“Đảo ngọc” Phú Quốc, ngày “nóng” đã qua?

Hành trình làm "cò đất": Tôi đi... “lướt sóng” (kỳ 2)

Thứ Sáu, 11/05/2018, 08:25
Sau hành trình đi làm “cò đất”, chúng tôi vào vai “nhà đầu tư” rong ruổi trên hòn đảo có diện tích tương đương quốc đảo Singapore đi tìm mua đất để bán lại - cách mà giới kinh doanh đất đai tại Phú Quốc gọi là “lướt sóng”.

Không tự lần theo số điện thoại được dán đầy các trụ điện, gốc cây ven đường, hàng rào, bờ tường, khu vực công cộng, bến tàu khách từ đất liền ra đảo,… chúng tôi chủ động tìm đến các điểm giao dịch của nhiều doanh nghiệp bất động sản đang san sát như “nấm sau mưa” tại Phú Quốc. Chúng tôi được “săn đón” khá nhiệt tình…

Chúng tôi ghé vào Công ty Bất động sản G.L trên đường Lý Thường Kiệt, thị trấn Dương Đông để tìm hiểu mua đất. Hình ảnh mà chúng tôi bắt gặp tại đây là nhiều nhân viên đang điện thoại giới thiệu cho khách về các dự án mà công ty đứng ra bán. 

Một nữ nhân viên khá xinh nhanh nhẹn hỏi nhu cầu của chúng tôi về đất: “Các anh định mua đất dự án nào vậy anh”, giọng cô nhân viên ngọt ngào. Nghe tôi nói đang muốn mua đất nền, để xây cất làm văn phòng chi nhánh công ty nhưng do mới ở đất liền mới ra chưa biết mua chỗ nào, nhân viên này giới thiệu cho tôi ngay dự án O.L ở xã Cửa Dương. 

“Nếu anh thấy ưng ý chỗ dự án này, anh cứ đặt cọc 50 triệu giữ chỗ đi, bên em sẽ hẹn anh ngày mở bán để tới bốc thăm. Sau khi bốc thăm, nếu anh mua thì đóng thêm tiền, còn nếu không mua thì bên công ty em sẽ trả lại tiền cọc”, cô nhân viên nhiệt tình giới thiệu. 

Thấy tôi có vẻ chần chừ và nói “để tìm hiểu thêm rồi trả lời sau”, nữ nhân viên này nói: “Dự án này rất đẹp, đang có nhiều người đặt cọc đó. Nếu anh không đặt cọc sớm sẽ hết”.

Dành cả buổi sáng để rong ruổi một vòng khu vực lân cận thị trấn Dương Đông, gần như chỗ nào, chúng tôi cũng gặp người đi xem đất. Và chúng tôi có cảm giác hoạt động chính ở đảo mấy ngày qua chỉ toàn chuyện mua bán đất. 

Để đáp ứng nhu cầu này, một số doanh nghiệp môi giới tổ chức cho nhân viên treo bảng dự án, đặt bàn giao dịch ven nhiều tuyến đường để chào mời bán đất.

Năm công đất (5.000m²) trên đường Đồng Tranh, xã Hàm Ninh, giá bán 4,6 tỷ đồng/công.

Dọc đường tuyến tránh thị trấn Dương Đông, hai bên đường có rất nhiều “phòng giao dịch lưu động”, mỗi điểm từ 2 - 3 người ngồi dưới chiếc ôtô cùng chiếc bàn nhựa và bảng trưng phía trước rao bán đất nền dự án. 

Chúng tôi ghé vào một điểm để hỏi mua đất nền, liền được hai nhân viên nhanh chóng đưa cho xem bản vẽ sơ đồ bán nền dự án dân cư của Công ty Bất động sản H.T House. 

Chúng tôi hỏi giấy tờ đất, nữ nhân viên nói đã có sổ từng nền nhưng đang để ở công ty. Nếu khách đồng ý mua thì đến công ty xem giấy và làm thủ tục sang tên đợi ngày lấy sổ. Theo đề nghị của chúng tôi, nữ nhân viên này chỉ tay về phía một khu đất trống cách chỉ khoảng 200m. 

Chúng tôi nói cũng vừa ghé qua đấy và thấy chưa có đường đi vào thì nam nhân viên cho biết chủ đầu tư đang chuẩn bị làm đường. “Thì mấy ông anh cứ chấm chọn mua nền trên giấy theo sơ đồ này. 

Còn có 5 nền cuối cùng và bọn em ưu tiên cho các anh đó”, nam nhân viên này nói và nói thêm: “Hạ tầng rồi sẽ xong trong nay mai, các anh không phải bận tâm về chuyện này”.

Ven theo các đường chính của đảo Phú Quốc, từ thị trấn An Thới lên xã Hàm Ninh, Dương Tơ, Cửa Dương, Cửa Cạn đến Gành Dầu, xuất hiện hàng nghìn áp phích ghi nội dung bán đất nền, "đất công". 

Ghé vào một “phòng giao dịch di động” khác cũng trên tuyến đường này, chúng tôi được nhân viên một công ty bất động sản dẫn đi xem dự án. Quả thật tôi không thể hình dung được khi nhìn sơ đồ bản vẽ thì rất đẹp nhưng đến nơi thì chuyện khác. 

Hạ  tầng chưa có gì, đường vào là đường đất rất khó đi, loay hoay tìm mãi vẫn không thấy treo bảng tên sơ đồ dự án. Dẫu vậy, cũng như chúng tôi, một số người cũng đang đứng trên mảnh đất với xung quanh cây cối, cỏ dại um tùm. 

Người của công ty môi giới xác định ranh từ cây này qua cây kia rồi thao thao lý lẽ: “Mấy ông anh nên chọn mấy vị trí này thì… lướt sóng mới có sống, chứ vào chổ mà hạ tầng đã đâu vào đấy thì bị cò hét giá trên trời, đeo không xuể đâu”.

Chúng tôi định vị vị trí khu đất này và về nhờ một người quen xem quy hoạch thì đất này thuộc quy hoạch đất giáo dục. Hôm sau, chúng tôi tự tìm dò tìm đến chủ khu đất này thì gặp con trai của chị chủ đất đang trông coi việc xây dựng căn nhà tại đây. 

“Mẹ tôi mua miếng đất này cũng cả chục năm rồi. Giờ thấy giá đất lên nên bà phân lô bán để nền. Còn việc mấy anh nói đất này đang quy hoạch gì đó thì tôi chưa nghe nói”, anh này nói. Tôi nói muốn gặp mẹ anh ta để mua trực tiếp, anh ta nói tất cả 28 nền sau khi phân lô đã bán hết lâu rồi. Anh ta nói giờ nếu tôi có mua thì anh ta giới thiệu cho người đang sở hữu. Nghe chúng tôi băn khoăn chuyện phải xin giấy phép, anh ta nói: “Cứ thoải mái, không cần xin phép gì đâu”.

Những ngày vào vai “nhà đầu tư”, đi tìm mua đất, chúng tôi gặp “cò” V., ở xã Cửa Dương và nhận ra điểm chung từ phía những người làm công việc này là luôn thúc giục khách: “Nếu thấy được thì mau gặp chủ đất, đặt cọc, chậm là uổng lắm đấy”. 

Liên hệ thực tế hoạt động giao dịch đất đai tại đảo cho thấy đúng một phần (có mảnh đất chỉ trong ngày đã được bán qua 2-3 khách khác nhau, và giá giao dịch lần sau nhảy lên 15, thậm chí 20 tỷ, tức cao gấp rưỡi, gấp đôi so với lần đầu là bình thường), phần còn lại chính là “chiêu”… làm nóng, làm sốt của “cò” để dễ bề có được giao dịch thành để được “chút cháo” hoa hồng.  

Hôm ghé phòng giao dịch bất động sản của một doanh nghiệp đặt trên tuyến tránh thị trấn Dương Đông, dù mới sáng sớm nhưng chúng tôi khá bất ngờ khi thấy có khá đông người ở đây, người nhờ tư vấn, người đóng tiền đặt chỗ chờ bốc thăm, người ký tá giao dịch và rất đông người ngồi chờ tới lượt mình. 

Thấy chúng tôi bị nhập tâm, anh bạn đi cùng nói thực chất đó là “chiêu” của công ty. “Tất cả đều là diễn viên đấy”, anh bạn tôi cho biết thêm khi thấy chúng tôi vẫn chưa hình dung. Thì ra vậy.

Giá đất “sốt” nên có nhiều trường hợp bên bán chấp nhận thường gấp đôi, gấp ba lần tiền cọc cho khách để bán cho “mối” khác vẫn lời. Chị H., nhà ở TP Rạch Giá (Kiên Giang) kể, gần cuối năm 2017, chủ đất ở Phú Quốc đồng ý bán cho chị 2 công (2.000m2) đất với giá 1 tỷ đồng. 

Tới khi chị đem tiền ra đảo thì người xưng là chủ đất đổi ý và nghe đâu, họ đã bán được với giá… 3,6 tỷ đồng/công. Anh H., một chủ quán cà phê trên đường Lý Thường Kiệt, thị trấn Dương Đông, cho biết anh cũng vừa bán được 4 công đất với giá này trong khi chưa đầy 1 năm, anh mua vào chỉ có 1,2 tỷ đồng/công.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy đất được bán ở Phú Quốc thời gian qua vẫn chủ yếu là đất nông nghiệp - trồng cây lâu năm. Một số chủ đất phân lô (diện tích từ 100m2/lô trở lên) và được cấp sổ, giá trị sử dụng đến 2043, có sổ đến 2064 thì bán nhanh với giá “đắt như tôm tươi”. 

Chúng tôi ghé Phòng công chứng số 2 (trên đường Nguyễn Trung Trực, thị trấn Dương Đông) rất sớm và là người đầu tiên có mặt để bắt số. Thế nhưng chúng tôi không được số 1 mà đến số 10. 

Hỏi sao như vậy, chúng tôi được một người cho biết: “Nhiều người đi làm thủ tục mua bán đất tại phòng công chứng phải chờ đợi mấy ngày mới đến lượt công chứng”. Thì ra ngoài chuyện “cò”, những người “lướt sóng” cũng góp phần làm đất tại đảo lên cơn “sốt”…

Bình Huyền-Nhân Sơn
.
.
.