Các dự án tác động đến dòng chảy sông Đồng Nai: Cần được cân nhắc cẩn trọng

Thứ Sáu, 20/03/2015, 08:11
Dự án khu đô thị Pegasus Residence có tổng diện tích lên đến trên 84.000m²; trong đó phần diện tích lấn mặt nước ven sông Đồng Nai lên tới hơn 77.200m² được UBND cho phép thi công khiến dư luận người dân địa phương bức xúc những ngày qua. Trước phản ứng của dư luận, ngày 19/3, chủ đầu tư dự án đã hầu như tạm ngưng việc san lấp.

Theo lãnh đạo một cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai chiếm vị trí hết sức quan trọng, hàng ngày cung cấp nước sinh hoạt cho gần 18 triệu người sinh sống ở 11 tỉnh, thành trong khu vực.

Trong đó 2/3 lượng nước máy cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt của người dân TP Hồ Chí Minh được lấy trực tiếp từ sông Đồng Nai. Đồng thời, sông Đồng Nai còn góp phần quan trọng trong việc điều tiết mực nước để giảm ngập cho vùng hạ du là TP Hồ Chí Minh.

Nhưng ngoài việc cho phép thực hiện san lấp để làm dự án trên phần đất hành lang bảo vệ sông là 20m, dự án còn được tỉnh Đồng Nai cho phép san lấp, thu hẹp dòng chảy trên đoạn sông dài đến 1,3km. Đoạn lấn nhiều nhất, bề rộng san lấp từ hành lang sông chạy ra hướng giữa sông lên đến 100m.

Mục đích xây dựng dự án khủng này được dự kiến sẽ kéo dài trong vòng 9 năm với tổng vốn đầu tư lên đến 2.200 tỷ đồng gồm các khu phức hợp như cao ốc văn phòng kết hợp thương mại - dịch vụ, nhà ở riêng lẻ thấp tầng, chung cư cao cấp, khách sạn 4 - 5 sao, trung tâm thương mại... để phục vụ một bộ phận người có tiền, chứ không phải phục vụ số đông người dân.

Và chỉ sau vài ngày tiến hành san lấp, đến khi bị người dân phát hiện đã có hàng chục ngàn m² đất đá từ các nơi chở về đã được chủ đầu tư đổ xuống sông. Những năm qua, để bảo vệ môi trường nước cho hệ thống sông Đồng Nai, các tỉnh, thành trong lưu vực đã đặt mục tiêu từ năm 2011 – 2015 sẽ có 60% các khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải trước khi đổ ra sông.

Một chiếc xe tải đang đổ đất xuống sông Đồng Nai.
Nhưng theo thông tin được đưa ra trong một phiên họp của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 12/2014 vừa qua, kết quả thực hiện đạt khá thấp: TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 13,2%, Bình Dương đạt 20%, Lâm Đồng 6,6%...

Ngoài ra còn nhiều khu đô thị ở các địa phương vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Thực trạng này khiến nguồn nước sinh hoạt lấy từ hệ thống sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm nặng; mỗi ngày hệ thống sông Đồng Nai phải tiếp nhận khoảng 560 ngàn mét khối nước thải công nghiệp thải ra từ khoảng 60 khu công nghiệp và gần 2 triệu mét khối nước thải sinh hoạt thải ra từ các khu đô thị.

Trong tổng lượng nước thải này mới chỉ có khoảng 15% nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý; còn nước thải công nghiệp mới thu gom xử lý được 40%; tổng lượng nước thải được xử lý chỉ khoảng 400.000 mét khối/ngày…

Cũng tại cuộc họp này, đại diện Bộ chủ quản đã đề xuất danh sách vài chục nhà máy xử lý nước thải các địa phương cần phải làm, trong đó riêng địa bàn tỉnh Đồng Nai là 9 nhà máy nhưng hiện hầu như chưa thu xếp được nguồn vốn để triển khai.

Việc thu hẹp dòng chảy của sông Đồng Nai sẽ tạo cho dòng nước chảy xiết, không chỉ khiến hiện tượng xói lở thêm nghiêm trọng ở những khu vực khác mà còn gây nên tình trạng ngập nặng kéo dài cho TP Hồ Chí Minh trong mùa mưa lũ kết hợp với việc xả lũ từ các hệ thống thủy điện trên thượng nguồn sông.

Do đó, bất cứ tác động nào liên quan đến dòng chảy của sông Đồng Nai đều phải được cân nhắc cẩn trọng và đặt lợi ích của số đông lên trước lợi ích cục bộ. 

Đ.Thắng
.
.
.