Công nhân sẽ được vay ưu đãi để mua nhà tại các thiết chế công đoàn

Thứ Hai, 24/09/2018, 09:30
Đây là tin không thể vui hơn đối với công nhân, người lao động đang làm việc ở các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCN, KCX). Thì tới đây, hàng triệu người lao động đang khó khăn về nhà ở sẽ được vay vốn ưu đãi để mua nhà ở khi các thiết chế công đoàn đi vào hoạt động.

Mỗi căn hộ từ 30 - 45m², có mức giá chỉ từ 150 triệu đồng, người lao động sẽ được vay vốn ưu đãi để mua nhà với thời hạn từ 10 - 15 năm. Theo tính toán, mỗi tháng, người lao động chỉ phải trả 1,5 đến 2 triệu đồng để sở hữu một căn hộ.

Thấp thỏm chờ

Khu công nghiệp Đồng Văn (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) là một trong các địa điểm đang được thí điểm triển khai thiết chế công đoàn, trong đó sẽ có 1.000 căn hộ và hệ thống nhà trẻ, khu vui chơi, siêu thị dành cho những công nhân đang làm việc tại đây. Hiện tại dự án đã được tỉnh Hà Nam giải phóng mặt bằng và đang được các cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục đầu tư để tiến hành xây dựng. Không ít người lao động làm việc ở KCN này được thắp lên hy vọng về việc sở hữu một chỗ “an cư”.

Vợ chồng anh Trần Công Ảnh (quê Giao Thủy, Nam Định) đã làm việc ở KCN này hơn 7 năm. Anh Ảnh làm tại một doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc lương tháng được hơn 6 triệu đồng, vợ làm ở một công ty giày da, tháng nào tăng ca thì mới đạt được trên 6 triệu.

Thiết chế công đoàn tại KCN Đồng Văn, Duy Tiên, Hà Nam đang được triển khai, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2019.

“Nếu với mức giá khoảng 200 triệu đồng/căn hộ 30- 40m² thì chắc chắn công nhân có thể xoay xở được. Tuy nhiên, chỉ có 1.000 căn hộ mà ở đây có hàng nghìn công nhân thì không biết họ sẽ xét duyệt thế nào, ai là người được mua, phải chờ thời gian nữa xem cụ thể thế nào”, anh Ảnh cho biết.

Làm việc trong các KCN, KCX ở các tỉnh xa, người lao động còn chưa dám nghĩ đến chuyện mua nhà thì với công nhân làm việc ở khu vực thành phố lớn như Hà Nội, việc mua một căn nhà chắc chắn chỉ là “giấc mơ”. “Đất ở đây chỗ rẻ cũng 10 - 20 triệu đồng/m². Để mua được miếng đất làm nhà thì cũng phải một đôi tỷ. Chung cư thì cũng phải có tiền tỷ mới mua được. Công nhân như chúng tôi làm sao dám nghĩ đến”, chị Đào Thu Cúc (công nhân KCN Bắc Thăng Long, đang thuê trọ tại thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh) chia sẻ.

Theo chị Cúc, hai vợ chồng chị chi tiêu rất tiết kiệm nên cố gắng lắm mỗi tháng mới để dành được 1 - 2 triệu đồng. Do đó, Hà Nội phải triển khai được mô hình nhà ở cho công nhân như ở Bình Dương, với mức giá từ 100 - 150 triệu đồng/căn hộ thì công nhân tiết kiệm 5- 7 năm mới có thể mua nhà.

“Tuy nhiên, Hà Nội khác hẳn Bình Dương nên sẽ khó có mô hình nhà ở như thế. Chúng tôi cũng nghe nhiều về các thiết chế công đoàn. Nếu mỗi căn hộ có mức giá từ 150 - 200 triệu đồng, lại được vay ưu đãi thì đúng là đáng mừng. Hy vọng người ta cũng sẽ triển khai ở KCN Bắc Thăng Long để công nhân có nhà ở”, chị Cúc nói.

Hơn 1,2 triệu công nhân bức thiết về nhà ở

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đơn vị chủ trì triển khai các thiết chế công đoàn) hiện cả nước có 334 KCN, KCX với hơn 2,7 triệu lao động, trong đó có hơn 1,2 triệu người đang có nhu cầu bức thiết về nhà ở. Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Quang, Phó trưởng Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, hiện tại 50 thiết chế công đoàn đang được triển khai ở 50 địa phương, và đang được cố gắng để hoàn thành đúng tiến độ.

Theo ông Quang, hiện đã có 20 tỉnh đã cấp đất, các địa phương này cũng đang tiến hành giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị triển khai. 30 tỉnh còn lại, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đang cố gắng làm việc để được nhận bàn giao đất trong thời gian sớm nhất. Theo dự kiến từ năm 2020 đến 2023 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 50 thiết chế công đoàn này. Trong mỗi thiết chế sẽ có 1.000 căn hộ, khu vực vui chơi, trường học, và hệ thống siêu thị để phục vụ công nhân.

“Chúng tôi sẽ làm việc với các địa phương để xây dựng mức giá bán vào khoảng 150 - 200 triệu đồng/căn hộ/30- 40m². Vì là các dự án ưu đãi dành cho công nhân nên chúng tôi cũng phải làm việc với các địa phương để khi bán được công khai, minh bạch. Vì mức giá rẻ nên chúng tôi cũng xác định rõ tuyệt đối tránh trục lợi từ các dự án này”, ông Quang cho biết.

Cũng theo ông Quang, vì là nhà bán cho công nhân nên trình tự, thủ tục cũng sẽ được bàn bạc để đơn giản nhất, không làm mất nhiều thời gian, công sức của người lao động. Phấn đấu đến năm 2030 tất cả các KCN, KCX trên cả nước sẽ có các thiết chế công đoàn để đáp ứng được nhu cầu của người lao động.

“Chúng tôi đã nỗ lực đàm phán và đã được 4 ngân hàng thương mại lớn đồng ý về mặt chủ trương là khi triển khai bán nhà, các ngân hàng này sẽ hỗ trợ bằng cách cho công nhân vay vốn ưu đãi với lãi suất ổn định từ 7 - 7,8%/năm. Thời gian vay kéo dài khoảng 15 năm. Như thế, mỗi tháng người lao động sẽ chỉ phải trả từ 1,5 đến 2 triệu đồng cả gốc lẫn lãi cho căn nhà của mình. Chúng tôi cũng đã đàm phán với các hệ thống siêu thị bán lẻ lớn ở Việt Nam. Khi các thiết chế đi vào hoạt động, hệ thống siêu thị phục vụ công nhân sẽ có những nguồn hàng tốt, đảm bảo chất lượng mà giá cũng tốt nhất theo cam kết của các đơn vị cung cấp này”, ông Quang cho biết thêm.

Phan Hoạt
.
.
.