Bài học đau xót từ các vụ vi phạm Luật Đất đai ở Hà Tĩnh

Chủ Nhật, 06/10/2013, 11:47
Thời gian gần đây, cơ quan điều tra các cấp của Công an tỉnh Hà Tĩnh đã điều tra, làm rõ nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai ở các địa phương trên địa bàn. Hàng loạt “quan xã” bị khởi tố nhưng thực trạng này đã để lại nhiều bài học đau xót, là một nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút niềm tin của quần chúng nhân dân đối với một bộ phận cán bộ, đảng viên ở cơ sở hiện nay…

“Quan xã” mượn tên người nghèo lập khống hồ sơ đất đai để trục lợi

Tháng 10/2010, chị Cao Thị Hợi ở thôn 7, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) thuộc hộ nghèo trong xã đi xuất khẩu lao động ở Thái Lan. Thời gian này, thực hiện chủ trương của địa phương, UBND xã Xuân Viên tổ chức xét giao đất cho những đối tượng chính sách, hộ nghèo chưa có đất ở.

Là chủ tịch UBND xã, ông Cao Viết Đức nắm rõ hơn ai hết điều kiện, hoàn cảnh của các đối tượng nằm trong diện được cấp đất ở nhưng lợi dụng thời điểm giá đất ở Nghi Xuân tăng cao, chị Hợi không có mặt ở địa phương, ông Cao Viết Đức đã thông đồng với một số cán bộ dưới quyền làm hồ sơ xin cấp đất mang tên chị Hợi sau đó bán lấy tiền chia nhau.

Kiếm ăn ở xứ người cũng không đủ ăn, chị Hợi quay về địa phương, nhưng khi quay lên UBND xã xin trợ cấp thì chị mới ngã ngửa là gia đình mình đã bị loại khỏi danh sách hộ nghèo, bởi đã có tên trong danh sách được cấp đất ở.

Không riêng gì ông Chủ tịch xã mà ngay cả ông bí thư đảng ủy, người giữ cương vị cao nhất về công tác đảng tại địa phương cũng lợi dụng chủ trương này để trục lợi. Tuy đã có nhà ở khang trang, nhưng ông Phạm Mạnh Quyền, Bí thư Đảng ủy xã đã lợi dụng chức vụ của mình làm hồ sơ mang tên chị Trần Thị Lệ, ở thôn 1 để xin cấp đất. Ở cái làng quê Xuân Viên này ai cũng biết chị Lệ là người bị mù bẩm sinh, không biết chữ làm sao biết làm hồ sơ xin cấp đất. Mặt khác cuộc sống khó khăn đến cái ăn cũng chưa đủ nói gì đến có tiền mua đất.

Để che mắt thiên hạ, ông Quyền lấy tiếng mua mảnh đất đó cho anh trai. Được Chủ tịch UBND xã cùng cán bộ địa chính xã Xuân Viên ưu ái xét giao cho lô đất số 48, thửa đất số 739, diện tích 304m2, nhưng ngay sau khi UBND huyện Nghi Xuân có “sổ đỏ”, ông Quyền đã ngã giá chuyển nhượng mảnh đất trên cho người khác với giá 550 triệu đồng.

Ông Hồ Văn Lợi, 71 tuổi, thuộc diện hộ nghèo ở thôn 2, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, nhiều năm nay thường xuyên chăm lo hương khói cho 2 anh trai là liệt sỹ trong một ngôi nhà nhỏ xập xệ. Nếu xét theo chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước thì gia đình ông nằm trong diện được xét cấp đất ở vì không những là gia đình chính sách mà ông có 2 người con đã lập gia đình vẫn còn ở chung với bố mẹ. “Thế nhưng, dù tôi đã nhiều lần làm hồ sơ xin cấp đất nhưng UBND xã Xuân Viên vẫn không xét duyệt” – ông Lợi ta thán.

Không riêng gì ở xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, qua thanh kiểm tra của cơ quan chức năng và tài liệu của cơ quan điều tra, tình trạng lạm quyền cố ý làm trái trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một số cán bộ xảy ra tại nhiều địa phương, điển hình nhất là tại các xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh; Đức Thanh, huyện Đức Thọ, thực trạng đáng buồn này đã làm nóng lên dư luận, gây bức xúc trong nhân dân.

Một số người dân ở xã Xuân Viên bị khai khống tên để cấp đất.

Bài học đau xót

Không những xét giao đất sai đối tượng để trục lợi, trở lại vụ việc ở UBND xã Xuân Viên việc thu tiền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các khoản thu khác cũng trái quy định.

Cụ thể năm 2010 và 2012, UBND xã Xuân Viên thu tiền cấp quyền sử dụng đất  sai hơn 2 tỷ đồng. Thay vì trả cho nhà nước và người dân thì ông Chủ tịch UBND xã Cao Viết Đức lại chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập phiếu thu và phù phép biến hoá số tiền trên.

Vừa qua, cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Xuân đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Cao Viết Đức (42 tuổi), Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã; Trần Xuân Ngân (61 tuổi), cán bộ địa chính xã và Phan Thị Sáu (56 tuổi), nguyên kế toán xã Xuân Viên về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”.

Ngày 17/9, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Anh cũng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Hiệp (34 tuổi), trú tại xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh, nguyên cán bộ địa chính xã Kỳ Hoa về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Chủ trương xét giao đất cho các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn xã chưa có đất ở là việc làm đúng đắn, hợp ý Đảng lòng dân, nhưng thay vì xét giao đất cho những đối tượng đủ điều kiện, lãnh đạo một số xã cùng cán bộ dưới quyền ở Hà Tĩnh tự ý xét cho những người có quyền, có tiền để trục lợi, bất chấp quy định của pháp luật. Các vụ việc trên cho thấy tình trạng quản lý đất đai đang tạo ra nhiều kẽ hở để nhiều cán bộ, đảng viên thoái hoá biến chất trục lợi.

Thực tế cho thấy những vi phạm này phần lớn xuất phát từ việc bản thân cán bộ đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; các tổ chức cơ sở đảng và cơ quản quản lý nhà nước đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra để một số cán bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ, vun vén cá nhân, gây thất thoát tài sản nhà nước. Nhiều nơi còn có biểu hiện chuyên quyền độc đoán, thao túng quyền lực dẫn đến vi phạm pháp luật.

Ông Hà Văn Châu – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghi Xuân thừa nhận: “Kiểm tra, thẩm định các hồ sơ, cái đó là phòng chức năng của huyện. Sai hay không phòng chức năng phải biết, có đúng quy trình hay không phòng chức năng phải biết. Trong cái sai của xã có cái sai của phòng chức năng. Nếu kiểm tra kỹ càng, nếu biết quy trình cấp đất không đảm bảo thì không cấp”.

Theo ông Võ Công Hàm, Bí thư Huyện ủy Đức Thọ thì để chấn chỉnh việc này phải củng cố bộ máy Nhà nước về đất đai, đặc biệt là ngành Tài nguyên môi trường; thường xuyên giám sát của cấp ủy Đảng chính quyền trong quá trình thực hiện Luật Đất đai, thực hiện tốt quy chế dân chủ từ cơ sở, đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng…

Sai phạm ở nhiều địa phương

Theo kết luận thanh tra số 540 của UBND huyện Can Lộc, có hàng trăm sai phạm trong cấp đất ở các xã trên địa bàn huyện; cụ thể xã Tiến Lộc có 19 trường hợp cấp đất sai thẩm quyền, xã Sơn Lộc có 76 hộ, xã Phú Lộc có 61 hộ, xã Vĩnh Lộc có 58 hộ, xã Trường Lộc có 58 hộ, thị trấn Nghèn có 68 hộ, xã Tùng Lộc có 121 hộ, xã Vượng Lộc có 38 hộ.

Tại huyện Đức Thọ, UBND xã Đức Thanh đã lập hồ sơ khống đề nghị UBND huyện Đức Thọ cấp “sổ đỏ” cho 11 hộ gia đình. Hậu quả, những người dân tích góp tiền mua những mảnh đất này đứng trước nguy cơ tiền mất, tật mang. Nhiều hộ dân được cấp đất thì không có sổ đỏ, người có sổ đỏ thì không có đất, gây nên bức xúc trong nhân dân…

Xuân Lý – Đình Vũ
.
.
.