Xung quanh tranh cãi dừng hay khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê

Hà Tĩnh muốn biết sẽ được – mất gì từ dự án - Bài cuối

Thứ Sáu, 18/08/2017, 09:19
Với hàng chục năm lắng nghe kiến nghị của người dân, giải quyết những hệ lụy từ dự án treo, lại có những bài học đắt giá từ sự cố của Formosa, trao đổi với PV Báo CAND, ông Dương Tất Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Tỉnh muốn biết mình sẽ được – mất gì từ dự án này, chứ không đơn thuần chỉ là hiệu quả về mặt tài chính của chủ đầu tư.


PV: Hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau về việc có hay không tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê. Các Bộ đều có quan điểm riêng của mình. Đứng từ góc nhìn của địa phương – nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án này, Hà Tĩnh nhìn nhận ra sao?

Ông Dương Tất Thắng: Để nhìn tổng quát về dự án mỏ sắt Thạch Khê cách đây cả chục năm đến thời điểm này thì tất cả mọi việc (trừ việc chủ đầu tư bóc đất tầng phủ) cũng có chủ trương từ trên xuống. Cũng phải nói rằng, có chủ trương khai thác mỏ sắt Thạch Khê thì mới tiến hành quy hoạch Khu kinh tế Vũng Áng thành khu cảng nước sâu, nhiệt điện và luyện cán thép. Khi có quy hoạch khu kinh tế Vũng Áng thì mới có đầu tư hạ tầng ngang dọc kết nối với mỏ sắt Thạch Khê xuống các khu ven biển. Phải nói một phần hạ tầng của Hà Tĩnh trong những năm vừa qua, nguồn lực dành cho Hà Tĩnh là có gắn với chủ trương đó, cần được đánh giá, ghi nhận.

Ông Dương Tất Thắng.

Mỏ sắt Thạch Khê với trữ lượng 540 triệu tấn, xét riêng ở trữ lượng cũng là một nguồn tài nguyên rất lớn, rất quý đối với một quốc gia, đặc biệt là quốc gia xác định mục tiêu là trở thành nước công nghiệp hiện đại như Việt Nam. Chủ trương nghiên cứu và kêu gọi các DN vào đầu tư, khai thác mỏ sắt này theo tôi là hợp lý. 

Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành các bước liên quan đến khai thác thì rất nhiều câu chuyện phát sinh, trong đó lớn nhất là năng lực của chủ đầu tư – Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC). Thời kỳ đó có quá nhiều cổ đông, và các cổ đông ở góc độ nào đó năng lực còn yếu, chưa có nhiều chuyên môn về lĩnh vực khai thác mỏ, luyện cán thép... Rồi một số cổ đông không có ý định lâu dài với dự án, nên thiếu tính đồng thuận, hay cũng có cổ đông tham gia nhưng sau đó có sự cố như Vạn Lợi... 

Thêm vào đó, sau khi dự án tiến hành bóc đất tầng phủ, bổ sung các yếu tố về kỹ thuật như báo cáo tiền khả thi (FS), theo dõi các yếu tố về tụt nước ngầm và tính toán các điều kiện địa chất... nhiều khó khăn về kỹ thuật đã phát sinh so với tính toán ban đầu, dẫn đến thời gian kéo dài và chi phí tăng lên. 

Khi TIC đề nghị tái khởi động dự án, Hà Tĩnh là địa phương gắn với quyền lợi, trách nhiệm cũng như tất cả rủi ro, hậu quả về KT-XH, môi trường của dự án, phải có ý kiến trực tiếp. 

Chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp, cả với TIC, cả với sở ngành chuyên môn, báo cáo trực tiếp với Thường vụ Tỉnh ủy tại 1 cuộc họp riêng, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, tham vấn nhiều chuyên gia về môi trường, văn hóa - xã hội, khai thác mỏ, địa chất... để có cách đánh giá và thông tin đầy đủ, khách quan. 

Chúng tôi đã có văn bản chính thức gửi Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ các băn khoăn, lo lắng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát cụ thể tất cả các yếu tố liên quan đến mỏ sắt Thạch Khê, bởi các luận chứng kinh tế - kỹ thuật đã tiến hành thời gian trước là chưa đảm bảo.

PV: Những quan ngại chính của Hà Tĩnh về dự án này là gì, thưa ông?

Ông Dương Tất Thắng: Thứ nhất là báo cáo tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt trước kia đã hết hạn. Đặc biệt, ĐTM lần trước chưa có đề xuất lấn biển, giờ thì chủ đầu tư có thêm đề xuất đó để hạ độ cao của bãi thải trên bờ, tạo ra diện tích mặt bằng mới (lấn biển khoảng 1km) để tạo ra cảng nước sâu. 

Ngoài ra, Hà Tĩnh cũng yêu cầu tiếp tục được nghiên cứu việc tụt nước ngầm, sa mạc hóa, vì khai thác xuống mức -100m, -200m và sâu hơn nữa có thể sẽ không chỉ ảnh hưởng đến 10 xã vùng bãi ngang, mà thậm chí có thể ảnh hưởng đến cả thành phố. Rồi trong FS nói đến hiệu quả của dự án, nhưng Hà Tĩnh muốn đánh giá hiệu quả KT - XH của dự án, chứ không chỉ dừng lại ở mặt tài chính của chủ đầu tư. 

Chúng tôi muốn có câu trả lời: Địa phương sẽ được, mất cái gì ở đây. Rồi khi khai thác sâu nữa xuống dưới, có quan ngại là có hang caster (hang đá ngầm) thông ra biển không, rủi ro rất lớn. Cả vấn đề đổ thải. Với Formosa trước đây, chúng ta không lắp đặt hệ thống quan trắc; giấy phép xả thải chỉ đòi hỏi một số chỉ tiêu thôi, giờ đòi hỏi một số chỉ tiêu cao hơn. ĐTM cũng chưa đề cập đến ảnh hưởng đến du lịch của Hà Tĩnh thế nào – trong khi du lịch của Hà Tĩnh cũng nhìn vào biển. Chưa nói đến nuôi trồng thủy hải sản... Đây là những chuyện Hà Tĩnh rất băn khoăn.

Về năng lực chủ đầu tư, cũng phải lường đến cả vấn đề khi có sự cố, như Formosa chẳng hạn, họ có thể bỏ ra một khoản tiền lớn để đền bù, và quan trọng nữa là để khắc phục sự cố hay không, khi hiện nay huy động một vài nghìn tỷ đã khó khăn.

Còn vấn đề nữa là hạ tầng giao thông. Từ khi khởi động đến khi lấn xong biển làm cảng là một khoảng thời gian dài. Vậy giai đoạn đầu khai thác từ 1 triệu, 2 triệu tấn chẳng hạn, thì hạ tầng đường bộ có đáp ứng đủ không? Chưa nói đến sau đó còn yếu tố là trong cam kết ban đầu còn có nhà máy chế biến, giờ không có. Rồi thị trường sau này thế nào? 

PV: Sau khi Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị dừng dự án, Bộ Công Thương đã lên tiếng cho rằng kiến nghị đó là “thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn”. Theo những gì chúng tôi được biết, báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư có nhiều tương đồng với báo cáo Hà Tĩnh gửi Chính phủ. Vậy, những gì Hà Tĩnh đưa ra có cơ sở khoa học và thực tiễn không, thưa ông?

Ông Dương Tất Thắng: Phải nói rằng Hà Tĩnh đã rất thận trọng trong quá trình tham vấn: Đã làm việc với các cơ quan, ban ngành của địa phương; với nhiều chuyên gia trên nhiều lĩnh vực và quan trọng là lắng nghe ý kiến, băn khoăn của người dân, nhất là người dân vùng dự án. Formosa cũng là một bài học lớn trong công tác quản lý, giám sát, điều hành. 

Những nhận định, đánh giá, quy chuẩn áp dụng cho Formosa sau này có những khác biệt rất lớn so với trước đó. Vì thế, Hà Tĩnh hết sức thận trọng, và sự thận trọng này là đúng với chủ trương của Chính phủ - làm sao để phát triển bền vững và an toàn, không đánh đổi môi trường lấy phát triển KT-XH. Hà Tĩnh cũng rất khách quan, chứ không phải chỉ cố gắng đạt nguyện vọng của địa phương.

PV: Nếu nói về thực tiễn, còn ai thực tiễn hơn bằng người ở dưới cơ sở như Hà Tĩnh  nữa?

Ông Dương Tất Thắng: Đúng rồi. Từ những va vấp, chúng tôi rút ra câu chuyện đó.

PV: Khi chúng tôi đi thực tế ở vùng dự án, có thể thấy đời sống của người dân cực kỳ khó khăn khi số phận họ đã “lơ lửng” suốt chục năm nay. Tương lai của dự án còn vô định, Hà Tĩnh có cách nào để giải quyết đời sống cho người dân không?

Ông Dương Tất Thắng: Bây giờ, chúng tôi ưu tiên giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống, đặc biệt là nhu cầu thiết yếu của người dân vùng dự án. Thời gian vừa qua, tỉnh cũng đã đề xuất mấy phương án: Có ưu tiên một số chương trình chính sách với vùng dự án; hạ tầng thiết yếu tiếp tục được quan tâm; cùng với chủ đầu tư xem xét những gì còn tồn tại, ví dụ quy hoạch khiến người dân không được cơi nới, tách hộ, sửa chữa nhà cửa... ảnh hưởng đến đời sống. 

Và có lẽ, phải có 1 quyết định chính thức từ phía Chính phủ về việc dừng hay không dừng dự án. Cần sự rõ ràng đó để người dân thoát cảnh “treo”, được thực hiện quyền trên tài sản của mình. Ngoài vùng tái định cư, cũng phải có cơ chế sớm với những người dân đã được kiểm đếm trước đây. Di dời hay không di dời, đền bù hay không đền bù cũng phải có quyết định rõ ràng để người dân an tâm về dài hạn.

Cả vùng dưới đó còn đang khó khăn, vừa liên quan đến dự án, vừa liên quan đến sự cố môi trường của Formosa. Hà Tĩnh cũng đang quan tâm tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy hải sản... để các vùng liên quan đến dự án có nhiều cơ hội chuyển đổi nghề cũng như đầu tư mở rộng sản xuất. 

Sau khi có Nghị quyết của Trung ương về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thì Hà Tĩnh lại quay trở lại quảng bá, có chương trình phát triển du lịch, nhất là Thạch Hải năm vừa rồi cũng có định hướng xây dựng thành vùng du lịch biển, để người dân có nhiều cơ hội lựa chọn về công ăn việc làm. 

Liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chúng tôi sẽ có ưu tiên đặc biệt từ ngân sách để họ có thể hoàn thành các chỉ tiêu như nước sạch, trường học, hệ thống hạ tầng giao thông. 

Tất nhiên đối với vùng đã khó khăn từ ban đầu, ảnh hưởng của dự án lại kéo dài như thế, tiếp tục lại là nơi cũng ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố môi trường Formosa, không thể ngày một ngày hai có thể khắc phục, đáp ứng được mong mỏi của bà con và theo kịp được các xã khác. 

Nhưng chính vì thế Hà Tĩnh đã có kiến nghị Trung ương tiếp tục có ưu tiên nguồn vốn thực hiện đề án 946 của các xã bãi ngang của vùng dự án.

PV: Quay lại đầu tư tại các khu vực đang có dự án treo, Hà Tĩnh có tính đến việc nếu có 1 quyết định khác liên quan đến dự án thì sẽ lãng phí toàn bộ những gì đã được đầu tư?

Ông Dương Tất Thắng: Ban đầu, dự án quy hoạch gần 900ha, nhưng có 500ha để phục vụ trực tiếp dự án, còn các khu vực ảnh hưởng vòng 2 và vòng 3. Trước đây, chủ đầu tư muốn giải phóng một lần gần 900ha ấy luôn để phục vụ dự án, nên nảy sinh những hệ lụy như phạm vi quy hoạch treo rộng, có những khu vực dân được kiểm đếm nhưng chưa được đền bù, chủ đầu tư không quản lý được khu vực đã được bàn giao... 

Khi đền bù, giá chủ đầu tư làm “sạch” các vùng cần thiết đi, thì đỡ khó khăn cho người dân và đỡ cả nhiều yếu tố bị lợi dụng sau này như chủ đầu tư không đủ năng lực quản lý khu vực đất được giao, nên còn nạn khai thác cát trái phép, ảnh hưởng đến mồ mả của người dân, ảnh hưởng đến đất đai trồng trọt.... Nếu tính toán được quy hoạch kỹ hơn một chút thì vùng ngoài vẫn có thể xem xét đầu tư, phát triển.

PV: Sau tranh luận về đổ bùn thải ở Bình Thuận, ông có cho rằng việc lấn biển có thể sẽ phải tính toán cụ thể hơn?

Ông Dương Tất Thắng: Chủ đầu tư xuất việc lấn biển và Hà Tĩnh đề nghị phải có đánh giá rất rõ cho việc lấn biển đó, phải có ĐTM riêng. Chủ đầu tư cũng nhất trí các yêu cầu của địa phương, từ rà soát, khoan bổ sung, quan trắc... nhưng họ bảo phải đồng ý cho tái khởi động thì mới có cơ sở để huy động vốn, để làm. Ý kiến đó cũng có lý. Tuy nhiên, khởi động hay không là thẩm quyền của Chính phủ, còn chúng tôi kiến nghị các vấn đề thuộc trách nhiệm và quyền lợi của địa phương.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vũ Hân – Thanh Huyền
.
.
.