Gấp rút GPMB để tiến hành thi công đường Vành đai 1 (đoạn tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu)

Thứ Ba, 23/04/2013, 09:55
Với phương án đền bù “cao kỷ lục” với tổng giá trị lên tới 743,5 tỷ đồng nhưng vẫn còn tới 77 hộ thuộc diện giải tỏa tại đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu chưa nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Không thể chần chừ thêm, UBND quận Đống Đa đã lên kế hoạch tổ chức cưỡng chế đối với những hộ dân đã đủ điều kiện mà không bàn giao mặt bằng.

Đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu có chiều dài gần 550m, đã được khởi công xây dựng từ tháng 4/2010, tổng vốn đầu tư 642 tỷ đồng. Khi tuyến đường hoàn thành sẽ nối tiếp với đường Xã Đàn - Đào Duy Anh - Trần Khát Chân thuộc Vành đai 1. Đoạn đường được thiết kế rộng 50m, trong đó mặt đường rộng 32m, dải phân cách giữa rộng 3m. Đến thời điểm này, con đường đắt nhất hành tinh (chỉ dài khoảng 547m nhưng mất khoản kinh phí là hơn 743 tỷ đồng) đang vào giai đoạn cao điểm thực hiện giải phóng mặt bằng, kịp thông xe kỹ thuật trong năm 2013.

Trước đây, UBND TP Hà Nội từng đặt mục tiêu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB)  dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 1 (đoạn tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu) vào cuối năm 2011. Nhưng giống như nhiều dự án trọng điểm khác trên địa bàn Thủ đô, công tác GPMB tuyến đường này luôn trong tình trạng… chậm tiến độ. Vì thế, theo ông Nguyễn Sỹ Bảo, Trưởng ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, thời điểm thông xe trong năm 2013 là một thách thức lớn cho đơn vị bởi công tác GPMB vẫn còn nhiều bộn bề.

Để đảm bảo thông xe kỹ thuật trong năm 2013, đường Vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu được thi công cuốn chiếu, GPMB đến đâu, thi công đến đó.

Ông Bảo cho biết, dự án xây dựng đường vành đai I (đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu) được phê duyệt tại QĐ số 1273/QĐ-UBND ngày 7/4/2008 với tổng mức đầu tư 642 tỷ đồng, trong đó tiền chi cho GPMB là 527 tỷ đồng, xây lắp 50 tỷ đồng. Tuyến đường khi được xây dựng xong sẽ dài 547m, rộng 50m với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật như cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, tổ chức giao thông… Tuy nhiên cho đến thời điểm cuối năm 2012, chủ đầu tư đã trình và được UBND quận Đống Đa phê duyệt 477/477 phương án đền bù, với tổng giá trị lên tới 743,5 tỷ đồng.

Về những vướng mắc trong đền bù GPMB, ông Trương Đình Đức, Trưởng ban Bồi thường GPMB quận Đống Đa cho biết, các hộ dân sau khi chấp nhận phương án đền bù sẽ được tái định cư tại khu đô thị Nam Trung Yên. UBND TP Hà Nội cũng đã có quyết định bán 267 căn cho 211 hộ. Ngày 29/3 vừa qua, UBND quận Đống Đa đã ra quyết định phê duyệt kết quả bốc thăm cho 104 chủ sử dụng đất được 145 căn hộ.

Để tạo thuận lợi cho người dân, theo ông Đức, quận Đống Đa đã có công văn báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của thành phố đối với những hộ được xét 1 căn hộ hoặc 2 căn hộ TĐC với cơ cấu diện tích 36m2 có một phòng ngủ. Theo quận Đống Đa, như vậy không đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho hộ gia đình có từ 2 thế hệ trở lên và đề nghị thành phố có phương án chỉnh sửa thích hợp.

Dù có mức đền bù kỷ lục, hiện nay, việc thi công mới hoàn thành trên diện tích 4.500m2 đất đã thu hồi của 2 cơ quan (80m đầu tuyến phía Hoàng Cầu), đạt khoảng 20% khối lượng. Từ tháng 11/2012, nhà thầu tiếp tục thi công xử lý nền đường tại vị trí siêu thị Ô Chợ Dừa, tuy nhiên, do mặt bằng chật hẹp nên việc thi công còn hạn chế.

Với phương án đền bù “cao kỷ lục” đã được phê duyệt, các cơ quan hữu quan đã chi trả 624,6/743,5 tỷ đồng tiền đền bù cho 400/477 phương án (đạt 83,8%), nhưng vẫn còn tới 77 hộ chưa nhận tiền đền bù GPMB. Không thể chần chừ thêm, UBND quận Đống Đa đã lên kế hoạch tổ chức cưỡng chế đối với những hộ dân đã đủ điều kiện mà không bàn giao mặt bằng. Thời gian cưỡng chế có thể thực hiện vào đầu tháng 6. Bên cạnh đó, để có thể kịp thông xe trong năm nay, đơn vị thi công đã bắt đầu thi công cuốn chiếu từ tháng 4.

Liên quan đến kế hoạch cưỡng chế một số hộ dân tại dự án xây dựng đường Vành đai 1 là đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết quan điểm của TP là phải thuyết phục, vận động người dân và “chỉ cưỡng chế khi không còn giải pháp nào khác”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Sỹ Bảo khẳng định, ngoài việc tiếp tục giải quyết đơn thư khiếu nại của các hộ dân, UBND quận Đống Đa sẽ tổ chức cưỡng chế đối với những hộ dân đã đủ điều kiện, mà không bàn giao mặt bằng

Ngọc Yến
.
.
.