Cơ quan điều tra khẩn trương làm rõ những sai phạm của Công ty Tân Thuận

Thứ Tư, 19/12/2018, 08:25
Ngoài việc bán 32ha đất công ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè trái quy định cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (Công ty IPC) còn bị cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh điều tra làm rõ những dấu hiệu sai phạm về đất đai, tài chính khác.


Trong đó, ngoài 2 vụ việc sai phạm là bán rẻ cổ phần IPC đang nắm giữ tại doanh nghiệp (DN) liên kết là Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco và bán phần vốn góp để chuyển nhượng 11.967m2 đất làm dự án chung cư kết hợp thương mại ở phường Tân Phong, quận 7 cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, còn có một loạt sai phạm liên quan đến đất đai, tài chính của DN này.

Dư tiền vẫn đi vay để… làm quen (?!)

Theo kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh vào tháng 10 vừa qua, thời điểm Thanh tra thành phố đang tiến hành thanh tra đối với Công ty IPC, DN này đã đồng ý nộp vào tài khoản tạm giữ của thanh tra số tiền lên đến 684 tỉ đồng, đây là khoản lợi nhuận còn lại sau phân phối của IPC từ những năm trước.

Tiền mặt còn dư dồn lại sau nhiều năm chưa biết chi vào khoản gì nên ngay thời điểm làm việc với Thanh tra thành phố, ngày 14-6-2018, Công ty IPC đã phải làm văn bản kiến nghị Đoàn Thanh tra có ý kiến xử lý đối với khoản lợi nhuận còn lại trên.

Một phần khu A trong Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Sau đó 1 ngày, IPC tiếp tục có văn bản kiến nghị UBND thành phố và Chi cục Tài chính DN chấp thuận cho DN này được nộp vào ngân sách toàn bộ khoản lợi nhuận còn lại đang bị Thanh tra thành phố tạm giữ. Theo báo cáo của IPC với thanh tra, thời điểm cuối năm 2017, DN này còn đến vài trăm tỉ đồng phải thu từ khách hàng.

Theo Thanh tra thành phố, riêng khoản quỹ lương của IPC cũng còn tồn lại số tiền rất lớn, tính đến thời điểm giữa năm nay là hơn 39 tỉ đồng. Nhưng trong các năm 2016 và 2017, Công ty IPC đã 5 lần phải làm hợp đồng vay vốn ngân hàng với tổng số tiền 600 tỉ đồng. IPC đã phải trả tiền lãi lên đến hơn 8 tỉ đồng.

Theo giải trình của lãnh đạo Công ty IPC với Thanh tra thành phố vào ngày 10-9, thì “Các khoản vay này giúp 2 bên tạo quan hệ tín dụng lần đầu, làm cơ sở cho việc hợp tác trong tương lai khi IPC có nhu cầu về vốn để làm dự án”.

Thanh tra thành phố cho rằng, thực tế IPC hoạt động có lợi nhuận nhưng lại đi vay ngân hàng để lấy tiền nộp khoản lợi nhuận vào ngân sách là không phù hợp, không có trong phương án vay và sử dụng vốn vay theo kế hoạch tài chính của DN là không đúng với các quy định về sử dụng vốn Nhà nước.

Trước khoản chi quỹ lương cho cán bộ công nhân viên của IPC còn tồn số tiền rất lớn, Thanh tra thành phố đề nghị các sở, ngành chuyên môn làm rõ để hướng dẫn IPC xử lý theo quy định pháp luật. Quỹ lương còn chưa chi trả hết, nhưng theo tính toán của Thanh tra thành phố, doanh thu bình quân đầu người trong tất cả các hoạt động của IPC năm 2017 thấp hơn năm 2016. Tuy vậy, thu nhập bình quân của người lao động tại IPC lại tăng từ mức 18 triệu đồng/người/tháng vào năm 2016 lên mức 31 triệu đồng/người/ tháng trong năm 2017.

Thu nhập của 14 viên chức quản lý của IPC tăng từ 61,9 triệu đồng/người/tháng vào  năm 2016 lên 65 triệu đồng/người/tháng trong năm 2017. Thanh tra thành phố còn phát hiện IPC để nhiều đối tác chiếm dụng vốn, đến thời điểm cuối năm 2017, DN này còn đang bị đối tác nợ đọng kéo dài số tiền 232 tỉ đồng.            

Góp 600ha đất, chỉ được giữ 30% vốn ở Liên doanh Phú Mỹ Hưng

Kết luận của Thanh tra thành phố cho thấy, IPC và đối tác Central Trading & Development Coporation hợp đồng góp vốn thành lập Liên doanh Phú Mỹ Hưng từ năm 1993 và phụ lục hợp đồng thay đổi lần 1 vào năm 2008, trong đó IPC góp 30% vốn điều lệ bằng 600ha đất để làm dự án Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Đến năm 2012, IPC đã giao được hơn 317ha đất cho Liên doanh Phú Mỹ Hưng, gồm toàn bộ khu A và một phần diện tích khu E. Để đảm bảo nguồn chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm lấy đất trống giao cho Liên doanh Phú Mỹ Hưng, từ năm 2000, IPC đã trích lập nguồn quỹ dự phòng lên đến 1.541 tỉ đồng.

Trước thực trạng tuyến chính chạy qua Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là đường Nguyễn Văn Linh được làm theo hình thức BOT, thu phí của phương tiện qua lại để hoàn vốn; đối tác nước ngoài trong Liên doanh Phú Mỹ Hưng dù chiếm tỉ lệ góp vốn cao gấp hơn 2 lần so với IPC nhưng chỉ bỏ tiền làm đường, hạ tầng nội bộ và xây nhà để bán thu lời, ngày 8-1-2013, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản yêu cầu khoản kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng các khu chức năng B, C, D, E còn lại và chi phí tái định cư do Công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng chi trả.

Ngày 13-6-2014, UBND thành phố tiếp tục có văn bản yêu cầu Công ty IPC không được sử dụng vốn của DN để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án của Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng. Ngày 8-4-2016, IPC và Phú Mỹ Hưng Asia Holding đã phải ký lại phụ lục sửa đổi hợp đồng liên doanh với nội dung “IPC không tiếp tục chi trả bồi thường nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ góp vốn 30% trong liên doanh”.

Được giao diện tích đất quá lớn để mang đi góp vốn, Công ty IPC cũng chỉ tập trung 3 mảng chính là cho thuê mặt bằng, bán đất nền dự án và hoạt động tài chính, nhưng doanh thu của IPC chủ yếu đến từ việc đầu tư vốn vào 9 công ty con, công ty liên doanh, liên kết. Song kết quả thực hiện kế hoạch doanh thu được thành phố giao cho IPC cũng không đạt. 

Điển hình cho một lĩnh vực hoạt động kinh doanh không hiệu quả của IPC là tòa nhà văn phòng cao 20 tầng cộng thêm 1 tầng hầm được IPC xây dựng trên khu đất 7.547m2 do thành phố cho thuê 50 năm tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở quận 7.

Tòa nhà này ngoài được IPC sử dụng một phần để làm việc thì được 81 DN thuê làm văn phòng. Theo Thanh tra thành phố, từ năm 2010 đến 2017, tổng doanh thu từ hoạt động cho thuê chỉ ở mức hơn 145,9 tỉ đồng nhưng chi phí cho hoạt động của tòa nhà đã chiếm gần hết.

Thanh tra thành phố cho rằng, việc IPC cho đơn vị ngoài thuê văn phòng là không đúng với mục đích sử dụng tòa nhà theo quyết định của thành phố. Ngoài những sai phạm đã được Thanh tra thành phố kết luận, cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục làm rõ sai phạm để xử lý theo pháp luật.  

Đ.Thắng
.
.
.