Doanh nhân Việt Nam mua thị trấn ở Mỹ

Chủ Nhật, 08/04/2012, 11:32
Không những khiến hàng triệu người trong nước ngạc nhiên mà nhiều hãng tin trên thế giới cũng thực sự quan tâm tới việc 2 người Việt Nam vừa đắc thủ trong việc vượt qua khoảng 50 người mua (có tài liệu nói 25 nhà đầu tư) đến từ Trung Quốc (Hongkong), Mỹ (New York, Florida, Kansas và Wyoming) và nhiều nước khác nhau trên thế giới để trở thành chủ nhân mới của thị trấn Buford, bang Wyoming, Mỹ trong cuộc bán đấu giá do hãng Williams & Williams tổ chức hôm 5/4 (theo giờ Mỹ).

Ngày 6/4, nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới đã đưa tin về vụ mua bán thị trấn Buford sau khi nói được bán với giá 900.000 USD. Tuy không tiết lộ danh tính, nhưng hãng Williams & Williams cũng hé mở, chủ nhân mới là một nam doanh nhân đến từ TP HCM, Việt Nam và ông đã giành chiến thắng sau khi trả 900.000USD (khoảng 19 tỷ đồng Việt Nam) để sở hữu thị trấn Buford.

Theo hãng tin CNN, một nhà môi giới bất động sản có tên là Tonjah Andrews đã được 2 nhà đầu tư Việt Nam thuê làm đại diện và cô đã từ chối tiết lộ danh tính của họ, cũng như kế hoạch sắp tới của chủ nhân mới đối với thị trấn Buford. Hãng Williams & Williams cho biết, không ngờ cuộc đấu giá lại thu hút sự quan tâm của mọi người đến từ khắp thế giới như vậy bởi thị trấn Buford là một mảnh đất thuộc "Miền Tây hoang dã” xa xôi ở Mỹ.

Được biết, mức giá khởi điểm của ông Don Sammons là 100.000 USD (từ giữa tháng 3/2012). Được biết, cuộc đấu giá đã kết thúc sau 11 phút bắt đầu. Cách đây không lâu, thị trấn Pray nằm ở thung lũng Paradise, gần công viên quốc gia Yellowstone, Montana chỉ có 8 người đã được bán với giá 1,4 triệu USD.

Ông Don Sammons (trái) và những người tham gia phiên đấu giá mua thị trấn Buford hôm 5/4 (theo giờ Mỹ).

Mặc dù danh tính của 2 chủ nhân mới tại thị trấn Buford chưa được tiết lộ, nhưng theo một số nguồn tin thì một trong số họ là Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS) có trụ sở tại TP HCM, ông Phạm Đình Nguyên. Trong khi có tin nói 2 người Việt đã mua thị trấn Buford, nhưng theo thông cáo của hãng Williams & Williams thì chỉ có duy nhất một người. Được biết, việc sang tên thị trấn rộng khoảng 40.000m2 cho chủ mới sẽ được tiến hành trong 30 ngày.

Sau khi trở thành làm chủ thị trấn rộng khoảng 40.000m2, tân chủ nhân sẽ sở hữu một trạm xăng kiêm tiệm tạp hoá, 1 trạm bưu điện với mã vùng là 82052, một gara, một tháp truyền tín hiệu điện thoại di động, một ngôi trường xây từ năm 1905 cùng một căn nhà 3 phòng ngủ từ người chủ cũ là ông Don Sammons.

Ông Don Sammons là người sở hữu thị trấn Buford và cũng là cư dân duy nhất tại đây, năm nay đã ngoài lục tuần (61 tuổi) cho biết, vừa buồn vừa vui sau khi biết tin thị trấn Buford đã được bán, nhưng vui nhiều hơn vì đã đạt được những gì mong muốn - có thể tiếp tục và bắt đầu xây một chương mới trong cuộc đời - dự định chuyển đến Windsor, Colorado để sống gần con trai sau khi vợ qua đời năm 1995. “Tôi đã sống ở đây nửa đời người và dễ xúc động lắm nên hy vọng sẽ vượt qua được nỗi buồn này”, ông Don Sammons chia sẻ với phóng viên CNN.

Thị trấn Buford.

Ông Don Sammons sống ở thị trấn Buford từ năm 1980 cùng vợ và con trai và sẽ viết sách về 32 năm sống ở thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ này. Và từng phục vụ trong quân đội Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam nên sau khi gặp chủ nhân mới của thị trấn Buford, ông Don Sammons đã thốt lên rằng, đúng là quả đất tròn. Ông Don
Sammons tiết lộ, tân chủ nhân coi việc mua mảnh đất này chỉ để thực hiện “giấc mơ Mỹ”.

Ông Don Sammons cũng nói rằng, tân chủ nhân có cùng niềm đam mê giống mình khi ông mới tới thị trấn Buford 32 năm trước. Nhiều người nói rằng, vì ông Don Sammons đã quyết định từ bỏ chức Thị trưởng không chính thức để chuyển đi nơi khác sau khi bán thị trấn Buford nên tân chủ nhân sẽ là tân Thị trưởng của Buford trong tương lai.

Thị trấn Buford được thành lập năm 1866, khi xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa. Từng có khoảng 2.000 cư dân sinh sống tại Buford nhưng sau đó họ đã dần chuyển đi khi các tuyến tàu hoả đổi lộ trình và thị trấn này mới trở nên hoang vắng như hiện nay. Năm 1880, một bưu điện được xây dựng ở Buford.

Là thị trấn lâu đời thứ hai ở bang Wyoming (thuộc quận Albany), Buford tọa lạc trên Interstate 80, trục đường chính nối từ New York tới San Francisco, nằm dọc đường xa lộ nối các tiểu bang, cách thủ phủ Cheyenne của bang Wyoming 48km về phía Đông và San Francisco 1.800 km về phía Tây.

Vì nằm giữa Laramie và Cheyenne, thủ phủ của bang Wyoming nên thị trấn Buford ở trên độ cao 2.438m so với mặt nước biển và có cùng mã vùng trên bản đồ bưu chính của Mỹ. Giới truyền thông cho biết, những người dân ở đây đã đặt tên Buford cho thị trấn này để vinh danh Thiếu tướng John Buford.

Mặc dù giá nhà hiện nay tương đối thấp so với trước đây vì ngân hàng có nhu cầu thu hồi tiền sớm, nhưng thị trường bất động sản ở Mỹ lại mang tính cạnh tranh cao nhất là khi nhiều người Việt Nam thích trả tiền mặt, nhất là ở những vùng có đông người Việt như Garden Grove, Westminster (California).

Vướng mắc được coi là lớn nhất khi mua nhà ở Mỹ chính là phương thức thanh toán bởi theo luật của Mỹ, các khoản tiền mặt trên 10.000 USD đều phải chứng minh nguồn gốc. Được biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không cho phép người xuất cảnh mang theo quá 7.000 USD, do đó muốn chuyển những khoản tiền lớn đều phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Để mua và sở hữu nhà ở Mỹ, không có quyền lợi gì khác nhau giữa người có quốc tịch Mỹ và không có quốc tịch Mỹ, điều khác duy nhất là thường trú lâu dài và không thường trú. Bất cứ ai cũng có thể mua nhà tại Mỹ mà không cần thẻ xanh hay quốc tịch.

Điều quan trọng là hình thức thanh toán tiền mua nhà - trả một lần hay trả góp. Bạn có thể mang bao nhiêu USD vào Mỹ cũng được nhưng phải khai báo với Hải quan để hợp thức hóa số tiền đó. Ở Mỹ có 3 loại thường trú: 1. Citizenship - Quốc tịch, 2. Permanent Resident - Thường trú lâu dài, 3. None Resident - Không thường trú. Điều này sẽ ảnh hưởng tới người không thường trú khi vay ngân hàng để mua nhà ở Mỹ.

Thông thường, người mua nhà ở Mỹ được ngân hàng bảo lãnh có thể trả mức tối thiểu 10% trị giá căn nhà, số tiền còn lại trả góp, chia đều trong 15 - 30 năm. Hầu hết bất động sản ở Mỹ khi rao bán đều được công ty môi giới đăng trên mạng. Khi mua và bán bất động sản ở Mỹ không phải lo lắng về vấn đề giấy tờ giả, sở hữu không hợp lệ hay nhà đang bị người khác sở hữu.

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.