Giá đất Ba Vì tăng chóng mặt vì... tin đồn
Bắt đầu từ ngày 25/5, đoàn công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo Trung ương về Nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng Hà Nội đã tiến hành kiểm tra tình hình tăng giá đất đột biến trên địa bàn TP Hà Nội. Các khu vực kiểm tra là Thạch Thất, Quốc Oai, Thường Tín, Mê Linh, đặc biệt là Ba Vì. Có mặt tại đây, chúng tôi được chứng kiến cảnh mua bán đất như "đi chợ". Với nhiều người nông dân, bán đất đã trở thành cứu cánh đổi đời chỉ trong một, hai ngày.
Để "mục sở thị" cơn sốt, chúng tôi theo một người bạn, cũng là nhà đầu tư bất động sản (BĐS) nhỏ lẻ lên khu vực Ba Vì tìm mua đất. Gặp hỏi từ người dân thường, bà hàng nước cho đến mấy cái "văn phòng" nhà đất dựng tạm bợ ven đường, ai ai cũng một luận điệu: "Giá cao. Không mua nhanh thì hết". Từ vài tháng nay, tại các xã Yên Bài, Tản Lĩnh, Vân Hòa (Ba Vì), rồi Yên Bình, Tân Xá, Hạ Bằng, Tiến Xuân (Thạch Thất)… người dân bắt đầu có thói quen ngồi quán trà đá nói chuyện dự án, thay vì ra đồng nói chuyện vườn cây, ao cá.
Bà chủ một văn phòng nhà đất chỉ có vỏn vẹn cái biển hiệu con con và cái bàn gỗ cho biết: “Nghe đâu ở Hà Nội có cái triển lãm quy hoạch Thủ đô, nửa tháng trở lại đây, bao nhiêu người cứ điện thoại ầm ầm nhờ tìm đất. Giá lên vùn vụt...”. Có mặt ở xóm Bơn (Vân Hòa, Ba Vì), ngỏ ý muốn mua đất với một người đàn ông trung niên, chúng tôi nhận được sự nhiệt tình bất ngờ. Sau vài phút nói chuyện, chúng tôi mới biết đây là "cò" nghiệp dư, đã dắt nhiều khách mua đất ở khu vực này.
Ba Vì xuất hiện nhan nhản biển hiệu bán đất. |
Dẫn chúng tôi theo con đường đất chạy ngoằn ngoèo ở chân đồi, chỉ tay vào một khu vườn trồng bạch đàn, người đàn ông đứng lại dặn dò: "Nhà này còn 4.000 mét. Sổ đỏ chính chủ lâu dài, giá 200 triệu/sào. Chủ nhà dường như đã quá quen thuộc với khách tìm đến mua đất, tuyên bố chắc nịch: "Nếu chị ưng, vào xem giấy tờ rồi… xuống tiền. Tôi không nhận đặt cọc. Mai lên là không còn giá ấy đâu".
Cũng tương tự, một khu đất khác tại xóm Muồng Phú Vàng được rao với giá 2 tỷ 300 triệu đồng/mẫu, tương đương 230 triệu/sào. Thấy chúng tôi nhăn mặt kêu đắt, chủ đất tỏ ra chẳng mặn mà, thủng thẳng bảo: "Đất giờ lên giá từng ngày, kết là phải mua ngay. Cân nhắc thiệt hơn là chỉ có… thiệt. So với cách đây 1 tháng thì giá đất bây giờ đắt lên 8 lần rồi đấy" (?). Tại một số xã khác như Yên Bình (huyện Thạch Thất), đất có sổ đỏ được phát giá khoảng 250 triệu/1 sào, gấp 5 lần so mức giá trước Tết.
"Hai tháng trở lại đây, các giao dịch về đất đai của mấy xã trong huyện này tự nhiên tăng đột biến. Quy hoạch thì chưa thấy có ai giao đến mình, chỉ có mỗi tin đồn về cái trục Thăng Long nghe đâu có chạy qua đây, vậy mà giao dịch đã tăng 2-3 lần so với trước cả về số lượng lẫn giá cả" - ông Vũ Đức Bảo - Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thạch Thất cho biết. Tại thời điểm này, những người nhanh nhạy, "lướt sóng" kịp vẫn có thể kiếm lời. Tuy nhiên với những người ít kinh nghiệm, rất dễ rơi vào tình trạng rút chân không kịp, cơn sốt qua đi, đất "đắp chiếu" mà đợi dự án thì chả biết đến bao giờ.
Trả lời câu hỏi vai trò điều tiết của nhà nước ở đâu khi để xảy ra hiện tượng có người đã đầu cơ hàng trăm sào đất và giá dường như vẫn đang tăng, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Quyền đầu tư, quyền mua bán là của người dân, nhà nước rất khó can thiệp. Nhà đầu tư nào không thận trọng sẽ dễ xảy ra rủi ro. Trong bối cảnh thông tin trên thị trường BĐS còn thiếu minh bạch như hiện nay, nhà đầu tư cần xét đến các yếu tố: hạ tầng, quy hoạch, xu hướng, lộ trình… các khu đất mình định đầu tư để đưa ra những quyết định đúng đắn.
Được biết, sau đợt kiểm tra, đoàn công tác liên ngành sẽ lập báo cáo về thực trạng mua bán BĐS và giá chuyển nhượng đất để báo cáo Quốc hội trước ngày 30/5. Nhưng thực tế trước mắt, giá đất ở Ba Vì vẫn đang trong "cơn sốt sình sịch" chưa có dấu hiệu hạ nhiệt