Bình Phước: Nóng chuyện bán điều non, cầm cố đất

Thứ Hai, 03/11/2014, 09:23

Qua 4 năm thực hiện Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND ngày 12/9/2010 của UBND tỉnh Bình Phước về việc tăng cường các biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn tỉnh cho thấy đến nay tình trạng trên vẫn diễn ra tràn lan và diễn biến phức tạp.

Ông Huỳnh Thanh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Phước cho biết, tình trạng bán điều non (bán bông), vay lãi suất cao, cầm cố đất đai, bán đất trong vùng ĐBDTTS (phần lớn là người Stiêng, MNông) trên địa bàn tỉnh đang diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt tại hai huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập. Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc, tính đến nay trên địa bàn  tỉnh tổng số hộ bán điều non 668 hộ, với diện tích hơn 1.000ha, số tiền bán 11,8 tỷ đồng. So với năm 2013, tăng 201 hộ/404ha.

Các địa phương có diện tích bán nhiều nhất là huyện Bù Đăng 409 hộ/755ha, tăng 99 hộ so với năm 2013; Bù Gia Mập 239 hộ/303ha, tăng 83 hộ so với năm 2013. Thời gian bán điều non từ 1/11 năm. Ngoài ra có 459 hộ cầm cố đất đai, thế chấp đất ở, đất sản xuất với diện tích hơn 565ha và có 302 hộ bán đất ở, đất sản xuất với diện tích hơn 300ha.

Nhiều diện tích điều của các hộ ĐBDTTS đã được bán non, cầm cố, sang nhượng. Ảnh: Đức Trí.

Theo ông Huỳnh Thanh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất diễn ra dai dẳng, phức tạp là hầu hết các hộ đồng bào có đời sống kinh tế khó khăn; một số hộ có thói quen ăn chơi, cần tiền mua xe, xây nhà, trả lễ cưới vợ… nên tự dấn thân hoặc bị các đối tượng có tiền dụ dỗ. Các đối tượng bằng mọi thủ đoạn tinh vi, thời gian đầu làm quen, cho các hộ này mượn tiền từ ít đến nhiều, cho thiếu nợ hoặc mua hàng lâu cùng với cách tính lãi cao, đến lúc đòi nợ không có tiền trả thì cấn nợ, xiết đất. “Có những hộ bán toàn bộ diện tích đất sản xuất nên trong thời gian bán điều non, các hộ không còn nguồn thu phải đi làm thuê hoặc xâm canh đất lâm nghiệp để trồng mì hoặc tiếp tục vay nặng lãi để trang trải cuộc sống”, ông Huỳnh Thanh nói.

Ông Huỳnh Thanh cho rằng, sở dĩ tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất kéo dài, diễn ra phức tạp là do các cơ quan chức năng chưa đủ cơ sở pháp lý chế tài xử lý các vụ việc (có liên quan đến sang nhượng, cầm cố đất đai, bán điều non). Qua điều tra thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp bán điều non, cầm cố đất đai, cho vay nặng lãi đều thực hiện giao dịch bằng miệng hoặc viết tay giữa hai bên, không có xác nhận của chính quyền địa phương nên khó phát hiện và không có cơ sở pháp lý để xử lý.

Bên cạnh đó, các chủ nợ cho vay thường chủ động lập các giao dịch, lợi dụng đồng bào không biết chữ nên trên giấy tờ vay thường khai lớn hơn thực tế và đã có lãi suất thỏa thuận giữa hai bên. Việc làm trên của các chủ nợ nhằm tránh việc ghi lãi suất cao trong giao dịch nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi cho vay nặng lãi của người cho vay không mang tính chất chuyên nghiệp, do đó khó cấu thành tội cho vay nặng lãi.

Theo ông Nguyễn Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, hiện tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương liên quan rà soát, sơ kết tình hình để có cơ sở báo cáo, tham mưu Thường trực Tỉnh ủy ra chủ trương xử lý triệt để tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong vùng ĐBDTTS. Đồng thời các địa phương có trách nhiệm điều tra, liệt kê danh sách, phân loại đối tượng, báo cáo kết quả xử lý hằng tháng, hằng quý, nhằm kiên quyết giải quyết triệt để những đối tượng vi phạm.

Bên cạnh đó, giao  Sở Tư pháp phối hợp Thanh tra, Công an tỉnh và các cơ quan chuyên môn hoàn thiện văn bản pháp lý để thực hiện chế tài, xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi, mua bán điều non, cầm cố, mua bán đất trong vùng ĐBDTTS. Mặt khác chỉ đạo Công an tỉnh tiếp tục phối hợp UBND các huyện, thị điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng thực hiện hành vi cho vay nặng lãi, lừa đảo, ép buộc người dân phải bán điều non, cầm cố, bán đất ở và đất sản xuất. Nếu đủ cơ sở thì khởi tố và xét xử lưu động điểm theo quy định của pháp luật để làm gương răn đe, giáo dục

Đức Trí – Ngọc Hùng
.
.
.