Hàng chục hộ dân Đà Nẵng khổ vì quy hoạch “treo”

Thứ Bảy, 30/08/2014, 09:42
Đến nay, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng vẫn còn không ít khu dân cư nhếch nhác, cơ sở hạ tầng tạm bợ, đời sống người dân vô cùng khó khăn, nguyên nhân chỉ vì quy hoạch “treo” quá lâu.

Điển hình, tổ 145, phường Hòa Minh, đã hơn 12 năm nay, hệ thống đường sá, điện, nước… không được sửa chữa nâng cấp, người dân phải sống trong những căn nhà tạm bợ. Không ai biết chính xác, họ còn phải đối mặt với tình trạng này bao lâu nữa. Đường Nguyễn Khuyến, chạy qua khu dân cư nơi này lổn nhổn đất đá, một số đoạn đường trở thành bãi chứa xà bần, rác thải. Khu vực trũng thấp, hễ mưa xuống là ngập, nước tràn vào nhà dân.

Ông Nguyễn Đức Lãm, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu vực Hòa Phú 6, Hòa Minh, tâm sự: “Năm 2003, khu vực Hòa Phú 6 này nằm trong diện giải tỏa triển khai Dự án Khu đô thị mới Tây Bắc, gia đình nào cũng đã có quyết định thu hồi đất, áp giá đền bù. Thế nhưng đến nay, ít nhất vẫn còn hơn 40 hộ chưa thấy động tĩnh gì; khiến phải sinh sống trong điều kiện tạm bợ, khổ hết chỗ nói. Nguy hiểm nhất là nhà cửa lâu ngày xuống cấp, không được sửa chữa, hễ nghe tin bão là lo ngay ngáy”.    

 Theo quy hoạch đã phê duyệt, hồ điều tiết Hòa Phú, phường Hòa Minh, rộng 5,8 ha, hạng mục hết sức quan trọng của hệ thống thoát nước ở quận Liên Chiểu hoàn thành đưa vào sử dụng giữa năm 2011. Song, hiện tại hồ vẫn chưa xây dựng xong; 12 hộ nằm trong khu vực lòng hồ vẫn bám trụ, chưa biết lúc nào mới di dời giải tỏa.

Không giấu nổi sự bức xúc dồn nén bấy lâu, bà Đặng Thị Thu Nguyệt, ở tổ 140, Hòa Minh, có nhà nằm trong khu vực giải tỏa của lòng hồ điều tiết Hòa Phú, nói: “Dự án thông báo quy hoạch từ năm 2001, mãi đến năm 2009 mới kiểm định. Chờ mãi, đến năm 2012 mới tiến hành giải tỏa. Đến nay, hơn 10 hộ chưa bàn giao mặt bằng do chưa thống nhất về giá trị đền bù và bố trí tái định cư. Hồ điều tiết là nơi chứa nước thải từ mọi nơi đổ về, ô nhiễm rất nghiêm trọng. Nhiều lúc mùi hôi thối từ hồ bốc lên nồng nặc xông vào từng bữa ăn, giấc ngủ, thế mà vẫn phải cắn răng chịu đựng. Khổ nhất là những lúc mưa to, nhà nào cũng bị ngập hơn 2m”.    

Tương tự, hàng trăm hộ dân sát Hồ điều tiết Trung Nghĩa, thuộc địa bàn phường Hòa Minh, cũng phải sống trong cảnh tạm bợ và đối mặt với vô vàn khó khăn do quy hoạch “treo” kéo dài. Đây cũng là khu vực bị ngập nặng mỗi khi có mưa to. Chưa hết, tại phường Hòa Khánh Nam, hàng chục tổ dân phố quanh năm đối mặt với ô nhiễm khi nằm trong khu vực giải tỏa, cơ sở hạ tầng xuống cấp, hệ thống thoát nước thải ít được chú trọng. Là khu dân cư đông đúc, nước thải đổ ra con lạch nhỏ, làm nước tại con lạch này lúc nào cũng đen đặc, bốc mùi hôi nồng nặc.

Cô Nguyễn Thị Lan, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, ở trọ tại tổ 22 (cũ), phường Hòa Khánh Nam, cho biết: “Bất đắc dĩ phải thuê trọ, chứ ở đây quanh năm bị “tra tấn” bởi ô nhiễm và ngập úng. Bà con ở đây ai cũng than vãn”

Nguyễn Cầu
.
.
.