Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh gỡ khó cho doanh nghiệp địa ốc

Thứ Sáu, 12/04/2019, 08:53
Quý I/2019, số lượng dự án nhà ở được Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh phê duyệt đã giảm đến 63%; lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp của các doanh nghiệp xây dựng hoạt động trên địa bàn cũng bị sụt giảm từ 30-50% (do các chủ đầu tư BĐS thiếu nguồn dự án mới); nguồn thu từ đất cho ngân sách thành phố năm ngoái đã giảm 22,5% và tháng đầu năm nay tiếp tục giảm đến 76%...

Để gỡ khó cho thị trường, ngày 10-4, UBND thành phố đã tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) trên địa bàn.

Tại buổi gặp gỡ, cộng đồng DN BĐS tại thành phố đã hoan nghênh các cơ quan có thẩm quyền của thành phố và Trung ương trong việc khẩn trương rà soát 150 dự án BĐS có liên quan đất đất công và sai sót trong việc tính tiền sử dụng đất trên địa bàn để cho phép 124 dự án tiếp tục triển khai, đại diện giới kinh doanh BĐS đã nêu ra 12 vấn đề khó khăn, vướng mắc lớn nhất DN đang gặp phải. Cho rằng chưa bao giờ DN BĐS gặp khó khăn như thời gian gần đây, các đại diện cộng đồng DN BĐS cũng nêu 24 kiến nghị với thành phố và cơ quan Trung ương.

Kiến nghị với lãnh đạo thành phố, đại diện Công ty CP Địa ốc và Xây dựng S.S.G 2 cho biết, đã hơn 6 năm qua, DN không thể tự thương lượng được với 3 hộ dân đang có khoảng 230 m² đất trong lộ giới xây cầu dẫn đi bộ trên cao để kết nối từ ga metro Thảo Điền, quận 2 với dự án chung cư Thảo Điền Pearl và khu vực lân cận. 

Dự án phát triển nhà ở tại TP Hồ Chí Minh bị buộc phải dừng lại để kiểm tra, rà soát lại quá trình giao đất.

Dù đã được UBND thành phố gỡ vướng vào tháng 2 vừa qua, nhưng DN này cho rằng Bộ GGTVT cần phải quy hoạch các tuyến đường đi bộ trên cao kết nối với ga metro để phát huy hiệu quả khai thác và tăng tiện ích phục vụ người dân. Đồng thời UBND thành phố tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho Công ty S.S.G 2 được tự bỏ vốn để đầu tư xây dựng dự án đường đi bộ trên cao này.

Là các DN đang lập dự án chung cư cao tầng tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức với tổng diện tích dự án là 28.980m² và là chủ đầu tư dự án khu dân cư Trường Thọ, quận Thủ Đức với diện tích 51.106,2m², cả Công ty Hưng Thịnh và Công ty Thiên Phúc Lợi đã phải đề nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương cho 2 DN này được nghiên cứu, lập dự án đầu tư, xây dựng đường Vành đai 2, đoạn từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, bằng nguồn vốn của doanh nghiệp để phục vụ người dân trong dự án.

Công ty Khải Thịnh - chủ đầu tư dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy (phường Phú Thuận, quận 7 có diện tích lên đến 77.354,8m²) cho biết chỉ vì vướng 1.758,5m² đất công nằm phân tán trong 5 thửa đất xen cài trong dự án, suốt thời gian qua DN chưa được cấp sổ đỏ và không biết còn phải chờ đến khi nào mới được giải quyết.

Tương tự, dự án chung cư An Bình (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) được Công ty CP Địa ốc Sài Gòn hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 10-2012, song do vướng mắc về pháp lý, nên đến ngày 10-5-2018, UBND thành phố mới có quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất của dự án. Dù vậy, đến nay dự án vẫn chưa được tính tiền sử dụng đất để DN thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà.

Ông Phùng Chu Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Phú Long cho biết, Phú Long trúng đấu giá 14 khu đất thuộc dự án khu đô thị mới Dragon City có diện tích 44,49ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè thông qua đấu giá công khai từ năm 2004 và DN đã đầu tư xây dựng thành khu đô thị hiện đại.

Tuy nhiên, đến nay tại phân khu số 15 của dự án vẫn còn tồn tại 1 căn nhà và đất của một số hộ dân. Họ không chịu di dời mà còn xây dựng, mở rộng nhà trái phép, chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường và có nhiều hành vi cản trở không cho DN thi công công trình của dự án khiến DN thiệt hại nặng nề. 

Dù vậy, địa phương chưa hỗ trợ giải quyết triệt để nhằm bàn giao mặt bằng trốn cho DN trúng đấu giá đất. Ngoài ra, sau khi được UBND thành phố giao làm chủ đầu tư dự án ngầm hóa đường điện cao thế 220kV đoạn từ cầu Rạch Đĩa đến trạm Nhà Bè bằng nguồn vốn của DN, Công ty CP Địa ốc Phú Long đã chuyển ngay 160 tỷ đồng cho Trung tâm phát triển quỹ đất để đền bù cho người dân. Tuy vậy, gần 10 năm nay việc đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa được hoàn tất để giao đất cho DN thực hiện dự án ngầm hóa đường điện.

Trước các ý kiến của doanh nghiệp BĐS, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, thành phố chia sẻ khó khăn với DN cũng như áp lực về lãi suất vay ngân hàng, áp lực khách hàng, đối tác, trong đó có đối tác nước ngoài của chủ đầu tư khi các dự án bị ngưng trệ do thanh tra, kiểm tra. Thời gian tới, thành phố sẽ kiên quyết điều chuyển những cán bộ quận huyện thiếu trách nhiệm, sợ và đùn đẩy trách nhiệm. 

“Trong tổng số 124 dự án chậm tiến độ, những dự án nào đang thanh tra có kết luận sai phạm hoặc đang được cơ quan Công an thụ lý thì phải dừng lại. Còn với những dự án nào không thuộc các trường hợp trên, UBND thành phố sẽ làm việc với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn để DN tiếp tục khởi động, triển khai dự án”, ông Tuyến khẳng định và cho biết thêm, UBND thành phố đang xin Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm rút ngắn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án từ 360 ngày xuống còn 240 ngày.

Phát biểu với tư cách cơ quan quản lý chuyên ngành, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT chia sẻ, từ cuối năm 2018, UBND thành phố đã kiến nghị Thủ tướng, Bộ TN&MT về 6 vấn đề, trong đó có vấn đề xử lý đất công nhỏ đan xen trong dự án và quy trình rút ngắn thời gian duyệt giá đất.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, hiện 75% dự án BĐS tại thành phố khi đầu tư phải làm hạ tầng, chuyển mục đích sử dụng đất, lập quy hoạch 1/500, công nhận chủ đầu tư… Thủ tục lòng vòng, không rõ trình tự trước sau nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, khiến một số dự án khó có cơ hội triển khai. Đến năm 2020, thành phố đề ra chỉ tiêu xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội từ 39 dự án nên nhiều doanh nghiệp có cơ hội để tham gia. Dù vậy, lãnh đạo Sở Xây dựng nhìn nhận thủ tục và chính sách hiện chưa hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp.

Dự và chủ trì hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện thành phố có 38% nhà kiên cố, số còn lại là bán kiên cố và nhà tạm, trong khi dân số tăng khá nhanh hàng năm nên nhu cầu nhà ở tại thành phố là rất lớn. Đây là thị trường lớn để doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đầu tư.
Để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, Bí thư Thành uỷ giao UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan công khai quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ để doanh nghiệp BĐS theo dõi.
“Trong giải quyết hồ sơ dự án, tuyệt đối không để tình trạng người đứng đầu trả lời: Không biết làm thế nào, chuyên viên không trình lên cấp trên do chưa biết phải làm sao”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói.
Đ.Thắng
.
.
.