Lo ngay ngáy với chung cư cũ “ốm yếu”
>> Buộc phải sống trong sợ hãi
>> Tìm đáp án cho bài toán “Hài hòa lợi ích”
>> Uẩn khúc nhà "nguy hiểm"
Thị sát một số nhà chung cư cũ xuống cấp, trong đó có nhà C8 Giảng Võ, một trong bốn khu nhà được xếp loại cấp D, cấp đặc biệt nguy hiểm (ngày 12/8), Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị Hà Nội phải gia cố ngay những hạng mục không an toàn và di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên, tiếp xúc với Bộ trưởng, nhiều hộ dân nêu mong muốn khu nhà C8 được xây dựng lại và được tái định cư tại chỗ. Cũng có một số hộ dân bày tỏ quan điểm không muốn di dời sang nơi ở khác vì cho rằng khu nhà vẫn còn kiên cố, không bị lún nứt và e ngại nếu chuyển đi, sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập của các thành viên trong gia đình.
Chủ tịch UBDN TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo không đồng ý: “Dân lấy lý do đã gia cố thì không phải chuyển đi. Những khu chung cư cũ trở thành những khu chung cư chống nạng. Bản thân tôi cũng đã từng sống trong nhà lắp ghép nhiều năm nên tôi rất hiểu, một khu nhà đã sử dụng mấy chục năm đến mức nứt toác ra là nguy hiểm, và phải di dời chứ không thể nói vẫn an toàn”. Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết thêm, việc cải tạo chung cư cũ có nhiều vướng mắc khi cân đối lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân. Dự án đảm bảo đồng thuận 80% số hộ dân nên việc giải phóng mặt bằng rất nan giải. Ngoài ra, mục tiêu của thành phố là không tăng dân cư trong nội đô, nên việc cân đối độ cao tầng để đảm bảo vốn đầu tư càng khó khăn hơn.
Chung cư cũ đã xuống cấp là nỗi lo của nhiều người dân Thủ đô. |
Còn báo cáo với lãnh đạo thành phố về tình hình thực hiện của một số dự án (đơn lẻ) đang triển khai, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, Khu nhà C1 Thành Công, quận Ba Đình: hiện đang gặp khó khăn do một số hộ dân không đồng ý với hệ số tái định cư là 1,4 đề nghị được tính hệ số cao như một số dự án khác ở quận Ba Đình (B6 Giảng Võ, D2 Giảng Võ...); đề nghị thiết kế căn hộ có diện tích phải từ 60m2 trở lên và không nên bố trí các căn hộ tái định cư tại các vị trí khác nhau của toà nhà. Các căn hộ có diện tích giống nhau phải được bố trí diện tích tái định cư như nhau…
Về tình hình đầu tư Nhà C8 Giảng Võ, quận Ba Đình: Sở Xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị tập trung cao độ cho việc xử lý khu cầu thang tại đơn nguyên III. Đến ngày 27/7/2013, việc gia cố đã hoàn thành, được nghiệm thu, bàn giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà quản lý. Tại nhà B6 Giảng Võ, quận Ba Đình, hiện nay, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường đang trong quá trình xem xét và thẩm định hồ sơ theo quy định. Đang tiến hành chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu cần thiết theo quy định của pháp luật để sau khi được cơ quan có thẩm quyền đồng ý giao đất, Công ty sẽ tiến hành các thủ tục xin cấp phép xây dựng cho dự án.
Một chung cư đã xuống cấp giữa lòng Thủ đô đang chờ được cải tạo. |
Các khu nhà chung cu cũ thuộc diện được cải tạo, cụ thể, Khu tập thể Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Sông Hồng đang hoàn thiện, đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại đồng bộ trình UBND TP phê duyệt; Khu A3, A6, A7, A8, A9 Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã chấp thuận nguyên tắc đề xuất của Công ty cổ phần Đầu tư Đồng Phát về nhiệm vụ thiết kế quy hoạch; khu Văn Chương, quận Đống Đa, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã báo cáo UBND TP các kiến nghị của chủ đầu tư là chưa phù hợp và đề nghị nghiên cứu quy hoạch chi tiết 1/500 theo đúng quy định; Khu Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 đang hoàn thiện dự án, đề xuất các cơ chế chính sách để tổ chức triển khai thực hiện...
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, mặc dù Hà Nội đã lựa chọn được 165 công trình nguy cơ chất lượng kém và xây dựng lại được 14 chung cư cũ, nhưng kết quả còn rất thấp so với mong muốn và chưa đạt yêu cầu theo nghị quyết 34. Đó cũng là suy nghĩ của lãnh đạo TP Hà Nội. “Sốt ruột” trước tiến độ “rùa” trong việc cải tạo các chung cư cũ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn giao Sở Quy hoạch Kiến trúc rà soát lại toàn bộ các dự án, kết quả đã làm của các nhà đầu tư trong việc điều tra xã hội học, chậm nhất là 15/9 phải hoàn thành, tổng hợp báo cáo UBND TP hiện trạng công việc của từng khu, từng nhà đầu tư và chọn ra các khu chung cư cần phải tập trung giải quyết ngay. Hơn nữa, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các sở, ngành, địa phương “phải coi đây là một công việc mang tính cấp bách, quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, an toàn của nhiều hộ dân”. Vì các sở, ngành, đơn vị phải “cùng vào cuộc để cùng bàn bạc, cùng triển khai và cùng phát huy tinh thần trách nhiệm để tháo gỡ khó khăn, sớm triển khai cải tạo các chung cư cũ trên địa bàn thành phố”