Di dân hay tạo sức hút để xây dựng đô thị vệ tinh cho Thủ đô
Đô thị vệ tinh: Tạo sức hút, tránh di dân
Ngay trong quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội nhanh chóng triển khai nhiều mặt công tác trong đó có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để sớm đưa bản quy hoạch vào cuộc sống. Theo nội dung quy hoạch, 5 đô thị vệ tinh có chức năng đặc thù riêng gồm: Đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Dự báo dân số tại các đô thị vệ tinh đến 2020 khoảng 0,7 triệu người; diện tích đất xây dựng trên 24.000ha…
Theo đó, đô thị vệ tinh Hòa Lạc có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo; đầu tư các cơ sở trọng tâm là Đại học Quốc gia Hà Nội và Khu công nghệ cao Hòa Lạc; hoàn thiện Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam…; Đô thị Sơn Tây là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; trọng tâm là khu bảo tồn thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm…; Đô thị Xuân Mai là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, đào tạo đại học, cao đẳng; Đô thị Phú Xuyên là đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa, xây dựng cụm công nghiệp tiếp nhận các cơ sở công nghiệp từ Hà Tây (cũ) chuyển tới và hỗ trợ phát triển nông nghiệp; Đô thị Sóc Sơn phát triển công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch sinh thái, khai thác cảng hàng không quốc tế gắn với hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh…
Hàng chục năm qua, người dân cả nước luôn mong ước xây dựng một Hà Nội văn minh, hiện đại.
Điều người dân quan tâm là cách thức nào để xây dựng đô thị vệ tinh và liệu có phải di dời dân đến các đô thị đó theo tiêu chí đặt ra hay không? Một lãnh đạo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (đơn vị được giao nhiệm vụ) cho biết: Trên cơ sở quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã phê duyệt 17 nhiệm vụ của quy hoạch cho 17 quy hoạch phân khu của đô thị trung tâm. Bởi theo luật quy định, chỉ khi có nhiệm vụ quy hoạch phân khu mới được lập quy hoạch phân khu đó.
Đây là một bước chi tiết hóa bản quy hoạch thành các khu chức năng (tỷ lệ 1: 2000) như khu công nghiệp, dịch vụ thương mại, đào tạo đại học cao đẳng tập trung… Thời gian 9 tháng phải hoàn thành quy hoạch phân khu với điều kiện các yếu tố đầu vào phải đủ, chẳng hạn như bản đồ tỷ lệ 1:2000. Nhưng ngay bản đồ tỷ lệ 1:2000 dường như rất thiếu ở hầu hết các địa bàn của thành phố, nên những cán bộ chức năng vừa phải thiết lập quy hoạch phân khu vừa phải tổ chức đo đạc bổ sung.
Sau khi nghiên cứu, sẽ xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương vào các bản quy hoạch phân khu để chi tiết các khu chức năng. Nhiệm vụ trọng tâm hết sức quan trọng và khá nhạy cảm, chính là rà soát hơn 500 các dự án hiện có để đáp ứng yêu cầu quy hoạch chung và quy hoạch phân khu. Qua đó, sẽ có dự án phải dừng, có dự án phải điều chỉnh thậm chí rời đi nơi khác…
Mục đích xây dựng 5 đô thị vệ tinh là nhằm tránh bệnh "đầu to" - tức dân số hút vào đô thị trung tâm gây quá tải hạ tầng cùng hàng loạt các vấn đề xã hội mà nhiều nước đã mắc phải. Nghĩa "vệ tinh" chính là vì các đô thị này phụ thuộc, có mối liên hệ khăng khít, chia sẻ, giảm áp lực về dân số, giao thông, đào tạo đại học, cao đẳng… với đô thị trung tâm (đô thị lõi). Nói dễ hiểu, hầu hết người dân ở đâu cứ ở đó, vì đô thị vệ tinh hướng tới sẽ được đầu tư đầy đủ hạ tầng giao thông, chỗ học tập, vui chơi, chữa bệnh… tạo sức hấp dẫn đối với người dân.
Vững tay "xử lý" dự án, đồng bộ biện pháp mới xây dựng được đô thị
Thông tin quan trọng thu hút các chủ dự án và người dân là sau khi rà soát, Hà Nội tiếp tục trình lên Thủ tướng Chính phủ báo cáo xin ý kiến đối với 203 dự án đã được thiết lập trước đó để phục vụ quy hoạch Thủ đô. Qua tìm hiểu, được biết tiếp theo 244 dự án đã được phép triển khai trước đó, trong 203 dự án lần xem xét này có một số dự án buộc phải điều chỉnh để đảm bảo tiêu chí của quy hoạch. Theo ý kiến của một số nhà chuyên môn đã đưa ra, muốn tạo dựng vành đai xanh như quy hoạch thì nhất thiết phải dừng không ít dự án thuộc vùng thoát lũ, vùng thấp thuộc các huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ… kể cả vùng cần bảo vệ sinh thái như Ba Vì.
Tiến sĩ Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nêu ý kiến: Chúng ta chủ trương xây dựng đô thị vệ tinh thì phải quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp để hiện thực đô thị vệ tinh. Chẳng hạn như đô thị Hòa Lạc, chủ trương xây dựng thành đô thị công nghệ cao và đào tạo, đầu tư các cơ sở đại học, cao đẳng, làng văn hóa… thì phải thực hiện tốt quy hoạch chung đô thị vệ tinh này đã, rồi tiếp đến quy hoạch chi tiết. Khi phát triển hạ tầng tốt, hệ thống dịch vụ hoàn chỉnh thì sẽ tạo được sức hấp dẫn đối với người dân.
Thực tế, Hòa Lạc đã xây dựng nhiều năm rồi nhưng đến nay mới có khoảng trên dưới một vạn dân, chưa đủ sức hấp dẫn dân đâu! Hay như đô thị Sóc Sơn, cần phát triển công nghiệp thu hút công nhân, làm nhà ở cho công nhân, phát triển giao thông, dịch vụ sinh thái… Chỉ khi đầu tư tốt hạ tầng, tạo việc làm mới có thể hấp dẫn người dân. Nếu không thì khó mà thực hiện được mục tiêu giãn dân ra khỏi vùng đô thị trung tâm.
Ông Hùng thẳng thắn nói, không thể bằng biện pháp hành chính mà di dân đến xây dựng đô thị vệ tinh được, cũng không dễ bảo người ta rời khỏi đô thị lõi, mà cái chính là phải bằng cơ chế chính sách phù hợp, hấp dẫn. Chúng ta đã có bài học từ việc xây dựng đô thị ở Xuân Hòa, ở Xuân Mai, rất cần nhìn lại để xây dựng đô thị hiện nay.
Người dân đặc biệt quan tâm tới xây dựng các đô thị vệ tinh.
Nhìn lại quá khứ của Hà Nội, đã có thời điểm (1978) chúng ta sáp nhập 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây của tỉnh Hà Sơn Bình cùng với hai huyện Mê Linh, Sóc Sơn của tỉnh Vĩnh Phúc vào Thủ đô, để quy hoạch phát triển. Trong đó, có đặt vấn đề phát triển đô thị vệ tinh giảm tải đô thị trung tâm. Chúng ta cũng đã đưa 12.800 hộ với 21.600 nhân khẩu Hà Nội đi xây dựng vùng kinh tế mới tại Lâm Đồng. Sau đó lại điều chỉnh địa giới còn 9 quận, huyện trước khi mở rộng Thủ đô vừa qua.
Ấy vậy mà chúng ta vẫn chưa có một Hà Nội đường ra đường, phố ra phố. Để rồi một loạt vấn đề nảy sinh không dễ giải quyết, đó là ùn tắc giao thông, ngập úng, quá tải phố cũ, không khớp nối được phố mới, ô nhiễm môi trường…
Tiến sĩ Trần Hanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Kiến trúc quy hoạch - Bộ Xây dựng nhắc lại: Năm 1998, quyết định điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2020 chủ trương khống chế dưới 0,8 triệu dân đối với các quận nội thành cũ. Nhưng sau hơn chục năm thực hiện, bây giờ riêng vùng này đã là 1,2 triệu dân. Giá đất quá đắt, chủ sở hữu khi mua được phải tận dụng tối đa mật độ xây dựng, chiều cao công trình… rồi dẫn đến hệ lụy như nêu trên là điều khó tránh khỏi.
Nói ra điều này để thấy rằng, quy hoạch được duyệt mới là định hướng, là mục tiêu hướng tới, còn có đạt được một đô thị xanh, hiện đại, văn hiến… hay không thì chính quyền phải áp dụng những giải pháp đồng bộ quyết liệt, thậm chí thật khắt khe. Chẳng hạn như vấn đề kiểm soát dân số nội đô, ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị cho vùng đô thị vệ tinh, nghiêm túc di dời các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện ra ngoài trung tâm theo quy hoạch… Không để tình trạng ngành nào, địa phương nào, đơn vị nào cũng cho công trình của mình tại Thủ đô là quan trọng và cứ thế đầu tư xây dựng, nhưng kết lại những công trình, hạng mục đó khó hoặc không thể "hòa tấu" trong một bản quy hoạch chung vốn đặt ra rất đẹp.
Một vấn đề không mới nhưng nóng hổi tính thời sự đặt ra, có liên quan đến việc thực hiện thành công quy hoạch Thủ đô, đó là di dời các hộ dân phố cổ để giảm tải khu vực nội thành. Chắc chắn, đó cũng là nội dung trong chiến lược thực hiện quy hoạch đã vạch ra. Nhưng đã 12 năm trôi qua từ khi đề án này khởi động, chưa một người dân phố cổ nào được ổn định tại nơi ở mới. Điều đó cho thấy, thách thức để thực hiện một bản quy hoạch ở Thủ đô rộng lớn như Hà Nội là điều không hề nhỏ, đòi hỏi không chỉ quyết tâm lớn mà còn cần những quyết sách phù hợp, quyết liệt mới thành