Gói tín dụng 30 nghìn tỷ: Chậm giải ngân vì nhiều thủ tục cản trở tiếp cận vốn

Thứ Sáu, 05/06/2015, 08:07
Thời hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đã đi được 2/3 quãng đường (1-6-2016 sẽ hết hiệu lực), thế nhưng hiệu quả đạt được đến thời điểm này kém xa so với kỳ vọng.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tổng số tiền cam kết cho vay là 13.078 tỷ đồng, nhưng con số giải ngân mới chỉ đạt 7.155 tỷ đồng (đạt 23%). Bên cạnh đó, theo các chuyên gia đánh giá, gói tín dụng này cũng chưa có những tác động nhiều đến thị trường bất động sản.

Giải ngân chậm, vẫn làm khó người vay

Với mong muốn cháy bỏng là mua một căn nhà ở xã hội tại khu vực Cổ Nhuế, vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh Hường (Đông Anh, Hà Nội) là đã đi gõ cửa ngân hàng để vay nguồn vốn giá rẻ từ gói 30 nghìn tỷ. Thế nhưng sau khi chị được hướng dẫn làm hồ sơ, chờ đợi mãi hồ sơ vẫn bị trả lại vì không đủ tiêu chuẩn.Chị Hường cho biết, nguyên nhân là vì hai vợ chồng đều là viên chức, thu nhập chỉ có lương, không có khoản nào thêm. 

“Tôi rất muốn vay tiền từ gói 30 nghìn tỉ do Nhà nước ưu ái cho các công nhân viên vay. Nhưng thật sự thì không thể tiếp cận. Ngân hàng lấy đủ các lý do để không cho vay. Theo tôi nghĩ, khi vay các đối tượng vay đã thế chấp ngôi nhà mình mua cho ngân hàng rồi, thì lý do gì mà ngân hàng sợ người vay không góp trả được? Nếu góp không được thì khoản tiền họ đóng 20% lúc mua đó để làm gì. Ngân hàng nên tạo cho người dân có thu nhập thấp một cơ hội”, chị Hường chia sẻ. 

Ở hầu hết các địa phương, để tiếp cận được nguồn vốn từ gói 30 nghìn tỷ là điều không dễ. Chị Trần Thị Nguyệt (hiện đang sinh sống và làm việc tại TP Nam Định) là trường hợp cũng cũng mất nhiều thời gian làm hồ sơ, nhưng rồi chờ đợi mãi hồ sơ vẫn bị trả lại. Chị Nguyệt cho biết, năm nay chị 46 tuổi, là viên chức, sống và làm việc tại TP Nam Định, hưởng lương ngạch chuyên viên chính. Gia đình chị có 4 người. Thu nhập của gia đình (hai vợ chồng) là 9,5 triệu đồng/tháng. Nhà đã hư hỏng, hiện vợ chồng chị đang khó khăn về vốn để xây dựng lại mới nhà. Đối chiếu với các tiêu chuẩn thì vợ chồng chị có đủ điều kiện được vay vốn để hỗ trợ xây dựng sửa chữa nhà từ gói 30 nghìn tỷ.

Đã đi vào giai đoạn cuối, nhưng gói 30 nghìn tỷ vẫn chưa phát huy được hiệu quả và không có nhiều tác động lên thị trường bất động sản.

“Tổng dự toán xây dựng nhà là 500 triệu đồng, tôi có vốn tối thiểu là 200 triệu đồng, đề nghị vay ngân hàng 300 triệu đồng và xin được trả dần trong 10 năm. Khi thẩm định, thì ngân hàng trả lời, tôi không có khả năng trả nợ vì tổng thu nhập 9,5 triệu/4 người (khả năng tích luỹ thấp), sổ đỏ đất ở diện tích 120m² của gia đình ở trong ngõ (giá trị không lớn). Nên ngân hàng từ chối cho vay. Quả là vay được tiền ở gói 30 nghìn tỷ thật khó vô cùng!”, chị Nguyệt cho biết.

Nhiều vướng mắc trong quy định

Lý giải nguyên nhân sau hơn 2 năm triển khai, tốc độ giải ngân chậm, Bộ Xây dựng đưa ra một vài nguyên nhân chính như hiện vẫn có rất ít nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m², giá bán thấp hơn 15 triệu đồng/m² để bán cho người dân, nên người dân chưa thể vay vốn; gói tín dụng này lãi suất vay có thấp hơn lãi suất thương mại, nhưng người dân vẫn còn cân nhắc, ngân hàng phải đảm bảo khả năng thu hồi nợ… Thực tế, nhu cầu tiếp cận nguồn vốn này từ phía người dân rất lớn, tuy nhiên “rào cản” lớn nhất chính là từ phía ngân hàng và một số chính sách được cho là chưa hợp lý.

Ông Nguyễn Tử Quang, Phó TGĐ Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) cho rằng, còn 1 năm sẽ hết thời hạn giải ngân, tuy nhiên do còn nhiều vướng mắc của quy định cho vay nên việc giải ngân của gói hỗ trợ này thấp. Các quy định khiến việc cho vay mua nhà thu nhập thấp khó khả thi như: quy định mức thu nhập đủ điều kiện được vay vốn và phương án hoàn trả vốn vay còn mâu thuẫn nhau. Quy định đối tượng thu nhập thấp được tham gia gói tín dụng ưu đãi khi thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với mức thu nhập trên thì các ngân hàng khi thẩm định hồ sơ đều cho rằng phương án trả nợ khó khả thi nên từ chối cho vay. Mặt khác, với mức thu nhập thực tế dưới 9 triệu đồng/tháng, các ngân hàng sau khi tính toán trừ đi chi phí sinh hoạt thì mức cho vay hỗ trợ tối đa là khoảng 400 triệu. Với giá nhà thu nhập thấp hiện nay, tính trung bình khoảng 700 triệu thì rất ít đối tượng có đủ tích lũy thu nhập để thanh toán cho khoản kinh phí còn lại.

Có một căn hộ vẫn là giấc mơ xa vời đối với nhiều người. Ảnh: Thiện Hoàng.

TS. Phạm Sĩ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng, khi áp dụng gói hỗ trợ này vào thực tế thì gặp phải hàng loạt khó khăn như: điều kiện vay như thế nào, ai xác định mức thu nhập, thu nhập ở mức bao nhiêu là đủ… Chính vì quá nhiều vướng mắc nên đến nay gói 30 nghìn tỷ đồng mới chỉ giải ngân được hơn 20%. Theo ông Liêm, để có thể hỗ trợ người dân thì cần phải tính toán lùi thời hạn giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, cũng cần thiết phải xem xét là quy định giới hạn mức thu nhập, các thủ tục hành chính liên quan… 

Đánh giá về ý kiến, một trong những “nút thắt” lớn nhất là giới hạn mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng mới được vay ưu đãi từ gói này, ông Liêm cho rằng, đây là vấn đề nên xem xét lại, cũng như đã có ý kiến về việc xác định lại khái niệm thu nhập thấp. Ở các đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… thì mới chỉ đủ sống, nhưng nếu ở các địa phương khác thì mức thu nhập này là đã có thể sống dư dả. Do đó, cào bằng áp dụng trên phạm vi cả nước là không hợp lý.

Một trong những giải pháp được Bộ Xây dựng đưa ra là, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh việc triển khai các quy định của Chính phủ; chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát các dự án đang triển khai để phân loại: tiếp tục được triển khai, cần phải điều chỉnh hay chuyển đổi; đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội; tạo điều kiện rút ngắn thủ tục với nhà ở xã hội, kể cả các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang và điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại,... 

Theo giải thích của Bộ Xây dựng thì khi có dự án có đủ điều kiện để bán hàng thì tốc độ giải ngân gói 30 nghìn tỉ chắc chắn sẽ tăng nhanh. Tuy nhiên, câu hỏi được nhiều người đặt ra là, liệu đây là có phải giải pháp khi gói 30 nghìn tỷ tắc nghẽn chủ yếu là từ phía ngân hàng và một số chính sách áp dụng chưa hợp lý?

Phan Hoạt
.
.
.