Cảnh giác kẻo mắc lừa “cò đất”

Thứ Hai, 15/03/2021, 09:24
Đầu năm 2018, các chủ đầu cơ bất động sản (BĐS) ở TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị sử dụng chiêu trò tung tin “thổi giá đất” khu vực Nam Đông Hà lên cao. Từ đó đến nay, giá BĐS trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tăng lên hàng tuần và dịch vụ môi giới BĐS cũng “nở rộ”.

Đáng nói, có không ít “cò đất” tìm mọi cách thủ tiêu thông tin của những người muốn bán đất, như xóa số điện thoại, phá bảng rao bán cắm tại các lô đất; phong tỏa thông tin đăng tải trên mạng Internet… với mục đích, khách muốn mua đất phải qua “cò”.

Đồng thời, lùng sục khắp nơi tìm mua đất giá thấp, phối hợp người bán chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở, rồi tự phân lô, đấu giá với giá đấu cao ngất ngưỡng.

Ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, những năm gần đây, các “cò đất” sục sạo khắp nơi tìm mua các loại đất để chuyển đổi thành đất ở rồi tự phân lô bán lại kiếm lời.

Tình trạng này khiến những hộ dân có nhu cầu thực sự về đất ở gặp rất nhiều khó khăn. Về lâu dài, sẽ gây ra những hậu quả khó lường cho công tác quản lý hành chính nhà nước, đặc biệt về quy hoạch, phát triển xây dựng và đảm bảo ANTT địa phương.

Cũng theo ông Linh, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, các “cò” có thể đóng rất nhiều vai để khiến người mua rơi vào “vòng xoáy” rồi mua đất với giá cao.

Các chiêu trò các “cò” thường làm là quay clip giao nhận tiền, viết hợp đồng mua bán, đặt cọc tại các quán cà phê, nhà dân..., rồi đăng lên tài khoản mạng xã hội, tiếp thị với các khách hàng mới, rằng vừa có anh A, chị B đặt cọc mua lô XYZ... nhằm cho người mua tin tưởng về giá bán, qua đó dễ dàng lừa người mua “sập bẫy”.

Đặc biệt, ở những nơi có thông tin quy hoạch, chỉ cần có sản phẩm chào bán thì ngay lập tức sẽ có nhiều “cò” tạo thành nhiều lớp, vòng trong vòng ngoài thi nhau nâng giá trị mảnh đất để không những thu được tiền phần trăm từ người bán, mà còn kê giá, hưởng lợi và tạo cơn “sốt đất ảo”.

Đơn cử, chỉ trong một tuần qua, các “cò” liên tục thông tin lên tài khoản mạng xã hội về chủ trương của tỉnh Quảng Trị thu hút đầu tư, xây dựng khu đô thị Tân Vĩnh thuộc Nam Đông Hà giai đoạn 2 và 3. Kèm theo đó là thông tin về nhiều người bán “bẻ kèo” do đang có rất nhiều khách hàng từ khắp nhiều tỉnh, thành đổ xô về mua với giá rất cao.

Đặc biệt, tại xã Gio Quang, huyện Gio Linh cũng đang rộ lên tình trạng mua bán đất ở khu vực dự kiến triển khai dự án xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị. Ông Lê Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Gio Quang lo lắng nói rằng, việc mua bán đất rầm rộ ở khu vực trên khiến chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó trong khâu quản lý và nguy cơ để lại nhiều hệ lụy.

Các “cò đất” ngày nào cũng rải người đến từng hộ để hỏi mua, sau đó thổi giá để chuyển nhượng lại cho người khác.

Đối với việc này là giao dịch dân sự và quyền của người dân, chính quyền không thể can thiệp; nếu không có chế tài, biện pháp quản lý cần thiết thì chính quyền địa phương sẽ quản lý không nổi tình trạng mua bán đất tràn lan này.

Hiện, UBND xã Gio Quang đã có báo cáo cụ thể gửi UBND huyện Gio Linh, đồng thời đề xuất UBND huyện sớm kiến nghị với tỉnh triển khai ngay công tác cắm mốc chỉ giới đất quy hoạch các tuyến giao thông trên địa bàn xã, nhằm tạo điều kiện cho địa phương thực hiện việc quản lý đất đai được thuận lợi hơn.

Cùng với đó là phải có chủ trương, định hướng để chính quyền địa phương thông tin, khuyến cáo người dân biết về việc chuyển nhượng đất đai trong thời điểm này.

Tìm hiểu được biết, dự án Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ xác định trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) hàng không, giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 236/QĐ-TTg năm 2018.

Ngày 26/1/2021, Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch dự án này giai đoạn đến năm 2030. Đây là cảng hàng không nội địa, dùng chung cho mục đích dân dụng và quân sự.

Thực tế, ở nước ta hiện có 22 sân bay dân sự, trong đó có 13 sân bay nội địa và 9 sân bay quốc tế. Tuy nhiên, chỉ mới có 6/22 sân bay đang hoạt động có lãi dựa theo báo cáo của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Vì thế, ngoài việc giải quyết được vấn đề về giao thông đi lại cho người dân thì tính hiệu quả về mặt tài chính của nhiều sân bay đáng được cân nhắc. Việc xây dựng sân bay không phải là yếu tố chính để thu hút đầu tư.

Những yếu tố quan trọng hơn trong việc gia tăng giá trị BĐS và tạo sức hút trên thị trường bao gồm cung cấp đầy đủ các tiện ích xã hội, như trường học, bệnh viện, giao thông thuận lợi và cơ hội nghề nghiệp.

Do đó, người dân cần tỉnh táo trước khi quyết định mua đất đầu tư, tránh mắc bẫy của các “cò đất”..

Thanh Bình
.
.
.