Hà Nội:

Đường mở đến đâu, nhà siêu mỏng, siêu méo mọc thêm đến đó

Thứ Năm, 16/10/2014, 09:31
Số lượng nhà siêu mỏng, siêu méo đang tồn tại có hàng trăm, thế nhưng đường cứ mở đến đâu, lại xuất hiện thêm những căn nhà hình thù kỳ dị đến đó. Hà Nội đang được đầu tư, xây dựng để trở thành đô thị văn minh, hiện đại nhưng sự tồn tại này như một nghịch lý. Ghi nhận của phóng viên tại con đường mới nhất và cũng đắt nhất Thủ đô phần nào phản ánh thực trạng này.

Bức tường ở con đường cũ và căn bếp mi ni ở con đường mới

Trước khi đường Ô Chợ Dừa (đường vành đai I) thông xe cuối năm 2013, đường Xã Đàn (còn gọi là đường Kim Liên cũ) được coi là con đường đắt nhất hành tinh. Con đường này được đầu tư với kinh phí khoảng 700 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng từ năm 2005. Con đường này đắt đỏ không phải vì được xây dựng bằng công nghệ siêu đẳng mà kinh phí chủ yếu phục vụ giải phóng mặt bằng.

Bởi đi xuyên qua khu dân cư nên có cả nghìn hộ gia đình phải giải phóng mặt bằng. Vì lợi ích công nên nhiều hộ gia đình đã rời nơi ở thân thuộc để đến chỗ ở mới. Sau khi con đường này xây dựng xong, giao thông Thủ đô được cải thiện. Thế nhưng, khi đường thông rồi thì những vấn đề “hậu” con đường khiến người dân quan tâm, các cơ quan truyền thông tốn nhiều giấy mực và chính quyền tốn rất nhiều thời gian, công sức. Đó là sự xuất hiện của những công trình xây dựng bám mặt đường nhưng có hình dạng kỳ dị, những thửa đất sau thu hồi có bề rộng đặt được mỗi viên gạch nằm ngang hay vài chục phân…

Hai căn nhà siêu méo ở góc ngã sáu Ô Chợ Dừa - Xã Đàn.

Giải quyết vấn đề hậu thu hồi đất giải phóng mặt bằng vô cùng khó bởi nó liên quan đến quyền lợi của người dân, đến bộ mặt đô thị. Để giải quyết tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, chính quyền đã có chủ trương để các hộ liền kề hợp khối. Đây cũng là giải pháp khá khả thi song không phải sự hợp tác nào cũng thành công. Bởi thế, cũng những mẩu đất thừa, thành phố phải thu hồi và xây ki ốt để phục vụ mục đích công cộng.

Ngày 12/10, khi đi qua con đường này, tôi vẫn nhìn thấy hai ki ốt nhỏ xíu đóng cửa im ỉm. Đáng buồn hơn nữa là sau gần 10 năm, khi trở lại địa chỉ hai ngôi nhà liền kề với hai bức tường (do chủ cũ bị thu hồi đất, chỉ còn lại thửa đất có chiều rộng đặt một viên gạch nằm ngang), những bức tường đó vẫn tồn tại. Như vậy, giữa hộ liền kề và hộ có diện tích đất chưa bị thu hồi còn lại ít đã không thống nhất được sự hợp khối. Ngôi nhà bên trong không thể trổ ra mặt đường, còn chủ nhân của bức tường cũng chỉ để bức tường ở đấy mà không thể thu lợi.

Còn ở con đường mới mở mang tên Ô Chợ Dừa, vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo cũng đang rất nóng. Ngay ở ngã 6 Khâm Thiên - Nguyễn Lương Bằng – Xã Đàn – Tây Sơn – Ô Chợ Dừa, hai ngôi nhà hình thù kỳ dị đang mọc lên. Nhà có hình tam giác, lại ở vị trí nút giao thông nên rất bắt mắt. Càng đi sâu vào con đường này, càng dễ nhận ra những ngôi nhà nhỏ, những thửa đất còn lại bé tẹo…

Bên cạnh số 168, chúng tôi đã dừng chân trước một căn bếp có diện tích chừng 2m2, bên trong chứa rất nhiều dụng cụ. Hỏi chuyện người phụ nữ đang nhặt rau, bà cho biết đây là căn bếp đã bị thu hồi một phần, hiện nay diện tích còn lại chỉ có thế này. Căn bếp này lại nằm bên cạnh ngõ đi, đằng sau lại tiếp giáp phần ngõ đi chung. Nếu hợp khối, chỉ có thể hợp khối với hộ liền kề. Giải pháp nào cho những hộ đang có diện tích đất sau thu hồi nhỏ như trường hợp này? Cơ quan quản lý Nhà nước có giải pháp nào để đường Ô Chợ Dừa không xuất hiện những bức tường “cưỡng bức” không được ra mặt phố như ở đường Xã Đàn?

Mong chờ người dân hợp khối

Ngày 14/10, trao đổi với ông Hà Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND quận Đống Đa, chúng tôi được biết, theo Quyết định 264 của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, những thửa đất có diện tích dưới 4m2 không được phép tồn tại. Các hộ rơi vào trường hợp này thì nên hợp khối với hộ liền kề, nếu không thành phố sẽ thu hồi.

Với những thửa đất có diện tích từ 4m2 đến dưới 15m2, được phép xây dựng một tầng nhưng cao không quá 4,5m. Với những thửa đất có diện tích trên 15m2 đủ điều kiện cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật. Tại đường Ô Chợ Dừa hiện có 8 trường hợp diện tích dưới 4m2, từ 4m2 đến dưới 15m2 có 18 trường hợp.

Hiện nay, UBND quận đang hướng dẫn, chỉ đạo UBND phường thống kê, xác nhận nguồn gốc đất, thông báo tới các hộ liên quan. Với những hộ không thống nhất để hợp khối được, các phường xây dựng phương án tổng mặt bằng để báo cáo thành phố thu hồi. Hiện tại, Ban quản lý dự án trọng điểm, đơn vị là Ban quản lý dự án đường Ô Chợ Dừa trực tiếp thực hiện việc này.

Được biết, việc thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng đường Ô Chợ Dừa được áp dụng theo hệ số K 1,8. Hiện nay, ngành chức năng đang tiếp tục thực hiện việc giải phóng mặt bằng, đoạn Ô Chợ Dừa đi Cầu Giấy để tiếp tục hoàn thiện đường vành đai I. Cũng liên quan đến tuyến đường này, việc thực hiện xây dựng cầu vượt trên cao đoạn Ô Chợ Dừa – Xã Đàn cũng đang được nghiên cứu. Hiện nay, đã có 5 phương án kiến trúc được đưa ra.

Tuy nhiên, việc lựa chọn phương án kiến trúc nào đang được ngành chức năng xem xét. Việc xây dựng cầu vượt qua di tích khảo cổ đàn Xã Tắc rất cần cân nhắc bởi không chỉ đáp ứng các tiêu chí về giao thông mà còn liên quan đến công tác bảo tồn.

Trước tình trạng đường làm đến đâu lại nảy sinh vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, giá như trước khi xây dựng con đường đã tính đến việc thu hồi thêm đất ở hai bên. Những lô đất được quy hoạch này sẽ đem bán đấu giá, được xây dựng theo phương án kiến trúc đã được ngành chức năng thông qua, tiền nộp vào ngân sách. Như thế, ngân sách có thêm tiền để làm đường mà bộ mặt đô thị lại đẹp đẽ, khang trang. Thực tế cách làm này đã được Đà Nẵng áp dụng và hiệu quả rất rõ rệt.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, Hà Nội hiện còn gần 400 nhà siêu mỏng, siêu méo. Con số này cho thấy, tồn tại này là khá bất cập song để giải quyết lại không dễ. Để giải quyết tình trạng này, thành phố cần có biện pháp căn cơ, tránh để phát sinh rồi đeo đuổi giải quyết và để cho tồn tại

Cao Hồng
.
.
.