Hà Nội giảm sức hút đầu tư do giá thuê đất quá cao

Thứ Hai, 23/06/2014, 09:29
Theo phản ánh của các DN trên địa bàn Hà Nội, giá thuê đất tại Thủ đô hiện cao hơn từ 3-8 lần so với các năm trước, đồng thời cũng cao hơn rất nhiều so với các địa phương lân cận Hà Nội.

Bà Trương Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Dệt kim Đông Xuân cho biết: Giá thuê đất ở Hà Nội hiện rất cao, năm 2010 đóng 1 lần, đến nay đóng gấp 8 lần, điều này làm giảm sức cạnh tranh của DN bởi khi chi phí đầu vào cao sẽ đội giá thành sản phẩm lên cao.

“Đông Xuân chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ đến 90%, nhưng không thể vì giá thuê đất tăng mà tăng giá sản phẩm liên tục. Do đó, chúng tôi kiến nghị TP Hà Nội cần xem xét lại giá thuê đất bởi giá cho thuê hiện như thế là quá cao so với năng lực của các DN, khiến DN khó cạnh tranh về giá với các đối thủ khác có cùng mặt hàng sản xuất ”, bà Hà chia sẻ.

Ông Vũ Thanh Sơn, TGĐ Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng cho rằng: Theo Thông tư 16, các DN được giảm 50% tiền thuê đất so với 2010 nhưng đến nay chính sách này vẫn chưa được thực hiện. Nguyên nhân là do các cơ quan có trách nhiệm chưa hướng dẫn cụ thể nên hầu hết các chi cục thuế chưa thực hiện được điều này vì theo yêu cầu của cơ quan thuế, DN phải có hồ sơ nhà đất hoàn chỉnh thì mới được giảm giá thuê. Bên cạnh đó, hiện DN phải "gánh" giá thuê đất ngang nhau đối với cả diện tích chính, diện tích phụ, phần hành lang xung quanh, gây ra những bất cập nhất định trong cách tính cũng như tình trạng không công bằng giữa các DN.

Đồng quan điểm trên, đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) và Chế xuất Hà Nội cũng cho biết: Thực tế giá thuê đất trong các KCN Hà Nội thường cao gấp 2 - 3 lần so với các KCN ở các tỉnh lân cận.

Đơn cử như KCN Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) hiện còn dư 40ha, công tác GPMB tuy được thực hiện tốt nhưng giá cho thuê lại cao so với mặt bằng của các địa phương nên khó thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Một nhà đầu tư sau khi khảo sát mặt bằng tại KCN Phú Nghĩa và KCN Thanh Hà (Hải Dương) đã quyết định chọn KCN Thanh Hà với lý do giá cho thuê mặt bằng ở đây chỉ là 47 USD/m2, trong khi KCN Phú Nghĩa là 100 USD/m2. Rõ ràng, chi phí thuê đất quá cao đã làm giảm sức hút của các KCN Hà Nội. Bằng chứng là, suốt 5 năm, KCN Phú Nghĩa vẫn chưa thể lấp đầy. Trong đó, giá thuê đất cao là nguyên nhân khiến nhiều DN đang hoạt động ở đây tìm hướng chuyển sang đầu tư ở các tỉnh khác, trong khi DN mới lại không mặn mà.

Những bất cập trong việc định giá cho thuê đất tại Hà Nội không chỉ được các DN trên địa bàn “kêu cứu”, phản ánh mà bản thân các cơ quan chức năng cũng đã nhìn thấy rõ. Bằng chứng là tại các cuộc gặp gỡ, trao đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn với các cơ quan chức năng của thành phố do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các Hiệp hội DN trên địa bàn tổ chức từ đầu năm 2014 đến nay, đại diện các Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở KH&ĐT đều đã đưa ra những kiến nghị khác nhau nhằm từng bước khắc phục vấn đề này.

Ông Phạm Công Bình - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Nhiều năm qua, giá đất chỉ có xu hướng tăng chứ không giảm. Do đó, ông Bình kiến nghị, TP cần phải xây dựng được hệ số tính giá thuê đất chuẩn để khi thị trường tăng thì giá thuê đất tăng, mà khi thị trường giảm thì giá thuê đất cũng có sự điều chỉnh tương ứng theo sát với thị trường. Bà Đào Thu Vịnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng nhấn mạnh đến việc cần phải tiếp tục phản ánh lên Chính phủ thực tế này vì đây đang là rào cản lớn trong việc thu hút đầu tư của Hà Nội.

Tương tự, theo kiến nghị của Sở KH&ĐT, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN về tiền thuê đất, Chính phủ cần sửa đổi bổ sung Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 trên cơ sở giảm tỷ lệ phần trăm giá thuê đất từ 1,5 - 3% xuống 1 - 2% và giá đất được xác định theo hệ số điều chỉnh theo khu vực để phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh hiện nay của DN. Đồng thời, Sở KH&ĐT cũng kiến nghị cần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xác định do hiện nay phải tính theo giá thị trường, thẩm định chứng thư xác định giá đất.

Không chỉ tiền thuê đất, Nhà nước cũng cần triển khai các cơ chế chính sách nhằm ổn định các chi phí sản xuất, kinh doanh như giá điện, nước, xăng dầu… để các DN yên tâm đầu tư phát triển. Đại diện các hiệp hội DN trên địa bàn cũng đề nghị được gia hạn nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng, miễn khoản phạt chậm nộp tiền sử dụng đất...

Trước những đề xuất, kiến nghị của các cơ quan chức năng và DN trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: Giá thuê đất cao chủ yếu là do chính sách. Do vậy, trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục kiến nghị với Bộ Tài chính, Chính phủ về vấn đề này nhằm góp phần thu hút các nhà đầu tư vào các KCN và tăng khả năng cạnh tranh của DN trên địa bàn Thủ đô.

Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các sở, ban, ngành của Hà Nội, biểu giá thuê đất mới quá cao trong những năm qua đã và đang làm cho chi phí đầu vào của DN tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh của DN trên địa bàn. Bên cạnh đó, giá thuê đất cao cũng khiến cho các khu công nghiệp (KCN) của Hà Nội mất đi nhiều lợi thế so với các địa phương lân cận trong cuộc đua thu hút đầu tư.

Huyền Thanh
.
.
.