợp hoặc nếu có thì đầu ra sản phẩm rất bất ổn.

Có một thực tế đang gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền địa phương là hiện tình trạng sang bán nền, nhà trong khu dân cư đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng phức tạp.

Tại Hậu Giang, theo báo cáo của UBND huyện Châu Thành, trên các tuyến dân cư vượt lũ phân bổ 374 lô nền thì có đến 41 trường hợp hộ nhận nền nhưng không ở, cho người khác mướn lại hoặc bán lại cho hộ khác. Tại huyện Châu Thành A, Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang phát hiện 43 trường hợp nhận nhà nhưng không vào ở (có 17 hộ không sử dụng, 12 hộ cho người khác thuê lại, 14 hộ bán bằng giấy tay cho người khác) tại các cụm tuyến dân cư: xã Nhơn Nghĩa A, Trường Long Tây và thị trấn Bảy Ngàn…

Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ (giai đoạn 2) đang được tiếp tục triển khai tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi nước lũ vùng ĐBSCL. Theo kế hoạch, chương trình sẽ kết thúc vào cuối năm 2012. Để phát huy hết hiệu quả của chương trình, bên cạnh tìm ra giải pháp sinh kế phù hợp, hiệu quả, giúp người dân tại các cụm, tuyến dân cư an cư, lạc nghiệp, theo chúng tôi, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn công tác quản lý, xét chọn đúng đối tượng để giao nền, nhà; xử lý những trường hợp sang bán, cho thuê trái pháp luật, chấm dứt thực tế “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. Nếu không, hàng ngàn tỷ đồng coi như “đi hoang”.

Đồng Tháp là địa phương được đánh giá thực hiện tốt Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ nhưng vẫn có tình trạng, cụm tuyến dân cư chờ dân. Qua kiểm tra, toàn tỉnh có gần 2.000 nền nhà đã được xét duyệt nhưng người dân chưa vào ở; trong đó có hơn 1.200 trường hợp mua bán, cho thuê, cho mượn…

Thái Bình
.
.
.