Chuyện người quản lý:

Để người dân phố cổ hết cảnh… sống khổ

Thứ Năm, 26/04/2012, 23:15
Để người dân phố cổ hết cảnh sống khổ  từ năm 1998 UBNDTP Hà Nội đã phương án dãn dân nhưng phải đến năm 2012, vấn đề này mới được xới lên một cách quyết liệt. Theo đó, các cơ quan chuyên môn nghiên cứu và đưa ra những giải pháp cơ bản để giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ (từ 823 người/ha năm 2009 xuống còn 500 người/ha là mật độ khống chế theo quy hoạch đến năm 2020, tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người dân).

Đông đúc, tráng lệ, sầm uất, tấp nập, đó là những từ thường được nhắc nhiều khi nói về những ngôi nhà nằm ở mặt đường khu vực phố cổ Hà Nội. Khách du lịch cũng coi đây là một điểm đến hấp dẫn khi đặt chân tới Hà Nội. Thế nhưng, phía sau những ngôi nhà đó là hình ảnh trái ngược hoàn toàn bởi sự chật chội, tối tăm, ẩm thấp và ngột ngạt.

Nhiều gia đình 3, 4 thế hệ sống ở đây không chịu chuyển đi nơi khác, phần vì không có điều kiện kinh tế, phần vì ngại không thích nghi với nơi ở mới, nhưng lý do chính của họ là sự tiện lợi ở phố cổ bởi chỉ cần mưu sinh nơi vỉa hè cũng đủ nuôi cả một gia đình.

Với diện tích 81ha, 6,6 vạn dân, nằm trên địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm, khu vực phố cổ Hà Nội thật sự là điểm nhấn có dấu ấn lịch sử giữa chốn phồn hoa của đất kinh kỳ. Vấn đề dãn dân phố cổ nhằm góp phần cải thiện môi trường sống và bảo tồn phố cổ luôn được lãnh đạo thành phố và quận Hoàn Kiếm đặc biệt coi trọng.

Đề án dãn dân phố cổ đã được UBND thành phố đưa ra từ năm 1998, nhưng phải đến năm 2012, vấn đề này mới được xới lên một cách quyết liệt. Theo đó, các cơ quan chuyên môn nghiên cứu và đưa ra những giải pháp cơ bản để giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ (từ 823 người/ha năm 2009 xuống còn 500 người/ha là mật độ khống chế theo quy hoạch đến năm 2020, tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người dân).

Việc dãn dân phố cổ giai đoạn I sang Khu đô thị mới Việt Hưng sẽ di chuyển được 1.800 hộ dân với khoảng 7.200 người dân đang sống trong các di tích, trường học, công sở, số nhà đông hộ, nhà nguy hiểm và các hộ dân trong khu phố cổ có nguyện vọng di dời. Khu đất rộng 11,12ha tại Khu đô thị mới Việt Hưng được thành phố giao cho quận Hoàn Kiếm thực hiện dự án là một diện tích không nhỏ, bước đầu xây dựng 15-20 khối nhà cao tầng (mỗi khối nhà có 100 căn hộ) là phương án hoàn toàn khả thi phục vụ bước đầu việc dãn dân.

Dự trù nguồn vốn đầu tư cho toàn bộ giai đoạn I là hơn 4.300 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách Nhà nước để lập Đề án, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khoảng 500 tỷ đồng. Vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng khu nhà ở dãn dân là hơn 3.800 tỷ đồng. Dự kiến đến 2015 sẽ hoàn thành việc dãn dân giai đoạn I.

Có thể nói, dãn dân phố cổ luôn là vấn đề nóng của Hà Nội, tồn tại đã nhiều năm nhưng nói vậy không có nghĩa là không thể giải quyết được. Được biết, Thành ủy, UBND TP Hà Nội, quận Hoàn Kiếm cùng các ban, ngành của thành phố thật sự quan tâm và tạo mọi điều kiện để Đề án dãn dân phố cổ sớm trở thành hiện thực.

Bên cạnh đó, rất cần sự ủng hộ, đồng thuận của người dân bởi chính họ không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của khu vực phố cổ mà còn mang lại những quyền lợi thiết thực cho các thế hệ con em mình. Làm được điều này cũng là cách họ thể hiện tình yêu của mình với mảnh đất nghìn năm văn hiến, thanh lịch và hào hoa

Nguyễn Tuấn
.
.
.