Khu biệt thự "không đường, không điện, không nước"

Chủ Nhật, 05/06/2011, 09:58
Câu chuyện khu biệt thự OBT2-X1 không đường, không điện, không nước đã tồn tại từ lâu, người dân cũng đã năm lần, bảy lượt tìm gặp lãnh đạo của Công ty HUD2 tức chủ đầu tư nhưng cũng chỉ nhận được lời hứa hẹn. Con đường trước mặt khu biệt thự vẫn chỉ là bản vẽ...

Bỏ ra hàng chục tỷ đồng để mua một căn biệt thự trong khu đô thị kiểu mẫu của Hà Nội, nhưng chủ nhân của những căn nhà triệu đô này không ngờ rằng, sau khi dọn về ở 5 - 6 năm, họ vẫn không có đường để vào nhà. Cách duy nhất để ra vào là đi nhờ qua ruộng rau của người dân quanh đó. Nhưng vì những bất đồng trong chuyện đền bù giải phóng mặt bằng giữa người dân và chủ đầu tư dự án đường ven sông Lủ, họ đã dùng cành cây, gạch đá bít lối đi duy nhất này, khiến các hộ gia đình sống trong khu biệt thự bị "nhốt".

Bị "nhốt" trong biệt thự đắt tiền

Dãy biệt thự gồm 7 căn nằm trong khu OBT2-X1, Khu nhà ở Bắc Linh Đàm mở rộng (xã Đại Kim, Thanh Trì, Hà Nội) được chủ đầu tư là Công ty Đầu tư phát triển nhà số 2 (HUD2, thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị) bán cho các cá nhân từ năm 2003. Trong hợp đồng mua bán giữa HUD2 với người dân gồm 4 trang đánh máy, ngoài những điều khoản quy định trách nhiệm của người mua dài dằng dặc, chỉ có vỏn vẹn chưa đầy 7 dòng trách nhiệm của bên A, tức Công ty HUD2.

Trong đó có ghi rõ rằng, chủ đầu tư có trách nhiệm thi công hoàn chỉnh các công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu vực dự án. Bàn giao hệ thống: cấp nước đến hè từng ngôi nhà; cấp điện tại tủ công tơ của từng dãy nhà. Thế nhưng, sau những lời mời chào mua bán, sau khi tiền đã được thu về, nhà giao cho các cá nhân, chủ đầu tư dường như đã quên mất điều cam kết được ký bằng giấy trắng mực đen cũng như đóng dấu đỏ của mình.

Biệt thự của anh Hùng đang hoàn thiện phải thuê đi nhờ biệt thự phía sau.

Chiều 3/6, vòng vèo qua rất nhiều dãy biệt thự, chung cư, chúng tôi cũng không thể tìm ra địa chỉ cần đến. Chỉ đến khi hỏi, người dân sống trong khu OBT2-X1 chỉ về phía rặng chuối um tùm, và những mô đất cao được trồng chuối xen lẫn cỏ dại lút đầu người, chúng tôi mới hình dung được đó là dãy biệt thự có giá hàng chục tỷ đồng. Hai đầu dãy nhà bị bít kín bằng cây khô, củi mục, đất đan xen các loại cây có gai. Đây chính là kết cục khi những người dân sở hữu đất trồng rau nằm trong dự án đường ven sông Lủ mâu thuẫn về lợi ích kinh tế với chủ đầu tư.

Với lý do "đất của tôi, tôi muốn làm gì thì làm", họ đã tuyên bố không cho các hộ sống trong dãy biệt thự đi nhờ. Trèo qua đống rào gai, chúng tôi cũng đến được căn biệt thự của bác Hồ Sỹ Kiệp. Không giấu được sự thất vọng, bác Kiệp cho biết, khi bán căn nhà rộng trên 60m2 ở phố Thái Hà, mua căn biệt thự này, gia đình bác hy vọng sẽ có một căn nhà đúng như mơ ước, có không gian, có môi trường sống, sự tiện nghi… Nhưng từ khi mua đến khi hoàn thiện căn nhà mất gần 2 năm, bác cũng như các chủ hộ khác không hề thấy chủ đầu tư tiến hành hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật như đã hứa trong hợp đồng.

Từ nhiều năm nay, dãy biệt thự này luôn trong tình trạng bị bịt kín, không có đường đi.

"Cần thiết nhất là đường đi, nhưng đã 6 năm trôi qua, vẫn không có con đường nào, dù là đường tạm để chúng tôi sử dụng", bác Kiệp bức xúc. Theo bác, các hộ sống trong dãy biệt thự này không có đòi hỏi cao như làm đường bê tông, đường nhựa như những dãy khác. Họ chỉ mong có con đường tạm bằng đất, đá, sỏi đủ để đi xe máy vào nhà mình.

"Giờ thì xe máy, con cái chúng tôi cũng phải mang gửi tít bên các khu chung cư bên cạnh rồi lội bộ về nhà", bác Kiệp chán nản nói. Theo bác Kiệp, gia đình bác là hộ đầu tiên dọn về đây ở, khi đó, bác đã phải tìm gặp từng người dân sở hữu đất trồng rau trước mặt để xin họ cho đi nhờ. Và một con đường tự đắp rộng gần 1m đã hoàn thành. Và gần 6 năm nay, bác và con cái đã sử dụng con đường này. Nhưng mới đây, khi nhà bên cạnh chuẩn bị khâu hoàn thiện căn biệt thự, vận chuyển gạch, ngói, cát sỏi qua khu đất rau về nhà, thì bỗng dưng gặp phải sự phản ứng của người dân. Họ không đồng ý cho các hộ đi nhờ và rào lại. Trong số 7 hộ ở dãy biệt thự này, duy nhất có 2 hộ phía đầu không phải chịu cảnh không có đường đi mà tự mở thêm cổng bên hông để đi lại.

Khoan giếng dùng nước như nông thôn

Khổ nhất là không có đường đi, nhưng dù sao, hộ bác Kiệp vẫn có thể lách bằng cách trèo lên trèo xuống khu ruộng rau màu. Còn hộ anh Nguyễn Đức Hùng, chủ nhân của căn biệt thự đang trong quá trình hoàn thiện mới thực sự "đau đầu". Khi mua lại căn biệt thự này của chủ trước, anh Hùng cũng chỉ được biết, dự án đường lớn trước mặt nhà đang sắp triển khai và căn biệt thự của anh sẽ có mặt tiền rất đẹp. Nhưng đến khi mua rồi, anh mới vỡ lẽ mọi chuyện không đơn giản.

Mới vận chuyển được mấy chuyến vật liệu xây dựng, người dân có ruộng màu đã kéo đến mắng mỏ và không cho anh sử dụng đường tạm nữa. Lý do theo anh Hùng rất đơn giản là vì cây thanh táo (loại cây làm hàng rào) của dân mọc trèo vào đất trong biệt thự, anh chặt đi cho gọn. Thế là đường tạm bị bít kín, khổ lây cả hàng xóm là bác Kiệp.

Để có đường vận chuyển gạch, cát vào nhà, anh Hùng đã phải thuê đi qua một nhà biệt thự khác đằng sau. Căn biệt thự này chưa có chủ đến ở nên họ đã đồng ý cho anh thuê lại. Tính ra, giá vật liệu bỗng tăng gấp đôi vì những chi phí tưởng chừng rất vô lý này.

Chủ nhân của các căn biệt thự này không ngờ bỏ hàng chục tỷ để mua nhà không có đường.

Thế nhưng, câu chuyện ở lô biệt thự này vẫn chưa hết bởi ngoài không có đường, các hộ dân ở đây còn khốn khổ vì không có đường cấp nước. Hộ bác Kiệp đã tự mua đường ống cấp nước đi nhờ qua căn biệt thự phía sau. Nhưng sau vài năm, đường ống nước bị hỏng, căn biệt thự phía sau đã có người ở, ống nước nằm dưới sân nhà. Bác đành bỏ không đường ống nước đó, lại bỏ tiền trang bị một đường ống khác nhờ tiếp một nhà khác chưa hoàn thiện.

"Đến đâu hay đến đó thôi. Ngay cả đường ống thoát nước thải tầng 2, tôi cũng phải ròng riêng treo lơ lửng trên tường rào", bác Kiệp chỉ cho chúng tôi thấy đường ống nhựa dài chạy trên tường cao gần 2m. Còn với anh Hùng, dù đã quá ngán ngẩm khi mua phải căn biệt thự không đường, không điện, không nước nhưng giờ cũng không biết phải tính toán thế nào. Để có nước thi công và sau này sử dụng sinh hoạt, anh Hùng đã phải khoan giếng và xây bể lọc như các gia đình nông thôn.

Ngay cả con đường tạm để đi bộ về nhà cũng bị rào kín.

Câu chuyện khu biệt thự không đường, không điện, không nước này đã tồn tại từ lâu, người dân cũng đã năm lần, bảy lượt tìm gặp lãnh đạo của Công ty HUD2 tức chủ đầu tư nhưng cũng chỉ nhận được lời hứa hẹn. Con đường trước mặt khu biệt thự vẫn chỉ là bản vẽ trong khi hằng ngày, người dân phải chịu khổ sở trong sinh hoạt.

Nhiều người từng có ý định mua lại các căn biệt thự ở dãy này nhưng cứ đến và biết chuyện họ lại đi. Điều khó hiểu là đã gần 6 năm trôi qua, trong thời gian ấy, chủ đầu tư đã kịp triển khai thêm hàng loạt dự án nhà ở. Nhưng khu biệt thự họ đã bán cho người dân thì lại không được ngó ngàng gì đến.

Chúng tôi cũng đã cố gắng liên lạc với lãnh đạo của Công ty HUD2 nhưng số điện thoại của giám đốc và các vị phó giám đốc đều trong trạng thái bận hoặc không bắt máy. Không biết đến bao giờ, người dân ở đây mới lại có đường, không phải là con đường mơ ước mà chỉ nhỏ bé đủ để dắt được xe máy vào nhà mình?

Ngọc Yến - Phan Hoạt
.
.
.