Đảo ngọc Phú Quốc trước sự phát triển “nóng” của du lịch
Với diện tích gần 600km², Phú Quốc (Kiên Giang) là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế nổi bật để phát triển du lịch. Được bao bọc đảo là những bãi biển cát trắng, cát vàng mịn màng, nước trong vắt, nhiều nơi còn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ hấp dẫn du khách.
Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến với Phú Quốc ngày càng đông, nhất là khách quốc tế. Đây là những tín hiệu đáng mừng…
Cùng với những địa danh du lịch nổi tiếng của cả nước, như: Hạ Long (Quảng Ninh), Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình), Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng, Huế, Nha Trang (Khánh Hòa), Qui Nhơn (Bình Định), Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu)… Phú Quốc được xem là sự lựa chọn tuyệt vời của khách du lịch.
Theo UBND huyện Phú Quốc, năm 2017, Phú Quốc đón gần 2 triệu lượt du khách, vượt 7,69% kế hoạch, tăng 35,17% so với năm 2016; trong đó, khách quốc tế là 361.452 lượt, tăng 72% so năm 2016. Toàn huyện có 464 cơ sở lưu trú với 12.500 phòng.
Chỉ tính riêng hơn 2 tháng đầu năm 2018, Phú Quốc đón gần 800.000 lượt khách, tăng 38% so cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế là 374.000 lượt, tăng 169,31% so cùng kỳ…
Với địa hình cũng như thiên nhiên ưu đãi, Phú Quốc trở thành nơi nghỉ dưỡng thượng hạng của thế giới, với các khu nghỉ dưỡng, giải trí bậc nhất, như: JW Marriot khách sạn 6 sao đầu tiên của Việt Nam; quần thể khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Vinpearl Phú Quốc.
Ngoài ra còn có những khách sạn, khu resort đẳng cấp khác. Đây được xem là một trong những thế mạnh của du lịch Phú Quốc trong những năm tới.
Không chỉ vậy, năm 2017, Phú Quốc đã mở nhiều chuyến bay thẳng đến các nước trong khu vực cũng như thế giới, như: đường bay Phú Quốc – Thái Lan; Phú Quốc – Quảng Châu (Trung Quốc); Phú Quốc đến các nước Anh, Italia, Thụy Điển…
Theo ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, lượng khách quốc tế đến với Phú Quốc nhiều nhất là từ Trung Quốc, Nga, các nước Bắc Âu, Mỹ…
Du khách quốc tế tham quan, mua sắm ở chợ đêm Phú Quốc. |
Tuy nhiên, đằng sau việc phát triển nhanh của du lịch Phú Quốc, bảo đảm vệ sinh môi trường là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Hiện, trên địa bàn huyện chưa có nhà máy xử lý rác thải, nước thải, cùng với một bộ phận không nhỏ người dân chưa có ý thức trong công tác bảo vệ, vệ sinh môi trường.
Vẫn còn tình trạng bỏ rác ra đường, xuống sông, suối, biển dẫn đến tình trạng môi trường từng lúc, từng nơi chưa bảo đảm vô hình tạo hình ảnh Phú Quốc chưa được đẹp trong mắt du khách.
Chị Nguyễn Thanh Hương (một du khách đến từ thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), cho biết: “Tôi nghe mọi người nhắc đến Phú Quốc từ lâu, nên cùng gia đình đến tham quan. Gia đình tôi nghỉ tại một khách sạn trên đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông, nhìn ra biển rất đẹp.
Tuy nhiên, khi gia đình thuê xe máy chạy lên tham quan vườn thú Safari Phú Quốc, phải đi qua một bãi rác khổng lồ ngay bên đường bốc mùi hôi thối ghê lắm…”.
Phú Quốc đang “nóng” bởi những công trường xây dựng khiến cho cảnh quan tại các bãi biển đẹp có phần bị mai một và trở thành sở hữu của một số tập đoàn lớn.
Người dân và du khách khi muốn vào tham quan, vui chơi tại các bãi biển đó phải trả chi phí. Đây là một rào cản rất lớn, khiến nhiều du khách không hài lòng khi nghe ở đó đẹp mà không được chiêm ngưỡng, không được trải nghiệm. Vấn đề quản lý khách du lịch nước ngoài khi tham gia giao thông tại Phú Quốc đang cũng là vấn đề “đau đầu”.
Khách du lịch nước ngoài thuê xe máy đi tham quan, có người thực hiện nghiêm chỉnh luật giao thông, nhưng nhiều người tham gia giao thông bất chấp pháp luật Việt Nam, như: Không đội nón bảo hiểm; chở ba và chạy tốc độ cao.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (một tài xế taxi), ngao ngán: “Ngày nào đi trên đường tôi cũng gặp cảnh khách nước ngoài chạy xe máy không đội nón bảo hiểm, thậm chí chở 3 chạy “xé gió” suýt gây tai nạn cho người đi đường. Hôm bữa có hai người nước ngoài khi chạy xe đến giao lộ đường Trần Hưng Đạo và 30-4, bóp thắng gấp té lăn ra đường”…
Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Quốc, huyện đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để đưa Phú Quốc sớm hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao của khu vực và quốc tế.
Song song với việc kêu gọi thu hút đầu tư vào các lĩnh vực còn thiếu, huyện tiến hành tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh các hành vi xả thải bừa bãi, tình trạng “chặt chém” du khách; phối hợp với các cơ sở đào tạo mở các lớp ngắn và trung hạn trên địa bàn để góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch hiện nay.